Trách nhiệm trước thảm họa thiên nhiên

Chỉ một ngày hoành hành tại miền trung Phi-li-pin, bão Haiyan, một trong bốn siêu bão mạnh nhất lịch sử nhân loại, đã hủy hoại cả một thành phố biển với 220 nghìn dân, tàn phá nặng nề các khu vực khác.

Cảnh đổ nát tại Phi-li-pin sau siêu bão Haiyan. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Ngày 8-11 đi vào lịch sử Phi-li-pin là một ngày "tang tóc", khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào đất liền ở khu vực miền trung nước này với sức gió lên đến 314 km/giờ và giật đến 379 km/giờ, gây thảm họa "sóng thần trên cạn". Chỉ sau một ngày, thành phố biển du lịch nổi tiếng Tác-lô-ban, thủ phủ tỉnh miền trung Lây-tê trở nên tan hoang. Xác người la liệt trên đường phố, 90% nhà cửa bị quật vỡ vụn, cây cối bật tung gốc, cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Hiện chưa có thống kê cuối cùng về con số thương vong và thiệt hại, song giới chức Tác-lô-ban ước tính, có thể hơn 10 nghìn người dân thành phố biển này đã thiệt mạng. Siêu bão còn gây lở đất, lũ lụt, cắt đứt đường dây thông tin liên lạc, hệ thống cấp điện ở nhiều khu vực. Ước tính, gần 4,5 triệu người dân Phi-li-pin bị ảnh hưởng, trong đó gần 800 nghìn người phải sơ tán; 13 sân bay phải đóng cửa; thiệt hại về vật chất đến hàng chục tỷ USD.

Nằm trong vành đai bão Tây Thái Bình Dương, năm nào Phi-li-pin cũng hứng chịu "những cơn thịnh nộ của thiên nhiên", với trung bình mỗi năm khoảng 20 cơn bão, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Người dân Phi-li-pin hẳn quá quen thuộc trong phòng, chống bão. Vậy mà thảm họa thiên tai lần này ập xuống vẫn khiến họ không kịp trở tay. Không đầy 24 giờ, cả thành phố biển xinh đẹp Tác-lô-ban trở thành một "thành phố chết", không điện, không nước và không thực phẩm, nạn cướp bóc tràn lan. Quân đội và cảnh sát được huy động và lệnh giới nghiêm được ban hành ở Tác-lô-ban để lập lại an ninh và trật tự. Sau khi siêu bão Haiyan đi qua, người dân khu vực miền trung Phi-li-pin đang phải đối mặt một thảm họa nhân đạo. Những người may mắn sống sót cùng lúc phải chờ đợi để được cứu trợ và đối mặt nguy cơ dịch bệnh sau lũ.

Trước khi bão Haiyan ập đến, cơ quan khí tượng Phi-li-pin đã cảnh báo, do địa hình nơi bão quét qua không có nhiều đồi núi, nên bão ít có khả năng suy yếu và có thể gây thiệt hại rất lớn cho nước này. Ngay lập tức, Tổng thống B.A-ki-nô đã yêu cầu các cơ quan chức năng và người dân Phi-li-pin chuẩn bị sẵn sàng đối phó. Nhưng sức người có hạn mà sức bão quá kinh khủng nên mọi sự chuẩn bị của con người không chống chọi được sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai. Thị sát tình hình tại Tác-lô-ban, Tổng thống A-ki-nô nêu rõ, ưu tiên hàng đầu của chính phủ là cung cấp hàng cứu trợ cho hàng triệu người bị ảnh hưởng sau bão và khôi phục trật tự. Lực lượng cứu hộ và cứu trợ nỗ lực tiếp cận các địa phương dọc bờ biển. Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng bị phá hủy nặng nề. Cộng đồng quốc tế cũng đang hướng về miền trung Phi-li-pin nhằm sẻ chia những đau thương mất mát và chung tay góp sức để giúp người dân nơi đây sớm vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.

Còn nhớ, tháng 12-2011, bão Washi đã cướp sinh mạng của hơn 1.000 người Phi-li-pin; tiếp đó, trong năm ngoái, bão Bopha đã san bằng ba thị trấn ven biển trên đảo Min-đa-nao ở miền nam nước này, làm khoảng 2.000 người chết và mất tích. Giờ là siêu bão Haiyan. Thảm họa thiên tai này đã được cảnh báo từ trước, rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến các trận bão ngày càng tăng cả về tần suất lẫn độ nguy hiểm, và bão Haiyan như là một hệ quả tất yếu. Từ năm 2009 tới nay, ngày càng có nhiều cảnh báo của các nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu phần lớn là do con người gây ra. Báo cáo mới đây của Ủy ban các nhà khoa học nghiên cứu khí hậu của LHQ nâng khả năng biến đổi khí hậu do con người gây ra từ 90% lên 95%, đồng thời cảnh báo, các nước trên thế giới cần phải cắt giảm lượng khí thải một cách bền vững.

Đáng tiếc là, Nghị định thư Ki-ô-tô, một thỏa thuận quốc tế duy nhất mang tính ràng buộc đối với các nước phát triển về giảm lượng khí thải nhà kính, nguyên nhân chính làm trái đất nóng lên, vẫn bị một số nước giàu "đứng ngoài cuộc". Do vậy, việc ngăn ngừa thảm họa thiên tai như bão lũ, hạn hán và mực nước biển dâng... của nhân loại chắc chắn sẽ còn gặp nhiều hạn chế. Hy vọng, thảm họa tại Phi-li-pin sẽ thúc giục các nhà đàm phán tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP 19) vừa khai mạc tại Vác-sa-va (Ba Lan) nhanh chóng nhất trí được một thỏa thuận toàn cầu mới về hạn chế tình trạng Trái đất nóng lên, hạn chế tối đa những siêu bão như Haiyan. Một lần nữa vấn đề trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu lại được dấy lên.

VŨ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/21629302-trach-nhiem-truoc-tham-hoa-thien-nhien.html