Trại giam Huy Khiêm: Nghĩa tình nơi miền nắng gió

Thượng tá Thái Văn Thân – Phó Giám thị Trại giam Huy Khiêm KTNT- Vẫn biết mỗi trại giam đều được đặt ở những nơi vùng sâu, vùng xa và có điều kiện khó khăn, khắc nghiệt. Thế nhưng, khó khăn đó như được nhân lên nhiều lần khi cán bộ chiến sĩ của trại giam Huy Khiêm (Tổng Cục VIII, Bộ Công an, đóng trên địa bàn huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) đang phải đối mặt với cái nắng- cái gió, bởi vùng đất Tánh Linh từ trước đến nay vẫn được mệnh danh là vùng nắng gió khắc nghiệt đến cháy da cháy thịt.

Thượng tá Thái Văn Thân – Phó Giám thị Trại giam Huy Khiêm

KTNT- Vẫn biết mỗi trại giam đều được đặt ở những nơi vùng sâu, vùng xa và có điều kiện khó khăn, khắc nghiệt. Thế nhưng, khó khăn đó như được nhân lên nhiều lần khi cán bộ chiến sĩ của trại giam Huy Khiêm (Tổng Cục VIII, Bộ Công an, đóng trên địa bàn huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) đang phải đối mặt với cái nắng- cái gió, bởi vùng đất Tánh Linh từ trước đến nay vẫn được mệnh danh là vùng nắng gió khắc nghiệt đến cháy da cháy thịt.

Khắc nghiệt miền nắng gió

Tánh Linh được mệnh danh như một địa danh vô cùng khắc nghiệt bởi điều kiện khí hậu ở đây chỉ có nắng và gió. Nếu ai đã từng đặt chân đến vùng đất này hẳn sẽ hiểu thời tiết nơi đây khắc nghiệt đến như thế nào?. Trại giam Huy Khiêm đóng trên địa bàn huyện Tánh Linh nơi giam giữ các đối tượng phạm pháp hình sự, trong đó phần đông là những đối tượng có nhiều tiền án tiền sự và những thành phần bất hảo.

Tuy nhiên, canh giữ, giáo dục những đối tượng này là một chuyện, còn chuyện cảm hóa họ mới là chuyện lớn. Trong đó, lực lượng cán bộ chiến sĩ công an phải thường xuyên đương đầu với biết bao khó khăn của vùng sâu vùng xa cùng điều kiện sống khó khăn và khí hậu hết sức khắc nghiệt. Thế nhưng, không vì thế mà các cán bộ chiến sĩ quên đi nhiệm vụ thiêng liêng cao cả khi khoác trên mình màu áo người chiến sĩ công an nhân dân Việt Nam. Những người chiến sĩ ấy vẫn sống, vẫn làm việc bất kể ngày đêm, tìm biện pháp giáo dục, cảm hóa, cải tạo phạm nhân thành người tốt, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng trở thành người có ích cho xã hội.

Để làm được điều đó toàn thể cán bộ chiến sĩ trại giam Huy Khiêm phải vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ. Cái chính nhất là phải vượt qua chính mình để khẳng định bản thân với những phạm nhân đang cải tạo ở đây. Điều đó sẽ cho phạm nhân thấy những cán bộ chiến sĩ nơi đây đã, đang và sẽ vẫn gắn bó với nhiều thế hệ phạm nhân vào đây cải tạo lao động trải dài theo những năm tháng cuộc đời. Mang lại niềm tin, tạo thêm niềm tin và nhất là tạo điều kiện cho phạm nhân cải tạo tốt, hiểu được lý lẽ của cuộc sống để trao cho họ cơ hội trở lại với xã hội đời thường một cách nhanh chóng hơn. Đây là bản chất kiên cường của người chiến sĩ công an nhân dân và hình ảnh vô cùng đẹp đẽ đó vẫn mãi ngự trị trong lòng nhân dân.

Trung úy – “cô giáo” Nguyễn Thị Hương đã tạo một khoảng cách rất gần gũi với phạm nhân, đó là hình ảnh giữa thầy và trò.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, Thượng tá Thái Văn Thân – Phó Giám thị Trại giam Huy Khiêm cho biết: “Việc đối mặt điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở vùng đất Tánh Linh này quá quen thuộc với từng cán bộ chiến sĩ. Bởi vì đã khoác trên mình màu áo mà Tổ quốc giao phó thì phải làm đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của người chiến sĩ công an nhân dân Việt Nam. Mọi khó khăn, gian khổ cũng không thể nào làm nản chí những cán bộ chiến sĩ trại giam Huy Khiêm nói riêng và các cán bộ công an của cả nước nói chung. Tuy nhiên, đến nay điều khó khăn nhất đối với chúng tôi là cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, các công trình đã hư hỏng, xuống cấp. Hội trường học tập, buồng giam đang được sửa chữa nên việc giáo dục cho các phạm nhân gặp nhiều khó khăn”.

“Công việc mà người cán bộ trại giam chúng tôi làm là quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân. Nhiều phạm nhân có trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật hạn chế nên phần nào gây khó khăn trong việc tiếp thu giáo dục của cán bộ trại giam. Mặt khác, do kinh phí cho công tác giáo dục chủ yêu dựa vào quỹ sản xuất của đơn vị nên cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, tài liệu phục vụ cho công tác giáo dục còn nhiều thiếu thốn, cán bộ trực tiếp giảng dạy chưa được đào tạo nghiệp vụ sư phạm nên phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng.” – Thượng tá Thân cho biết thêm.

Vẫn còn đó “tình… thầy – trò”

Với điều kiện địa lý, khí hậu khắc nghiệt. Trại mới được chuyển đổi từ Cơ sở giáo dục Huy Khiêm thành Trại giam Huy Khiêm năm 2011 nên gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng với lòng quyết tâm, những người thầy, người cô “bất đắc dĩ” ở đây đã đem hết nhiệt huyết ra để giảng dạy, giáo dục cho các phạm nhân biết đến con chữ, biết đến lẽ phải và các quy định của pháp luật. Ngoài việc giáo dục, còn phải động viên tinh thần, tạo điều kiện để các phạm nhân yên tâm cải tạo tốt. Kết quả là nhiều phạm nhân được giảm án, tha tù trước thời hạn, trở về với gia đình, tái hòa nhập với cộng đồng trở thành người có ích cho xã hội.

Trung úy Nguyễn Thị Hương trao đổi với PV Kinh tế nông thôn.

Cũng trong đợt công tác này, ngày 05/4, chúng tôi được chứng kiến một lớp học phổ cập xóa mù chữ cho một số phạm nhân không biết chữ do Ban giám thị trại giam Huy Khiêm phối hợp cùng phòng giáo dục huyện Tánh Linh. Trong tâm trạng vui mừng, phạm nhân Lê Văn Hạnh (47 tuổi, quê huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh) tâm sự: “Cám ơn cán bộ ở đây nhiều lắm. Từ ngày tôi bị bắt vào trại cho đến nay, bản thân tôi cũng như nhiều phạm nhân khác luôn luôn nhận được sự động viên, an ủi, chăm sóc của các cán bộ. Ngoài ra cán bộ còn hướng dẫn cho phạm nhân chúng tôi hiểu biết thêm về pháp luật. Bây giờ các cán bộ lại dạy chữ cho chúng tôi để biết được con chữ, sau này sẽ đọc được sách báo, hiểu thêm về vốn sống và pháp luật.”

Mắt ngấn nước, phạm nhân Hạnh kể tiếp: “Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa một lần được cắp sách đến trường. Lại thêm phần thiếu hiểu biết về pháp luật, hoàn cảnh gia đình túng quẫn, nên khi kẻ xấu rủ rê buôn bán ma túy là đi để kiếm tiền. Ai ngờ, lúc bị bắt vào tháng 7/2011, tôi mới biết mình phạm tội rất nghiêm trọng mà trước nay không bao giờ nghĩ tới. 9 năm tù về hành vi buôn bán ma túy, tôi mới hiểu thế nào là cuộc sống, dù nghèo nhưng vẫn còn có giá trị. Bây giờ bị bắt, vợ thì bệnh nặng mà trước đó mình là lao động chính. Hối hận vô cùng nhưng không biết phải làm thế nào?! Cũng may, khi vào trại, nhận được nhiều động viên từ các cán bộ chiến sĩ và cũng là “người thầy”, “cô”. Xấu hổ, nên chỉ mong cải tạo thật tốt để sớm trở về với gia đình. Một điều mà tôi không ngờ tới là ngần này tuổi đầu, tôi mới được cầm đến những cuốn sách, vở để học chữ. Nói chung, mừng lắm. Thôi thì trước đây cha mẹ cho tôi có được cơ hội làm người, nay cán bộ lại cho cơ hội được học chữ. Tất cả là nhờ vào sự tận tâm của những “thầy”, “cô” giáo là những cán bộ trại giam Huy Khiêm.”

Sau khi nói chuyện với phạm nhân Hạnh, phóng viên lại được chứng kiến hình ảnh một chiến sĩ – “cô giáo” đang say sưa giảng bài cho các “học sinh” phạm nhân. Trung úy – “cô giáo” Nguyễn Thị Hương đã tạo một khoảng cách rất gần gũi với phạm nhân, đó là hình ảnh giữa thầy và trò. Rất cởi mở, Trung úy Hương tâm sự: “Đây là lớp thứ 3 em dạy rồi đó các anh ạ, lớp này thuộc diện xóa mù chữ. Khi đứng dạy lớp như thế này, ban đầu em cũng có nhiều ức chế lắm chứ, bởi vì học trò là những phạm nhân. Có phạm nhân rất cứng đầu, khó nói, không chịu nghe ai nói gì và luôn có ý phản kháng. Thế nhưng, sau một thời gian dạy và học cùng với sự quyết tâm của mình, những cô giáo bất đắc dĩ như chúng em đã cảm hóa được phần nào những “con ngựa bất kham” này. Trong giờ dạy chữ, chúng em cũng lồng ghép những tình huống, câu chuyện thú vị về pháp luật để phạm nhân nhận biết, lấy đó làm bài học cho bản thân họ. Bên cạnh đó, em phải hết sức thận trọng trong từng lời giảng khi nói với phạm nhân.” Cũng theo trung úy Hương, đây là một công việc đặc thù nó luôn đòi hỏi nhiều áp lực và sự kiên trì để cảm hóa tới từng đối tượng. Ngoài ra, có thêm cái tình “thầy”, “trò” nên đã giải tỏa một phần ức chế của những phạm nhân lúc nào cũng phản kháng, bất cần đời.

“Ngoài việc nắm tình hình chung của trại, diễn biến tư tưởng của từng phạm nhân, thái độ chấp hành nội quy, quy chế, các quy định của Ban giám thị, anh em trinh sát còn phải kịp thời phát hiện những âm mưu chống phá, trốn trại và hoạt động phạm tội mới. Vì trại giam Huy Khiêm ở vùng sâu vùng xa, điều kiện địa lý khó khăn, phức tạp, những thành phần tội phạm cũng hết sức nguy hiểm. Chính vì thế việc dạy và học ở đây cũng gặp nhiều trắc trở và cần nhất là sự quyết tâm của “thầy giáo”, “cô giáo” – cán bộ chiến sĩ nhiệt huyết.

Ngoài ra, để phục vụ cho việc dạy và học này, đội trinh sát cũng phải tăng cường quân số bảo vệ lớp, bảo vệ trại, cả những phạm nhân nữa. Đã là người chiến sĩ công an nhân dân thì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể lùi bước.” Thiếu tá Nguyễn Thanh Phương chia sẻ./.

Bài, ảnh: Nhóm PV Chuyên đề phía Nam

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.com.vn/story/phongsukysu/2012/4/33621.html