Trải nghiệm buýt sông Sài Gòn

Tiếng còi vang vọng, con tàu lướt nhẹ trên mặt nước, bỏ qua ám ảnh về kẹt xe, ùn tắc, chở theo bao xúc cảm của những người ngồi thong dong thả hết tầm mắt ngắm cảnh bình yên hai bên bờ sông Sài Gòn.

Tàu buýt sông đầu tiên của TPHCM chuẩn bị được đưa vào khai thác.

Tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy đầu tiên được hạ thủy vận hành kỹ thuật vào sáng 21/8, mở ra nhiều hy vọng về việc giải quyết vấn nạn kẹt xe, tai nạn giao thông đang nhức nhối của người dân TPHCM suốt thời gian qua.

Tuyến buýt sông này cũng hy vọng sẽ giúp TPHCM quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch theo hướng thân thiện với môi trường.

Đi “bus” ngắm sông

Sở GTVT vừa phối hợp cùng công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư) tổ chức lễ hạ thủy, vận hành kỹ thuật thử nghiệm tàu buýt sông số 1, tuyến Bạch Đằng quận 1 – Linh Đông, quận Thủ Đức.

Tuyến buýt sông đầu tiên có sức chứa 80 hành khách được hạ thủy sau thời gian dài chuẩn bị và nhiều lần trễ hẹn. Đứng từ xa trên công viên Bạch Đằng, quận 1, người ta dễ dàng nhìn thấy chiếc tàu buýt nổi trội với màu vàng bắt mắt đậu dưới sông Sài Gòn. Phía trên là khu vực nhà chờ được thiết kế thân thiện với màu trắng chủ đạo. Cầu dẫn từ nhà chờ xuống tàu cũng được trang trí tinh tế tạo cảm giác nhẹ nhàng mà an toàn cho người dân khi đặt chân lên tàu.

Bên trong con tàu cũng được lắp đặt hệ thống trang thiết bị hiện đại, chắc chắn với hai hàng ghế tựa hai bên, chừa lại lối đi thoáng đãng. Những ô cửa sổ bằng kính trong suốt giúp người ngồi trên tàu dễ dàng ngắm khung cảnh Sài Gòn hai bên bờ sông.

Ngồi sát cửa sổ thả hết tầm mắt ngắm sông Sài Gòn, bà Lê Thị Phương (45 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) tỏ ra khá hào hứng khi đi buýt sông. Bà Phương cho biết, bà đã đi rất nhiều loại phương tiện vận tải hành khách trên sông như phà, tàu thuyền, thậm chí tàu du lịch bà cũng đã từng đi.

Với buýt sông đầu tiên của TPHCM, dù là hình thức vận tải hành khách công cộng với giá vé thấp nhưng đem lại cho bà cảm giác an tâm và thoải mái.

“Tàu buýt nhưng tôi có cảm giác như mình đang ngồi trên tàu du lịch cao cấp với ghế tựa, máy lạnh và ngắm cảnh Sài Gòn hai bên bờ sông rất đẹp. Hy vọng những chuyến tàu như thế này sớm đưa vào hoạt động để người dân chúng tôi có cơ hội lựa chọn hình thức mới khi đi làm để tránh kẹt xe, ô nhiễm và thư thái tinh thần… Mỗi khi tàu rời bến hay chuẩn bị vào bến, lái tàu kéo còi tạo cho tôi cảm giác như được sống lại với ký ức, hoài niệm”, bà Phương nói.

Hành khách có thể thư giãn, ngắm cảnh khi ngồi trên buýt sông.

Cũng như bà Phương, chị Nguyễn Thị Thu Dung (24 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) chị rất mừng khi lần đầu tiên được đi buýt sông và cảm giác rất thích thú với hình thức vận tải này.

“Nó vượt quá những gì mình tưởng tượng. Trang thiết bị trên tàu từ ghế ngồi đến máy lạnh, cửa kính rất hiện đại và thuận tiện. Dù giá vé 15 ngàn đồng mỗi chuyến hơi cao so với xe buýt nhưng mình nghĩ nó hoàn toàn hợp lý khi ngồi trên tàu bạn có thể thư thả ngắm cảnh sông nước, không phải chịu cảnh chen chúc, chật chội và khói bụi như đi đường bộ. Nếu sau này tuyến buýt sông chạy qua khu vực nhà mình ở thì chắc chắn mình sẽ lựa chọn buýt sông làm phương tiện đi làm chính”.

Ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư) cho biết, công ty cam kết tuyến buýt đường sông đầu tiên đảm bảo an toàn về kỹ thuật, có sự tính toán phù hợp điều kiện sông nước, nhiệt độ, độ ẩm, thời tiết sáng nắng chiều mưa của TPHCM.

Tuyến tàu buýt đường sông này cũng hướng đến giá trị văn hóa 300 năm của TPHCM - trên bến dưới thuyền. Tuyến này tuyệt đối đảm bảo phù hợp với cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường”, ông Toản nói.

Tuyến buýt đường sông đầu tiên chuẩn bị đưa vào hoạt động cũng giúp ngành du lịch TPHCM có nhiều cơ hội mới để phát triển. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, với những trang thiết bị cao cấp, thân thiện được trang bị trên tàu buýt, du khách có thêm một lựa chọn nữa cho chuyến tham quan của mình khi đến TPHCM.

Du khách có thể sử dụng lợi thế sông nước để đi đến những điểm mình mong muốn trên lộ trình rất thuận lợi và cảnh quan rất đẹp. TPHCM có lợi thế về đường sông, đường thủy. Tuy nhiên, du lịch đường thủy chưa thực sự phát triển và nó chỉ mang tính tiềm năng. Khi mà đường bộ thường xuyên tắc đường vào giờ cao điểm, ô nhiễm thì du lịch đường thủy là lựa chọn và có cơ hội để phát triển”, ông Vũ cho biết.

Kết thúc lộ trình nhẹ nhõm.

Kết nối hạ tầng

Tuyến buýt sông số 1 được đưa vào vận hành kỹ thuật thử nghiệm và dự kiến sẽ chính thức đón khách từ tháng 10/2017 mở ra giải pháp mới cho TPHCM về việc giải quyết vấn nạn kẹt xe, đồng thời thu hút người dân tiếp cận nhiều hơn với hệ thống vận tải hành khách công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân trong tương lai.

Để phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đường thủy, lực lượng chức năng TPHCM đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông từ các trạm buýt sông ra đường lớn để phục vụ hành khách.

Theo ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, dự án buýt sông ở TPHCM là mô hình vận tải hành khách công cộng chưa từng có tiền lệ. Vì vậy, loại hình vận tải này sẽ phải chịu nhiều thách thức, khó khăn hơn so với vận tải công cộng trên bộ.

Bên cạnh đó, thói quen sử dụng các phương tiện giao thông công cộng đối với người dân còn nhiều hạn chế. Liên kết giao thông thủy với đường bộ hiện nay còn chưa cao. Để thu hút người dân đến với tuyến buýt sông cũng như các loại hình giao thông đường bộ khác cần phải có sự kết nối hạ tầng giao thông.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, TPHCM có lợi thế với hơn 1.000km tuyến đường thủy nhưng hiện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Tuyến buýt sông số 1 đưa vào hoạt động sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, khuyến khích người dân đi lại bằng vận tải công cộng để giảm ùn tắc giao thông.

Thực tế hiện nay giao thông công cộng chỉ đáp ứng 10% nhu cầu đi lại của người dân chủ yếu là với xe buýt và taxi. Vì vậy, chính quyền thành phố đang phấn đấu đến năm 2020, loại hình này sẽ đáp ứng 20% nhu cầu của người dân, trong đó xe buýt và taxi ước chiếm 17%, 3% còn lại là loại hình vận tải như metro và buýt đường sông.

Tuyến buýt sông số 1 Bạch Đằng – Linh Đông có 12 bến đón, trả khách nằm trên địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Được đầu tư 5 tàu buýt, mỗi tàu 80 chỗ, trong đó 4 tàu vận chuyển thường xuyên và 1 tàu dự bị. Khi đưa vào khai thác, nếu tính cả đón trả khách, buýt đường sông chỉ cần 30 phút là hoàn thành lộ trình, bằng 2/3 so với buýt đường bộ trên cùng một tuyến, giá vé dự kiến là 15.000 đồng/lượt.

Dọc lộ trình tuyến buýt sông, những trạm dừng nằm ngoài mặt tiền đường rất thuận tiện cho hành khách. Tuy nhiên, một số trạm dừng khá xa đường lớn như bến Thanh Đa nằm sâu trong cư xá Thanh Đa từ ngoài đường vào khoảng 1km, bến Hiệp Bình Chánh cách đường Phạm Văn Đồng khoảng hơn 2km, bến Linh Đông nằm cuối đường số 36 nhưng từ đầu đường Kha Vạn Cân đi vào cũng hơn 1km.

Ông Cường cho biết, Sở GTVT đã giao cho Trung tâm Điều hành và Quản lý vận tải hành khách công cộng phối hợp với chủ đầu tư để khảo sát các bến tàu buýt cách xa trục đường lớn nhằm đưa xe buýt đường bộ đi vào bên trong bến thủy để phục vụ hành khách đi tàu buýt sông. Nếu hạ tầng đáp ứng được sẽ điều chỉnh nắn tuyến để xe buýt đường bộ đi vào. Đối với những đường nhỏ thì chủ đầu tư phải có xe buýt nhỏ hoặc xe điện để đưa đón khách ra ngoài trạm xe buýt đường bộ.

Ngoài tuyến số 1, tuyến buýt đường sông số 2 lộ trình bến Bạch Đằng – Lò Gốm, quận 6 dài 10,3km, chạy dọc sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ đến khu vực bến Lò Gốm dự kiến sẽ khai trương vào đầu năm 2018. Tổng chiều dài 2 tuyến buýt sông khoảng 21km, vốn đầu tư của công trình là 124,5 tỷ đồng. Giá vé trong 2 năm đầu là 15.000 đồng/vé/người.

Theo Ngô Bình (Tiền Phong)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-nhanh/trai-nghiem-buyt-song-sai-gon-c4a562593.html