Trạm radar Việt Nam ẩn mình trên núi Tây Bắc

Lấp lánh sau mỗi ánh tín hiệu trên màn hình ra-đa là sự âm thầm cống hiến, là những chiến công thầm lặng...

Ẩn mình trên những đỉnh núi cao ở Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, mỗi trạm ra-đa thuộc Trung đoàn 293, Quân chủng Phòng không-Không quân đều là những đôi mắt "vệ quốc" ngày đêm canh trực, bảo vệ vùng trời Tây Bắc.

Câu chuyện thời tiết

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình kéo dài hơn một tuần thăm các trạm ra-đa thuộc Trung đoàn 293 của chúng tôi là Trạm T35. Gần 21 giờ, mới đầu đông mà thời tiết ở cao nguyên Mộc Châu đã khá lạnh. Dưới ánh đèn vàng đục, sương mờ phủ kín doanh trại, cách hai mét đã không thể nhìn rõ mặt người.

Đại úy Trần Trọng Tuấn, Trạm trưởng, ra đón chúng tôi tận cổng. Tay bắt mặt mừng, anh Tuấn bảo: “Được cấp trên thông báo có đoàn nhà báo lên làm việc, mọi người trong đơn vị rất vui mừng, muộn nhưng vẫn đợi cơm các anh”. “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, tình cảm trân trọng của chủ khiến khách rất cảm động.

Trong bữa cơm, anh Tuấn tâm sự: “Đóng quân ở địa bàn xung quanh không có cây rừng che chắn, nên mỗi khi giá lạnh tràn về, trạm là nơi hứng chịu đầu tiên. Công tác gần chục năm ở các trạm ra-đa vùng cao nhưng tôi không thấy nơi nào lạnh kinh khủng như ở nơi đây.

Mùa đông năm ngoái, nhiệt độ xuống âm 3 độ, tuyết phủ trắng sân, mặt nước ở các bể chứa đóng một lớp băng mỏng. Hậu quả của trận rét đó là toàn bộ số cây trong đơn vị bị chết, phải cưa cụt hết ngọn”. Chỉ tay về phía các lớp kính sau cánh cửa, anh Tuấn giải thích, tất cả cửa trong các dãy nhà đều có thêm một lớp kính bên trong ngăn gió lạnh và sương giá lùa qua các kẽ hở.

Đài ra-đa Trạm T62 ngày đêm canh giữ bầu trời Tây Bắc.

Đài ra-đa Trạm T62 ngày đêm canh giữ bầu trời Tây Bắc.

Sương mù bao trùm toàn Trạm T35 trong suốt mùa đông gây ra biết bao khó khăn, vất vả. Ẩm ướt từ nền nhà đến vật dụng, nhưng khổ nhất là chăn màn, gối đệm cũng chẳng có cái nào khô. Quần áo phơi mấy cũng vẫn âm ẩm suốt mùa sương giá.

Đêm ngủ, anh em mặc toàn bộ số quần áo có thể và đắp hết chăn lên người nhưng vẫn lạnh cóng, bàn chân bị cước buốt thấu xương. “Chúng tôi mong muốn có bộ quần áo chống rét chuyên dụng vào mùa đông để bớt đi phần nào vất vả”, anh Tuấn giãi bày.

Khi chúng tôi qua nửa bữa cơm, Thượng úy Lý Ngọc Dũng, Phó trạm trưởng quân sự, mới bước vào bàn. Anh giải thích lý do vào muộn vì phải trực phiên. Tiếp tục chủ đề khí hậu, anh Dũng góp thêm: “Mùa đông đã khổ, vào mùa hè, gió tây tràn về, sự khắc nghiệt của thời tiết mới thật sự bắt đầu, nhiệt độ ở trạm lên đến 40-45 độ C.

Trong khi đó, các vị trí trực của bộ đội lại hoàn toàn ngoài trời. Có chiến sĩ mới chưa kịp thích nghi với nhiệt độ thay đổi đột ngột nên bị cảm nắng, chảy máu cam. Trạm phải giảm thời gian canh trực, mỗi ca chỉ còn 1-2 tiếng thay vì 2-3 tiếng”.

Câu chuyện về thời tiết ở Trạm ra-đa T35 làm tôi liên tưởng đến Trạm ra-đa T36 ở Lào Cai và Trạm T62 ở Yên Bái. Cùng đóng quân trên các đỉnh núi cao, cùng chịu ảnh hưởng tương tự do khí hậu khắc nghiệt, ở Trạm T36 và Trạm T62, mỗi khi mùa hè đến còn phải đón thêm những trận mưa dông khủng khiếp.

Đại úy Hoàng Ngọc Dương, Chính trị viên Trạm T36, cho biết: “Đặc thù đóng quân trên núi cao, bên dưới là mỏ quặng nên đơn vị bị sấm sét "hỏi thăm" liên tục”.

Để chống lại “thiên lôi” ghé thăm, các trạm ra-đa đều xây dựng hệ thống chống sét hiện đại. Đại úy Phạm Quang Hiếu, Chính trị viên Trạm T62, không giấu được vẻ tự hào: “Hệ thống chống sét của chúng tôi được xây dựng cơ bản và khoa học nên dù sấm sét đánh làm rung chuyển đơn vị thì cũng không ảnh hưởng tới tinh thần trực chiến của cán bộ, chiến sĩ”.

Càng đi, chúng tôi càng cảm nhận rõ dù nắng lửa, bão sương, gió tuyết khắc nghiệt thì cũng không thể làm họ chùn bước. Qua trui rèn, người lính ra-đa càng trở nên bản lĩnh và kiên cường.

Trung tá Nguyễn Văn An, nhân viên kỹ thuật Trạm T36, kể: “Từ những buổi đầu xây dựng trạm, xung quanh núi rừng bao phủ, đường lên toàn là đường đất, đi từ chân dốc lên tới đỉnh phải nghỉ 5 lần, qua bao thế hệ công tác, cống hiến, tất cả mọi người đều yêu quý đơn vị. Đến nay, hầu hết quân nhân chuyên nghiệp đều đã lập gia đình, hoặc chuyển vợ con lên đây sinh sống, coi mảnh đất này là quê hương thứ hai của mình”.

Vẻ mặt thư sinh, giọng nói trong trẻo, Binh nhất Cấn Công Tuấn, Trạm T36, chia sẻ: “Nhà tôi ở Hà Nội, ngày mới lên nhận công tác ở đơn vị, tôi không tránh khỏi cảm giác lo lắng. Nhưng sau một thời gian sống ở đây, tôi có trải nghiệm hoàn toàn khác so với ý nghĩ ban đầu.

Giữa nơi rừng núi xa xôi, khó khăn, vất vả nhưng mọi người rất đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt. Tình yêu đối với vùng đất mới thấm dần vào suy nghĩ, nếp sống. Với tôi, mỗi ca trực chính là việc góp phần bảo vệ sự bình yên của bầu trời Tổ quốc thiêng liêng”.

Không để lọt từ “con chim” đến “cái kiến”

Với những người lính trạm ra-đa, không có khái niệm ngày và đêm. Họ luôn trong trạng thái canh trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ. Căn phòng chỉ huy luôn sáng đèn. Một ngày thông thường mỗi trạm trực ba phiên và sẵn sàng mở ra-đa tăng cường bất kỳ lúc nào khi có lệnh.

Phiên trực của Trạm T35.

Trạm ra-đa T36, 2 giờ sáng, tiếng chuông điện thoại đổ "reng... reng..." phá vỡ sự tĩnh mịch đặc quánh của màn đêm nơi núi rừng. Khẩu lệnh báo động chiến đấu được truyền đến Thượng úy Đinh Hồng Sáng, Đài trưởng ra-đa P18. Theo phản xạ, chúng tôi nhanh chóng xỏ giày chạy theo anh Sáng. Chỉ chưa đến một phút sau, ba người nữa cũng đã có mặt tại trạm.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/tram-radar-viet-nam-an-minh-tren-nui-tay-bac-3323384/