Trách nhiệm và đạo đức của biên tập viên xuất bản

Công tác biên tập là mắt xích quan trọng trong việc ra đời một xuất bản phẩm; quyết định chất lượng hoạt động, sự thành công của đơn vị xuất bản. Lâu nay, nhiều sự cố đáng buồn trong ngành xuất bản với những cuốn sách sai phạm bị xử lý, thu hồi có lỗi lớn thuộc về các biên tập viên (BTV).

Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục Xuất bản), lượng đầu sách sai phạm bị Cục xử lý tăng dần theo mỗi năm: năm 2012 là 51 xuất bản phẩm, năm 2013 lên tới 124, năm 2015 là 128 và trong chín tháng năm 2016 là 87 xuất bản phẩm. Nhưng đó chỉ là những cuốn sách có sai phạm về nội dung, bị yêu cầu đình bản để thẩm định, sửa chữa; còn nhiều cuốn sai về câu chữ, chính tả và không ít trong số đó đã “lọt” ra thị trường. Hai năm qua, nhiều sai phạm trong các xuất bản phẩm bị coi là những “thảm họa”, khiến dư luận bức xúc. Sách sai phạm ở đủ các mảng: khoa học, thiếu nhi, văn học, giáo dục; kể cả những cuốn từ điển vốn được coi là chuẩn mực của việc dùng chữ nghĩa. Nhiều BTV và ngay cả lãnh đạo các nhà xuất bản (NXB) có quan niệm, chỉ khi sách bị cơ quan chức năng “tuýt còi” do vi phạm những vấn đề nghiêm trọng về nội dung chính trị, tư tưởng mới đáng ngại; còn yếu kém trong nội dung hay cách trình bày, những sai sót về ngôn ngữ, rắc rối về bản quyền... có thể biện minh do làm vội, lỗi đánh máy,… Hoạt động làm sách lâu nay đang vận hành theo quan niệm “không bị thu hồi là được”, chưa có ý thức cần theo những chuẩn chất lượng cao; dẫn đến tình trạng sách có nhiều sai sót cả về nội dung tư tưởng và hình thức là điều tất yếu. Đây là thực trạng đáng báo động trong ngành xuất bản.

Tính đến năm 2016, cả nước có 60 NXB với tổng số lao động khoảng gần 6.000 người. Trong đó, số lượng BTV ở các NXB hơn 1.000 người và của các đối tác liên kết khoảng 100 người. Theo Cục Xuất bản, 100% BTV có trình độ đại học trở lên. Công tác đào tạo nguồn nhân lực BTV xuất bản ngày càng được chú trọng tăng cường. Đội ngũ BTV ngày càng “trẻ hóa”; được tiếp cận công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, nhìn chung, họ vẫn còn hạn chế cả về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị. Số BTV vừa giỏi tổ chức, biên tập bản thảo, vừa có khả năng làm kinh doanh trong cơ chế thị trường rất ít. Nhiều người vẫn có tư duy xa rời thực tiễn, chưa nắm bắt được nhu cầu của xã hội để đề xuất đề tài và tổ chức được bản thảo có chất lượng. Đáng chú ý, tiêu chuẩn chức danh BTV chưa được chuẩn hóa, dẫn đến việc nhiều NXB áp dụng tiêu chuẩn không rõ ràng khi tuyển dụng, bố trí, đề bạt cán bộ biên tập. Và, một nguyên nhân của việc xuất hiện nhiều sách sai phạm trên thị trường là do nhiều NXB chỉ có vài BTV và phân công nhau “canh cửa” tất cả các mảng sách. Họ bị quá tải khi phải nhận đọc, biên tập quá nhiều đầu sách thuộc các mảng khác nhau, cho nên không thể bảo đảm được chất lượng của xuất bản phẩm. Cục trưởng Xuất bản Chu Văn Hòa cho biết, ông từng ký công văn xử lý bốn cuốn sách vi phạm đều do một BTV đứng tên, chứng tỏ người đó đã hoặc không đọc gì cả; hoặc “ngồi nhầm chỗ”, không đủ năng lực để làm “bà đỡ” cho đứa con tinh thần tâm huyết của tác giả. Hiện tượng BTV bị lấy tên để đề vào các sách liên kết là vẫn có, và họ có bức xúc nhưng chưa dám lên tiếng. Vì vậy, việc cấp thẻ hành nghề biên tập chính là một hình thức kiểm soát, để nâng cao trách nhiệm làm nghề. Sắp tới, khi các cơ quan quản lý làm nghiêm, nếu tên tuổi của họ bị lợi dụng trên những cuốn sách vi phạm, bị cơ quan quản lý thu thẻ thì buộc họ phải lên tiếng.

Vừa qua, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo về công tác biên tập xuất bản trong tình hình mới; chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế của đội ngũ BTV xuất bản hiện nay; kiến nghị, đề xuất chương trình đào tạo BTV phù hợp tình hình thực tiễn gắn với sự phát triển của đất nước. Có thể thấy, ngoài sự tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực của mỗi người, rất cần có nhiều lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu. BTV cần được cập nhật kiến thức chính trị - văn hóa - xã hội trong và ngoài nước thường xuyên hơn để có cái nhìn thực tế, tinh nhạy trong công tác biên tập bản thảo. Và điều quan trọng, các BTV phải xem việc biên tập một cuốn sách như quản lý một dự án và phải làm việc với tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của mình. Có như vậy mới chặn được sách “rác”.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31378202-trach-nhiem-va-dao-duc-cua-bien-tap-vien-xuat-ban.html