Trạm thu phí không dừng: Người Việt 'thừa thời gian' nên không cần áp dụng?

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp Giao thông của Viettel, việc người dùng có chấp nhận hay không và quyết tâm của các nhà xây dựng chính sách như thế nào, sẽ là những yếu tố vô cùng quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển các trạm thu phí không dừng.

Theo tiến độ từ tháng 6/2016, các trạm thu phí trên quốc lộ 1A và quốc lộ 14 bắt đầu có 2 làn thu phí dành cho các phương tiện dán thẻ e-tag, để sử dụng công nghệ thu phí không dừng RFID.

Trong các trạm này, tiêu biểu có trạm thu phí của Quảng Bình và Đắc Nông sử dụng công nghệ thu phí không dừng do công ty VETC cung cấp.

Tại miền Bắc, bắt đầu từ tháng 7/2016, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đã đã phối hợp với liên danh FSV & Viettel nghiên cứu thử nghiệm lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) sử dụng công nghệ RFID tại trạm thu phí Đại Xuyên và Cam Bồ trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Đây là những bước đi ấn tượng khiến nhiều người tham gia giao thông văn minh hưởng ứng, tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến e ngại do thiếu thông tin đầy đủ về những tiện ích do các trạm thu phí không dừng mang lại.

Xe của bạn Hoàng Khanh Điệp đã dán tem 3M để nhận diện khi qua các trạm ETC. Ảnh: Khanh Điệp

Một trong những ý kiến đó là nhiều người nghĩ rằng, việc lắp đặt các trạm thu phí không dừng là không cần thiết, do người Việt “có nhiều thời gian”, một số khác băn khoăn về tính an toàn của hệ thống ETC do người Việt phát triển và vận hành.

“Cái này không khả thi và không dành cho số đông, người Việt mình thừa thời gian, nhanh chậm gì vài phút”, đây là ý kiến của bạn Điền Ga, một thành viên của diễn đàn Otofun khi nói đến các trạm ETC.

Bạn Ga cho rằng, không phải chủ phương tiện nào cũng cần phải sử dụng công nghệ này, trong khi nghe nó có vẻ rắc rối hơn là việc mua vé và đưa vé cho nhân viên trạm xé vé.

Mặc dù, phân tích các chỉ số từ trạm thu phí ETC cho thấy, trạm ETC ưu việt hoàn toàn so với các trạm thu phí thủ công trong việc minh bạch hóa việc thu cước, tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm thời gian và đem lại tâm lý thoải mái cho tài xế. Ngoài ra, khi kết hợp với cân điện tử, trạm ETC còn có thể nhanh chóng phát hiện các xe quá tải, chuyển thông tin đến các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều điều người dân chưa hiểu về công nghệ thu phí mới, do đó có không ít những e dè.

Chị Hồ Hoàng Điệp (Pháp Vân, Hà Nội) nói, việc sử dụng công nghệ E-tag có vẻ... lằng nhằng và khó sử dụng đối với những phụ nữ đã ngoài 50 tuổi như chị: “thà mất thêm 5, 10 phút còn đỡ hơn dùng những thứ mà mình chẳng biết gì”, chị Điệp cũng băn khoăn với trạm thu phí, như lần đầu tiên chị cân nhắc đổi chiếc Nokia 8800 dễ dùng lên chiếc iPhone đời mới vậy.

Trạm Thu phí Cao Bồ đã có làn thu phí không dừng cho người tham gia giao thông. Ảnh: Khánh Vũ - TCGT

Mặc dù chỉ là ý kiến của một vài người, nhưng nhóm người tham gia giao thông như anh Điền Ga và chị Điệp cũng là một trong những bài toán gây “đau đầu” các các nhà phát triển hệ thống.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp Giao thông của Viettel nêu quan điểm, việc người dùng có chấp nhận hệ thống hay không và quyết tâm của các nhà xây dựng chính sách như thế nào, sẽ là những yếu tố vô cùng quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển các trạm thu phí không dừng.

Mục tiêu là sau năm 2020, có khoảng 95 – 97% các chủ phương tiện sẽ sử dụng các thẻ E-tag để thanh toán phí khi đi qua các trạm thu phí.

Ngoài những người chưa có nhiều hiểu biết và quan tâm về trạm thu phí không dừng, nhiều người tham gia giao thông lại kì vọng Bộ GTVT sẽ hoàn thành việc triển khai hệ thống ETC sớm hơn so với các dự kiến đưa ra.

Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại trường Đại học Thượng Hải, ông Nguyễn Hải Đăng cho biết, về khía cạnh người dùng và là người từng có trải nghiệm tham gia giao thông tại nhiều quốc gia, các vùng lãnh thổ khác nhau, ông đánh giá cao các trạm thu phí không dừng tại Hàn Quốc, Đài Loan, đó cũng là tiện ích quy hoạch giao thông mới và là xu hướng của thế giới, nếu viện lý do “người Việt có thừa thời gian” để chậm áp dụng các trạm thu phí không dừng thì đó sẽ là một điều cực kì phi lý, tư duy đó cần dẹp bỏ.

“Công nghệ sẽ giúp người tham gia giao thông văn minh hơn và tôi hoàn toàn ủng hộ việc này. Không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành, việc sử dụng các tiện ích mới cũng sẽ giúp tâm lý người lái xe thoải mái hơn rất nhiều khi đi trên đường phố”, ông Đăng nhấn mạnh.

Trên thực tế, công nghệ thu phí không dừng đã được áp dụng từ năm 2010 với trạm thu phí không dừng tại Cần Thơ và thiết bị OBU của Viettinbank. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, thiết bị OBU có giá thành ban đầu lên tới xấp xỉ 900.000 đồng/chiếc, nên rất hạn chế người sử dụng.

Hiện tại, với công nghệ RFID, những nhà phát triển công nghệ như Viettel đã làm những chiếc thẻ E-tag trở nên mỏng đáng kể, đặt hiệu quả cao về mặt thẩm mỹ, chắc chắn và có giá thành sản xuất rẻ hơn rất nhiều, hiện các chủ phương tiện đang được cung cấp thẻ E-tag của Viettel miễn phí.

Theo Giám đốc Trung tâm Giải pháp Giao thông của Viettel, công nghệ RFID đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các chủ phương tiện tiếp cận với công nghệ thu phí không dừng, mỗi chiếc thẻ e-tag có diện tích chỉ bằng ½ kích cỡ của một chiếc thẻ ATM, có thể dán lên xe rất chắc chắn mà không ảnh hưởng đến tầm nhìn của lái xe.

Ông Bình nói, xét về mặt công nghệ thì những nhà cung cấp dịch vụ như Viettel hoàn toàn làm chủ, do công nghệ tại các trạm thu phí không dừng về bản chất, hoạt động tương tự như các hệ thống viễn thông mà Viettel lại có rất nhiều kinh nghiệm trong việc này.

“Tại Đài Loan, Tổng giám đốc công ty cung cấp dịch vụ thu phí không dừng xuất phát từ nhân sự làm IT của nhà mạng, công nghệ này chỉ có loại hình là khác dịch vụ viễn thông, bản chất giống nhau”, thủ lĩnh nhóm phát triển công nghệ ETC của Viettel khẳng định.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, công nghệ ETC sẽ giải quyết được nhiều mặt về vấn đề giao thông, trong đó có giảm ùn tắc, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhiên liệu và khẳng định quyết tâm của Bộ Giao thông Vận tải, trong việc sẽ trang bị công nghệ thu phí không dừng cho các tất cả các trạm thu phí tại Việt Nam theo lộ trình, đến sau năm 2020.

Thành Lương

GIAO LƯU VỚI ĐỘC GIẢ TRÊN FANPAGE ICTNEWS

Video đang được xem nhiều

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/cuoc-song-thong-minh/tram-thu-phi-khong-dung-nguoi-viet-thua-thoi-gian-nen-khong-can-ap-dung-140734.ict