Trạm đèn biển Ba Lạt: An toàn cho những chuyến ra khơi

Trạm đèn biển Ba Lạt thuộc Xí nghiệp Bảo đảm An toàn hàng hải Đông Bắc bộ, nằm trên “đảo” Cồn Vành, thuộc địa phận xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Từ ngày thành lập đến nay, Trạm đèn luôn đảm bảo hoạt động phục vụ định hướng cho hàng trăm nghìn lượt tàu, thuyền hoạt động trên vùng biển Thái Bình, Nam Định an toàn.

Trạm hải đăng Ba Lạt

An toàn cho những chuyến đi

Chia sẻ với Tạp chí GTVT, anh Trần Mạnh Cường - Trạm phó Trạm đèn biển Ba Lạt cho biết, nhiệm vụ chính của Trạm là đảm bảo an toàn hàng hải vùng biển Thái Bình, Nam Định cùng các đơn vị chức năng đóng trên địa bàn quản lý chung vùng trời, vùng biển Thái Bình, Nam Định; quan sát an toàn hàng hải khi thời tiết xấu, báo cáo các trường hợp không an toàn trên toàn tuyến được phân công theo dõi. Theo đó, Trạm đèn luôn xác định mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động đảm bảo ánh sáng 100% theo đúng thông số kỹ thuật và không có một tai nạn nào là do lỗi của báo hiệu gây nên, vận hành phục vụ định hướng cho hàng trăm nghìn lượt tàu, thuyền hoạt động trên vùng biển Thái Bình, Nam Định an toàn.

Công việc thường ngày của những người công nhân các trạm hải đăng là thường xuyên kiểm tra, lau chùi, bảo dưỡng hệ thống năng lượng như bình ắc quy, thiết bị hấp thụ năng lượng mặt trời... để bảo đảm mọi thiết bị đều hoạt động tốt, ngọn hải đăng lúc nào cũng được thắp sáng. Cùng với đó, công tác chuẩn bị phòng chống bão lụt cũng được cán bộ Trạm thực hiện tốt ngay từ đầu năm, không để bị động và không bị thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan khi có bão, lụt xảy ra. Chính vì vậy, nhiều năm liền đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được công nhận là Tập thể Lao động xuất sắc của ngành GTVT.

Cũng theo anh Trần Mạnh Cường, Trạm luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc bộ, cùng với sự đoàn kết, cố gắng của cán bộ, công nhân của Trạm Ba Lạt nên trong những năm gần đây, Trạm Ba Lạt không để xảy ra vụ cháy nổ nào, tất cả nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc, vật tư được cán bộ Trạm xuất, nhập theo đúng quy định, đúng định mức kinh tế kỹ thuật, sổ sách ghi chép đầy đủ, rõ ràng.

Hiện tại, Trạm được biên chế 8 người, mỗi người một quê nhưng về đây dưới một mái nhà, anh em luôn đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau như gia đình, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc, yên tâm công tác. Mỗi tuần, Trạm đều có buổi học trao đổi chuyên môn vào sáng thứ hai. Tất cả cán bộ, bộ phận chuyên môn đều sử dụng thành thạo các loại máy móc, các thiết bị và am hiểu hệ thống quản lí ISO, luôn tìm tòi tài liệu liên quan đến nghề nghiệp để nâng cao trình độ nghiệp vụ tay nghề.

Công việc tưởng chừng đơn giản, nhàm chán nhưng đòi hỏi những người canh “mắt biển” phải thực sự nhẫn nại, yêu nghề và yêu biển. Bất kể ngày hay đêm, trời mưa bão hay những buổi trưa nắng cháy rát mặt người, họ vẫn túc trực bên ngọn hải đăng. Những khi thời tiết khắc nghiệt nhất cũng là lúc họ cần mẫn nhất, kiểm tra tỉ mỉ từng chi tiết, không để ngọn hải đăng xảy ra bất kì sự cố nào. “Nhiệm vụ chính hàng ngày của mình là phân công anh em kiểm tra máy, thiết bị báo hiệu trước khi vận hành để luôn bảo đảm đúng các đặc tính thông báo của đèn biển, đồng thời tiến hành kiểm tra độ sáng, đặc tính ánh sáng của đèn vào 2 giờ và 16 giờ hằng ngày rồi ghi vào sổ nhật kí trực, khắc phục ngay sai sót nếu có. Bên cạnh đó, mình còn phân công anh em vận hành các hệ thống thiết bị báo hiệu chiếu sáng, vô tuyến, âm thanh, máy phát điện và hệ thống bảng pin năng lượng mặt trời theo đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện chế độ trực ca 24/24 giờ; quan sát vùng biển phụ cận, phát hiện và ngăn ngừa các vi phạm ảnh hưởng đến an toàn hàng hải. Đèn tại mỗi trạm hải đăng có một chu kỳ chớp khác nhau và người ta dựa vào chu kỳ chớp đó để nhận biết mình đang ở đâu, nên nếu có sự cố sai sót là phải khắc phục ngay hoặc báo cáo các cơ quan chuyên trách sửa chữa kịp thời, nếu không thì tàu thuyền sẽ mất phương hướng, không tìm thấy đường về. Anh em chúng tôi luôn nhắc nhở nhau rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không bao giờ được để đèn tắt”, anh Cường chia sẻ.

Anh Nguyễn Đình Chứ chăm sóc vườn rau sạch

Tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống

Song song với công tác chuyên môn, công tác dân vận, tạo mối quan hệ với chính quyền địa phương được cán bộ Trạm thường xuyên quan tâm. Anh em ở Trạm luôn tích cực tham gia các phong trào của địa phương, giúp đỡ bà con ngư dân, các hộ dân nuôi trồng thủy, hải sản, nước uống về mùa hanh khô, tránh trú bão về mùa mưa bão. Ngoài việc duy trì trực, bảo dưỡng, vận hành trạm đèn biển, thời gian rảnh rỗi, cán bộ, công nhân Trạm còn trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường, chăm chút cho vườn rau, đàn gà, cải thiện đời sống. Dưới bàn tay chăm bẵm của các anh, vườn rau của Trạm Hải đăng Ba Lạt đều xanh mướt một màu, cung cấp đủ nhu cầu rau sạch cho anh em tại Trạm.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Đình Chứ - nhân viên vệ sinh công nghiệp Trạm Hải đăng Ba Lạt, người đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề chia sẻ: “Ngoài công tác chuyên môn, vào thời gian rảnh rỗi, anh em trong Trạm rất tích cực tham gia công tác tăng gia sản xuất như chăn nuôi gia súc, gia cầm như: Chó, gà, vịt, ngan…, đảm bảo 96% mục tiêu chất lượng. Hiện tại, anh em đã tạo được vườn rau sạch 80m 2 được trồng các loại rau, củ, quả như: Rau đay, rau tơi, rau muống, chanh, đu đủ… được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày, đáp ứng trên 90% nhu cầu rau xanh của Trạm”.

Có đến tận nơi mới thấy được sự vất vả của những cán bộ, nhân viên của Trạm như việc đi lại khó khăn vì chưa có đường dẫn trực tiếp vào Trạm, phải đi qua đường mòn trong rừng phi lao khi thủy triều lên hoặc đi từ ngoài bãi biển vào khi thủy triều xuống. Những khó khăn, vất vả đó anh em cố gắng vượt qua bởi ai cũng hiểu rằng, giữa biển khơi mịt mù bão tố, những ngư dân đang chăm chú dõi theo từng vệt đèn loang loáng ấy để tìm đường trở về với đất liền bình an, về với gia đình nơi có bao người vợ, người mẹ đang đón đợi tin chồng, tin con. Với những ngư dân vươn khơi vạn dặm, những ngọn hải đăng thân thương luôn làm ấm lòng họ, là điểm tựa để họ tìm lối trở về giữa mênh mông sóng nước.

Có lẽ bởi thế mà ngày cũng như đêm, mưa cũng như nắng, họ vẫn cần mẫn bên ngọn hải đăng. Cuộc sống riêng tư có phần thiệt thòi, xa vợ, xa con, xa gia đình nhưng các anh luôn xác định trách nhiệm, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cái tình của người, của biển, của mảnh đất nơi họ từng gắn bó cứ níu giữ mỗi lần chia tay. Bởi vậy, dẫu công việc vất vả, thiếu thốn đủ bề, họ vẫn động viên nhau bám đèn, bám biển, bám mảnh đất đầy nắng và gió này.

Trần Kim

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/tram-den-bien-ba-lat-an-toan-cho-nhung-chuyen-ra-khoi-d32411.html