Trái khoáy!

QĐND Online- Trong xây dựng và sử dụng, mỗi công trình làm ra đều phải có công năng nhất định. Không có một loại công trình nào làm ra chỉ…để đấy. Tất nhiên, ngoài công năng-chức năng chính, mỗi công trình đều có thể được khai thác những công năng phụ. Tuy vậy, biến “phụ” thành chính thì khó có thể chấp nhận được.

Đám cưới được tổ chức ở rạp Đại Nam (ảnh Internet)

Oái oăm thay, không ít các công trình được nhà nước đầu tư tốn nhiều tiền của lại đang bị “xâm hại” một cách khó chấp nhận. Việc Sân vận động Quốc gia Mỹ Đinh từng trở thành nơi nhậu nhẹt, massage…là một ví dụ. Điển hình khác, rạp Đại Nam thuộc Nhà hát chèo Hà Nội có số tiền đầu tư gần trăm tỷ đồng nhưng thường xuyên cho thuê làm nơi tổ chức đám cưới!...Những ví dụ như trên có lẽ phải thống kê cả trang giấy. Song, vừa mới đây, “người ta” lại trình ra một đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020" với lượng ngân sách đổ vào khá lớn. Theo đó, tổng số vốn đầu tư dự kiến là 10.800 tỉ đồng (tương đương với nửa tỉ USD), trong đó ngân sách nhà nước là 6500 tỉ. Phân chia thành 2 giai đoạn đầu tư: 2012-2015 (3000 tỉ đồng) và 2016-2020 (7800 tỉ đồng).

Dư luận cho rằng, vào thời điểm này (khi kinh tế đang gặp những khó khăn, đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân chưa ổn…) thì việc này là không nên. Càng không nên hơn bởi trên thực tế, có nhiều công trình đầu tư quá lãng phí, chẳng những không phát huy được tác dụng mà còn gây phản cảm, điều tiếng không tốt trong xã hội.

Vẫn biết rằng, đầu tư cho các công trình văn hóa công cộng là để nhân dân có thêm điều kiện hưởng thụ, nâng cao chất lượng, ý nghĩa của đời sống tinh thần và công trình nào cũng nên khai thác (hợp lý) tiện ích để tránh lãng phí. Nhưng, để biến công năng từ “phụ” sang chính thì phải được xem xét. Vả lại, ở tầm bao quát chung, phải “ngó” để đừng xảy ra những điều nghịch mắt, trái khoáy!

Đó là ở chỗ, cũng vừa mới đây, khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến kiểm tra tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, trước tình trang quá tải (mặc dù đây là chuyện…xưa rồi, nói mãi…) nhưng bà Bộ trưởng cũng không khỏi “choáng” vì bệnh nhân phải bò…từ gầm giường ra để chào.

Nhà hát, sân vận động là để vui chơi, tiêu xài…còn bệnh viện là nơi chữa trị, hy vọng….Hai lĩnh vực ấy khác nhau nhưng lại chung nhau ở chỗ phục vụ con người. Ví thử, (mơ ước) bệnh viện nào đó mỗi bệnh nhân một giường, không phải nằm ghép, điều trị khỏi bệnh, có sức khỏe tốt rồi vui vẻ, phấn khởi sang một hội trường nào đó (của bệnh viện ấy cho thuê) để ăn cưới, để massage…thì tốt biết bao!

Không ai bò xuống gầm ghế (nếu không có chỗ ngồi) để xem hát. Cũng chẳng ai nằm đôi trên sân vận động để xem đá bóng. Chỉ có 2 người, 3 người…nằm chung trên một giường bệnh. Tiếc thay, điều đó là trái khoáy!

HẢI LINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/24/24/225496/Default.aspx