Trái đất và sự sống

(Baonghean) - Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai tự nhiên, chiến tranh…nếu tất cả những điều đó khiến Trái đất ngày càng trở nên “kém thân thiện” với loài người thì một tia hy vọng đã xuất hiện ở bên ngoài hệ Mặt trời…

Italy bước vào ngày Quốc tang hậu động đất

Thứ 4 ngày 24/8 vừa qua, một trận động đất lớn xảy ra ở Italia khiến 284 người thiệt mạng và 388 người bị thương. Italy chính thức bước vào ngày thứ 7 Quốc tang tưởng nhớ những nạn nhân xấu số.

Đống đổ nát ở Amatrice hôm 24/8 nhìn từ trên cao xuống. Ảnh: AP

Trận động đất mạnh 6,2 độ richter có tâm chấn nằm ở tây nam thành phố Perugia, gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến 2 thị trấn Amatrice và Accumoli. Có vẻ như miền Trung Italy là nơi có hoạt động địa chất khá mạnh khi trong lịch sử từng ghi nhận không ít trận động đất có cường độ dao động trong khoảng 6 - 6,7 độ richter. Nghiêm trọng nhất trong lịch sử phải kể đến trận động đất mạnh 6,7 độ richter ở vùng Abruzzo, khiến 32.000 người thiệt mạng.

Quay trở lại với trận động đất mới nhất, khi mà những lá cờ rủ được giương lên khắp nước Italy trong ngày Quốc tang, công tác tìm kiếm cứu hộ vẫn tiếp tục được tiến hành, nhằm đảm bảo không bỏ sót một nạn nhân nào trong các đống đổ nát.

Tuy nhiên, từ hôm thứ 5 đến nay, vẫn chưa tìm ra thêm người sống sót nào và con số tổng kết thương vong có vẻ như đã dừng lại. Hoạt động tìm kiếm cứu hộ cũng gặp nhiều khó khăn bởi hơn một nghìn cơn hậu chấn kể từ sau trận động đất. Có những đợt rung động mạnh đến 4,8 độ Richter, khiến cho hiện trường càng thêm đổ nát.

Nhiều đám tang tập thể đã diễn ra, trong đó có thi thể của những đứa trẻ. Một đám tang dành cho những nạn nhân không tìm thấy thi thể sẽ được tổ chức tuần tới với sự có mặt của Tổng thống Sergio Mattarella và Thủ tướng Matteo Renzi. Nhiều gia đình tự tổ chức đám tang cho người thân của mình. Bầu không khí tang tóc bao trùm lên khắp đất nước vốn nổi tiếng với nhịp sống tươi vui, hào sảng.

Vấn đề cấp bách trước mắt của Italy là tìm ra giải pháp cho 2.500 người không còn nhà cửa sau trận động đất. Đến tối thứ 6 ngày 26/8, 2.500 con người này vẫn phải chịu cảnh qua đêm trong những căn lều tập thể tạm thời. Trận động đất cũng ảnh hưởng đến các khu vực lân cận khi những con đường giao thông bị chặn đứng bởi đống đổ nát.

Proxima b: Trái đất thứ 2 và những kỳ vọng của loài người

Đêm 24/8, các nhà khoa học xác nhận đã phát hiện ra một hành tinh có điều kiện giống với Trái đất và có thể có khả năng chứa sự sống. Đặc biệt, “Trái đất thứ 2” này chỉ nằm cách chúng ta có…4,2 năm ánh sáng. Đây được cho là phát hiện cực kỳ quan trọng trong bối cảnh môi trường và khí hậu trên Trái đất ngày càng biến đổi phức tạp theo chiều hướng tiêu cực đối với sự sinh sống của loài người.

Phác thảo theo trí tưởng tượng của các nghệ sỹ về bề mặt trên Proxima b, “mặt trời” trong ảnh chính là ngôi sao Proxima Centauri. Ảnh: ESO

Hành tinh đó là Proxima b, quay xung quanh ngôi sao Proxima Centauri. Đây là ngôi sao gần Hệ mặt trời nhất và là một ngôi sao lùn đỏ. Sao lùn đỏ là những ngôi sao có khối lượng rất thấp và phát ra lượng ánh sáng thấp hơn ánh sáng mặt trời rất nhiều. Tuy nhiên, sao lùn đỏ có tuổi thọ rất cao, cao hơn tuổi thọ ước tính của vũ trụ.

“Trái đất thứ 2” Proxima b có khối lượng bằng khoảng 1,3 lần khối lượng của Trái đất và mất đến 11,2 ngày Trái đất để quay hết một vòng quỹ đạo của nó. Điều này có nghĩa là một ngày trên Proxima b sẽ dài bằng 11,2 ngày trên Trái đất.

Các nhà khoa học vẫn đang đặt ra các giả thiết khác nhau về hiện tượng ngày và đêm trên Proxima b, trong đó 1 giả thiết được xét đến là Proxima b luôn quay đúng 1 mặt về ngôi sao lùn đỏ (giống như Mặt trăng với Trái đất).

Hiện vẫn chưa xác định được liệu Proxima b có sở hữu bầu khí quyển riêng hay không, trong trường hợp câu trả lời là không thì nhiệt độ bề mặt của hành tinh này được ước tính khoảng -30 độ C, quá lạnh để được gọi là một môi trường thuận lợi cho sự sống phát triển. Tuy nhiên nếu có bầu khí quyển thì nhiệt độ ở đây có thể lên đến 30 độ C.

Một câu hỏi khác được các nhà khoa học quan tâm là Proxima b có nước hay không? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng nguyên thủy của hành tinh khi nó mới được hình thành và sự hiện diện của bầu khí quyển. Nước ở Proxima b có thể đóng băng ở các cực lạnh của hành tinh nếu trữ lượng nước ban đầu không nhiều.

Trong trường hợp có sự hiện diện của bầu khí quyển, hiệu ứng nhà kính sẽ khiến một phần băng ở các cực tan chảy tạo thành các dòng sông và hồ trên bề mặt hành tinh. Để xác minh sự hiện diện của bầu khí quyển trên Proxima b, các thiết bị và phương pháp trong khả năng của các nhà khoa học Trái đất hiện tại chỉ có thể tiến hành thí nghiệm với điều kiện Trái đất, Proxima b và ngôi sao của nó nằm trên một đường thẳng.

Tuy nhiên, xác suất xảy ra một trường hợp như vậy chỉ là 1,5%. Còn nếu ngay cả khi Proxima b có bầu khí quyển thì các điều kiện khác như tia X hay tia cực tím trên đó cũng mạnh hơn trên Trái đất rất nhiều và không mấy thuận lợi cho sự sống.

Mặc dù Proxima b được giới thiệu là hành tinh gần Trái đất, khoảng cách từ chúng ta đến đó cũng phải mất đến hơn 4 năm ánh sáng - so với 11 phút từ Trái đất đến Mặt trời. Có nghĩa là nếu muốn có hình ảnh truyền trực tiếp từ Proxima b về để xác minh những giả thiết đặt ra, với trình độ hiện tại của khoa học Trái đất ước tính mất từ 20.000 đến 80.000 năm.

Còn nếu chúng ta đặt niềm tin vào một dự án điên rồ được nhà thiên văn học Stephen Hawking, ông chủ của Facebook Mark Zuckerberg và tỷ phú người người Nga Iouri Milner lĩnh xướng: dự án Breakthrough Starshot với tham vọng tạo nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực du hành vũ trụ - thì chúng ta cũng phải chờ đến năm 2061 để có thể chiêm ngưỡng tận mắt Proxima b…

Hải Triều

(Theo Le Monde)

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-te/201608/trai-dat-va-su-song-2729283/