Trái phiếu Chính phủ: huy động mạnh, giải ngân yếu

Mặc dù Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành sớm kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ năm nay với 280.794 tỉ đồng huy động tính từ đầu năm đến 7-12, đạt 100% kế hoạch năm, song vốn trái phiếu Chính phủ được giải ngân lại rất thấp, chỉ đạt 46,6% so với kế hoạch tính đến hết tháng 11.

Cảng Hiệp Phước, TPHCM. Ảnh: Hồng Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới có công điện 2144/CĐ-TTg của yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2016.

Công điện cho biết, tính đến hết tháng 11, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước chỉ đạt 70,2% kế hoạch, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt kết quả rất thấp, chỉ 46,6% so với kế hoạch của năm.

Với khối lượng trái phiếu Chính phủ đã phát hành của Kho bạc Nhà nước tăng gần 45% so với năm 2015, năm 2016 được đánh dấu là năm huy động thành công nhất của thị trường trái phiếu Chính phủ sơ cấp từ trước tới nay.

Số liệu của Bộ Tài chính cho hay, tính đến hết tháng 11-2016, kỳ hạn vay bình quân cả năm của trái phiếu Chính phủ trong năm là 8,72 năm. Kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục trái phiếu Chính phủ là 5,61 năm.

Theo thống kê của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 11, sở tổ chức 24 phiên đấu thầu, huy động được 9.061,5845 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ, giảm 59,6% so với tháng 10. Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm nằm trong khoảng 5,20-5,50%/năm, 10 năm là 6,10%/năm, 15 năm là 7,20%/năm, 20 năm là 7,71%/năm, 30 năm là 7,98%/năm.

Mặc dù mức lãi suất trên không phải là giá huy động vốn trung bình qua kênh trái phiếu Chính phủ trong 11 tháng đầu năm song có thể thấy việc giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ rất chậm khiến ngân sách đã co kéo còn bị khó khăn hơn bởi vẫn phải chi trả lãi suất vốn vay trái phiếu cho những khoản vốn trái phiếu bị ứ đọng chưa giải ngân được.

Tiền vay nằm một chỗ có nghĩa kém hiệu quả, là sự lãng phí nguồn lực của nhà nước.

Bên cạnh đó, ẩn ý của công điện Chính phủ còn ở chỗ đầu tư công chậm sẽ gây ra sự trì trệ trong tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia. Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, Chính phủ phải đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 dự kiến 6,3-6,5% mà theo nhiều ý kiến thì đây là một thách thức không nhỏ. Mặc dù trước đó, cuối năm 2015, mục tiêu GDP được đặt ra là 6,7% cho năm nay. Con số này đã được điều chỉnh giảm xuống mức 6,3-6,5% vào kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến hết tháng 11, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế đạt 911,2 nghìn tỉ đồng, bằng 89,8% dự toán năm, bằng 87,7% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Chi ngân sách nhà nước lũy kế 11 tháng đạt 1.078,5 nghìn tỉ đồng, bằng 84,7% dự toán năm, tăng 6,2% so cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 173,4 nghìn tỉ đồng, bằng 68% dự toán năm, tăng 14,1% cùng kỳ năm 2015. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước đến hết tháng 11 lũy kế khoảng 171,5 nghìn tỉ đồng, đạt 68% dự toán năm (cùng kỳ năm 2015 đạt 75,2% dự toán năm). Vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân ước đạt khoảng 46,6% dự toán năm Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2015 đạt 62,3% dự toán năm).

Chi trả nợ và viện trợ ước 11 tháng đạt 145 nghìn tỉ đồng, bằng 93,5% dự toán năm, tăng 1,8% so cùng kỳ năm 2015. Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính ước 11 tháng đạt 751,9 nghìn tỉ đồng, bằng 91,3% dự toán năm, tăng 4,3% so cùng kỳ năm 2015.

Bội chi ngân sách 11 tháng ước 167,25 nghìn tỉ đồng, bằng xấp xỉ 65,8% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154769/trai-phieu-chinh-phu-huy-dong-manh-giai-ngan-yeu.html/