Trần giá chào bán điện cho EVN là 1.400đ/kWh vẫn còn rất thấp!

(DVT.vn) - Trần giá mà các nhà máy phát điện độc lập bán cho EVN đã được nâng lên từ 900 - 1.400 đ/kWh song vẫn chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

(DVT.vn) - Trần giá mà các nhà máy phát điện độc lập bán cho EVN đã được nâng lên từ 900 - 1.400 đ/kWh song vẫn chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Qua hội nghị đánh giá công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm được Bộ Công thương tổ chức ngày hôm nay (16/9), có thể thấy, qua hơn 2 tháng đi vào thực hiện, đã có một số kết quả nhất định. Từ 1/7 giá trần thị trường áp dụng là 900đ/kWh song mức giá này đã được điều chỉnh tăng lên 1.400 đ/kWh từ 1/8 và giá sàn áp dụng cho thủy điện là 0 đ/kWh. Đây được coi là bước tiến trong lộ trình thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, vì phần nào đã cải thiện được chất lượng chào giá của các đơn vị tham gia. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi bên lề hội nghị, ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng Giám đốc CTCP Nhiệt điện Phả Lại vẫn cho rằng, mức trần đó vẫn còn rất thấp để có thể hấp dẫn được các nhà đầu tư. Trần giá chào cao hơn giá điện bình quân bán ra là 1.200 đ/kWh. Về lý do không thể lấy giá bán bình quân làm giá trần chào bán, ông Sơn lý giải, nếu lấy giá trần như thế thì không có ai có thể bán điện cho EVN. Việc xác định giá trần là cả một bài toán khó giải nhưng mức hiện tại vẫn là chưa đủ để mở rộng thị trường. Ông Sơn phân tích, giá trần là mức cao nhất được phép chào bán rồi, nhưng không phải bao giờ nhà đầu tư cũng có thể chào ở mức giá đó được. Thời gian giá thấp vẫn chiếm nhiều hơn. Giờ (dài) x giá thấp (nhiều) sẽ cho ra tổng doanh thu rất thấp so với chi phí khi áp dụng giá bán bình quân. Tất nhiên, các nhà bán điện cho EVN không loại bỏ trường hợp chào giá chạm trần song thời gian lại ngắn nên tiền thu về vẫn khiêm tốn, do vậy giá mua chắc chắn không thể cao hơn giá bán ra Ông Sơn kiến nghị cần đẩy trần chào giá lên cao vì một khi đã tham gia thị trường cạnh tranh, thì nhà đầu tư phải phát ra giá thấp; trong khi giá trần thấp sẽ khiến giá Min (thấp nhất) lại càng bị đẩy xuống. Bản thân giá Min phụ thuộc vào thị trường, vì nhà đầu tư nào cũng muốn chào với giá thấp nhất, tương tự như khi thực hiện đấu thầu vậy. Như thế, doanh thu không thể đảm bảo bù chi phí than, dầu… Giá Min vốn dĩ đã thấp rồi mà giá trần lại thấp nữa thì người tham gia thị trường bao giờ cũng lỗ. Vấn đề giá trần nên là bao nhiêu còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Nếu thị trường tạo ra khe quá hẹp thì không thể ràng buộc được nhà đầu tư. Đặc biệt, bây giờ ngành điện lại cần đảm bảo an ninh năng lượng, không thể vì giá mà bỏ qua. Từ góc độ nhà đầu tư, ông Sơn cho biết, việc tính toán này do các cơ quan chức năng quyết định, còn các nhà máy điện độc lập thì chỉ tính đến mức nào mà giá chào đảm bảo được chi phí phát điện trong một giai đoạn nhất định, có doanh thu về cho mình. Với giá bán bình quân 1.200 đ/kWh, EVN lỗ là đương nhiên! Câu hỏi đặt ra tiếp theo là, nếu vậy, EVN mua giá thấp mà vẫn muốn tăng giá bán ra thì làm sao có thể lỗ? TGĐ Nhiệt điện Phả Lại giải thích, câu chuyện lỗ của EVN là do lỗ từ những năm trước để lại. Chưa kể, năm nay cũng mới chỉ chào 5% và cũng mới cũng chỉ demo chứ chưa phải thanh toán; 95% còn lại vẫn phải tính theo hợp đồng PPA (hợp đồng mua điện hai phần truyền thống). Ở những hợp đồng này, ông Sơn cho biết, bao giờ giá cũng cao và lỗ của EVN là đương nhiên."Với giá bình quân như hiện nay thì rất khó để EVN có lãi" - ông Sơn nói. Mặc dù vậy, việc mở tỷ lệ hợp đồng chào giá trên 5% trong khi các nhà máy đang yếu, để thị trường lớn quá sẽ xảy ra thiếu hụt năng lượng. Cái khó của EVN kéo theo cái khó cho các nhà máy bán điện. Vì EVN khi không có lãi, họ đặt trần giá mua vào thấp nên các nhà máy khó mà tham gia thị trường được. Lãnh đạo Nhiệt điện Phả Lại cũng tâm sự, hiện nay công ty vẫn đang chào thử nghiệm và chưa đủ thời gian để khẳng định được mức độ khả thi khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh sắp tới. Bởi, băn khoăn của những nhà đầu tư, bán điện cho EVN là, hôm nay chào được cao nhưng cũng sẽ có lúc phải chào giá thấp. Chênh lệch cao-thấp ấy phải làm sao để doanh thu cao hơn hoặc thay đổi không nhiều so với thời kỳ trước, từ đó mới thuyết phục được người bán điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Mới đây, theo Thông tư 31 của Bộ Công thương thì bắt đầu từ tháng 9, giá bán điện của EVN sẽ được tính toán kiểm tra hàng tháng trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào cơ bản so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành, trong đó bao gồm tỷ giá tính toán, giá nhiên liệu tính toán, cơ cấu sản lượng điện phát của các tháng đã qua. Người tiêu dùng sẽ dần chấp nhận sự thay đổi giá điện thường xuyên Theo lộ trình đã được phê duyệt về thị trường điện lực tại Việt Nam thì giai đoạn 2015-2022, thị trường bán buôn cạnh tranh sẽ được vận hành. Sau năm 2022 mới vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh. Tới lúc ấy người dân mới có thể được lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình với mức giá phù hợp. Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực - Bộ Công thương phát biểu, cái được lớn nhất nếu vận hành được thị trường điện cạnh tranh vào 1/1/2012 là sự minh bạch về cơ chế, tạo được niềm tin của các nhà đầu tư vào ngành điện, để các nhà đầu tư thấy được luật chơi rõ ràng, công khai. Đồng thời, điều này cũng giúp minh bạch hóa được giá bán điện cho người tiêu dùng. Với cơ chế thị trường công khai minh bạch thì công luận có thể chấp nhận được sự thay đổi giá điện tiêu dùng thường xuyên. Đại diện của nhiều nhà máy điện độc lập cũng nêu ra quan điểm, để tránh sốc ngay từ thời điểm hiện tại, các cơ quan điều hành cần công bố tình hình thực hiện, cơ cấu chi phí mua vào bán ra cụ thể. Bài và ảnh: Bích Diệp

Nguồn DVT.vn: http://dvt.vn/20110916024817224p0c69/tran-gia-chao-ban-dien-cho-evn-la-1400dkwh-van-con-rat-thap!.htm