Trái cây Việt Nam thua trên sân nhà

Việt Nam có nhiều lợi thế về cây trái nhiệt đới, mùa nào quả nấy. Tuy nhiên, do bao bì, mẫu mã sản phẩm kém, giá bán cao và yếu trong khâu quảng bá khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tại các siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng... một lượng lớn trái cây nhập khẩu đang hiện diện, khiến trái cây Việt Nam rơi vào tình thế thua ngay trên sân nhà.

Trái cây nhập khẩu luôn hấp dẫn người tiêu dùng. Ảnh: Thanh Hải

Sức ép về giá cả và mẫu mã

Tại Hà Nội, trái cây nhập khẩu có giá bán khá mềm và hút khách, điển hình như táo Mỹ, táo gala New Zealand chỉ từ 56.000 đồng đến 70.000 đồng/kg. Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, các loại táo nhập đang ở giai đoạn giữa mùa nên giá khá rẻ, ngang với mức giá của nhiều loại trái cây đặc sản trong nước như măng cụt, xoài cát Hòa Lộc... nên thu hút lượng lớn khách mua.

Theo Bộ NN&PTNT, trung bình mỗi đêm lượng trái cây dồn về chợ đầu mối Thủ Đức dao động từ 17.000 đến 18.000 tấn, trong đó trái cây ngoại nhập chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Táo, lê, cam của Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ… là những mặt hàng được ưa chuộng hơn cả.

Không những chiếm lĩnh thị phần tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối..., tại hệ thống siêu thị như Lotte Mart, Maximark, Satra Food… trái cây ngoại được bày bán khá nhiều và bắt mắt với nho, cam, táo, lê, chery… Ngoài ra, trái cây mang mác “ngoại” cũng được bày bán khắp các nẻo đường giao thông, chợ con, chợ cóc của Hà Nội.

Theo bà Đặng Thị Loan, quận Hà Đông, trái cây nhập khẩu được khách hàng ưa chuộng do mẫu mã đẹp, giá bán cũng phải chăng.

Tận dụng thế mạnh trong nước

Theo Bộ NN&PTNT, 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau, quả cả nước đã đạt gần 1,4 tỷ USD, trong đó nhiều thị trường có yêu cầu cao về tiêu chuẩn sản phẩm đã và đang mở cửa cho trái cây Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Dự kiến, xuất khẩu trái cây sẽ đem về trên 2 tỷ USD trong năm nay.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, trái cây đang được coi là mặt hàng “cứu tinh” cho xuất khẩu nông sản. Hiện các bộ, ngành đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại với mặt hàng này, mặt hàng được cho là có tiềm năng cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Doanh, khai thác thị trường nước ngoài là cần thiết, nhưng không nên bỏ qua thị trường trong nước. "Việt Nam chi khá nhiều tiền để nhập khẩu trái cây nước ngoài. Với thị trường khó tính như nước ngoài, trái cây Việt Nam còn được ưa chuộng thì không có lý do gì không được người tiêu dùng trong nước lựa chọn. Vấn đề ở chỗ, việc quảng bá, giới thiệu còn hạn chế, tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa tin tưởng trái cây Việt Nam" - ông Lê Quốc Doanh nói.

Đề cập nội dung trên, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Đối ngoại hệ thống siêu thị Big C cho biết, ngoài trái cây nhập ngoại, các siêu thị cũng bày bán nhiều loại trái cây giống nước ngoài được trồng trong nước, loại này khá đắt khách, vì giá rẻ. Ví như mít giống Thái khoảng 30.000 đồng/kg, dưa hấu giống Mỹ được trồng tại Long An có giá 13.000 đồng/kg, dưa hấu giống Nhật giá 10.900 đồng/kg. Nhiều giống cây ăn quả trồng tại Việt Nam có giá chỉ bằng nửa mức so với hàng ngoại nhập, nên được người tiêu dùng đón nhận.

Theo ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, sau thời gian dài phấn đấu, trái cây Việt Nam từng bước thỏa mãn điều kiện nhập khẩu của nhiều nước như: Mỹ, New Zealand, Nhật Bản... Ngoài mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây, những năm trở lại đây, thị trường trong nước cũng được doanh nghiệp chú ý khai thác. Vấn đề là cần quan tâm đến chất lượng, bao bì, mẫu mã và khắc phục những bất lợi về thời tiết, để trong tương lai gần trái cây Việt Nam mới đứng vững trên sân nhà. Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần đẩy mạnh khai thác thị trường nước ngoài, đồng thời tận dụng những thế mạnh để khai thác cả thị trường trong nước. Nếu thực hiện được điều này, nguồn lợi từ xuất khẩu tăng, ngược lại nhập khẩu trái cây sẽ giảm, đây là hai cái lợi cần thực hiện song hành.

Đào Huyền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/845438/trai-cay-viet-nam-thua-tren-san-nha