Trạm thu phí Hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia đặt 'sai chỗ': Không đi hầm vẫn phải è cổ đóng phí

Mỗi năm, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch vận chuyển khách du lịch từ cảng Chân Mây vào phía Nam sẽ phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ để đóng phí hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia. Ảnh: Đ.K

Các doanh nghiệp (DN) vận tải vận chuyển hàng hóa, khách du lịch từ cảng Chân Mây vào phía Nam và ngược lại sẽ phải è cổ đóng phí dù thực tế họ không đi qua hai hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia.

Bị thu phí bất hợp pháp

Trạm thu phí hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia đã và đang gây bức xúc không chỉ cho người dân, DN tại thị trấn Lăng Cô mà còn cả những DN vận tải hàng hóa, du lịch tại cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ghi nhận của PV, các phương tiện vận tải, du lịch khi lưu thông hàng hóa, vận chuyển du khách qua cảng vào phía Nam và ngược lại theo trục đường chính của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô qua hầm Hải Vân không đi qua hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia vẫn sẽ phải đóng phí. Ông Trần Quang Hào - Giám đốc Cty du lịch Huế Tourist - nêu dẫn chứng: “Ngày 25.6, tàu du lịch quốc tế cập cảng, dự kiến các DN lữ hành du lịch sẽ phải huy động trên 80 xe lớn nhỏ di chuyển khách vào phía Nam. Số xe đó có đi qua hầm đâu mà vẫn phải đóng phí. Quá bất hợp lý” - ông Hào nói. Mỗi tháng trung bình có 2 tàu biển cập cảng Chân Mây, Cty ông Hào sẽ phải huy động 60 xe vận chuyển khách. Nếu tính chung cho cả một năm thì phí phải trả cho hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia là con số không hề nhỏ.

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thừa Thiên-Huế - ông Nguyễn Mậu Chi - nhận định: Việc đặt trạm thu phí tại vị trí bất hợp lý, cách quá xa hai hầm (hầm cách trạm từ 10-20km - PV), không phải vì lý do không có đất, không có chỗ. “Hình như là nhà đầu tư có ý đồ khác, đó là việc của họ. Nhưng chính vì đặt xa như thế đã gây ảnh hưởng lớn cho hoạt động vận tải của các DN. “Có cảm giác rằng bị lấy phí một cách bất hợp lý và điều đó luôn đè nặng trong đầu du khách, DN khi đi qua trạm thu phí hai hầm đó mới là điều quan trọng hơn hết trong câu chuyện này” - ông Chi nói.

“Không sử dụng không trả phí”

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Giám đốc Cty CP cảng Chân Mây (trực thuộc TCty Công nghiệp tàu thủy VN) - cho biết, lượng hàng hóa thông qua cảng Chân Mây năm 2015 ước tính lên đến hơn 2 triệu tấn và nhiều tàu quốc tế hạng sang đưa 100.000 lượt du khách cập cảng đi tham quan, du lịch tại các địa phương có nhiều danh lam, thắng cảnh dọc miền Trung. Theo ông Thọ, trong năm nay và năm tiếp theo, lượng hàng hóa qua cảng sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là các tàu du lịch quốc tế đăng ký cập cảng ngày càng nhiều với lượng du khách sẽ lên con số 200.000 người vào năm tới.

Trước bức xúc của các DN, Cty CP cảng Chân Mây cùng các DN ký văn bản kiến nghị gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc không thu phí đối với các phương tiện vận tải hàng hóa, du lịch không đi qua hầm. Kiến nghị nêu rõ: “Tình trạng trên đã gây bức xúc cho các DN, giảm sức cạnh tranh và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách tỉnh”. Đồng thời đề nghị “có sử dụng thì phải trả phí, không sử dụng thì không trả phí” để đảm bảo sự công bằng, tăng lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng xuất nhập khẩu qua cảng Chân Mây. Ông Phạm Công Hưng - Tổng GĐ Cty CP Phước Tượng - Phú Gia BOT - cho rằng, các phương tiện vận tải đi từ cảng Chân Mây vào Nam qua trạm thu phí, trong khi đi từ cảng ra phía Bắc dù đi qua hai hầm nhưng không mất một đồng phí nào. Để tạo công bằng cho tất cả các phương tiện vận tải là rất khó. Tuy nhiên, để hỗ trợ các DN, nhà đầu tư đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính xin giảm vé cho một số phương tiện, mức thu cao nhất từ 200.000 xuống 180.000 đồng/lượt.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/tram-thu-phi-ham-duong-bo-phuoc-tuong-phu-gia-dat-sai-cho-khong-di-ham-van-phai-e-co-dong-phi-567127.bld