Trách nhiệm không nhỏ

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5/2017, tổng số tiền nợ thuế ở mức 75.534 tỷ đồng, tăng tới 1.390 tỷ đồng so với cuối năm 2016.

Đáng chú ý, số nợ không có khả năng thu hồi lên đến hơn 27.300 tỷ đồng, tăng hơn 1.800 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Nguyên nhân khó thu hồi là từ những người nộp thuế đã mất tích, liên quan đến trách nhiệm hình sự, doanh nghiệp tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh.….

Như vậy, có thể thấy, ngoài các nguyên nhân khách quan do người nộp thuế khó khăn, chết hay mất tích, thì các DN bỏ địa chỉ kinh doanh, tự giải thể, phá sản cũng khiến “núi” nợ thuế không có khả năng thu hồi tăng mạnh. Theo đại diện cơ quan thuế, trong số này có những DN thực sự khó khăn, cũng có những DN chây ì, “thoát xác” từ DN này sang DN khác. Vì thế, bài toán thu hồi nợ thuế đã khó lại càng thêm khó. Thậm chí, nhiều DN khi cơ quan thuế gửi thông báo không lên làm việc, đến tận nơi thì không tiếp hoặc chuyển địa chỉ đi nơi khác. Cũng có nhiều chủ DN phá sản công ty này lại lập ra công ty khác, khiến việc truy tìm để thu nợ rất khó khăn.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận trách nhiệm của cơ quan thuế. Bởi cơ quan này có phần lỗi không nhỏ trong khối nợ khó đòi hình thành trong thời gian qua. DN “thoát xác”, bỏ địa chỉ kinh doanh, các công ty ma lập ra để buôn bán hóa đơn… dù cơ quan thuế làm mạnh tay để hạn chế thất thu ngân sách nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Các DN trốn thuế, cố tình không chấp hành nghĩa vụ thuế… làm hụt thu hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, cơ quan thuế không thể vô can. Đó là chưa kể đến nguyên nhân có thể xuất phát từ việc móc ngoặc giữa người nộp với cán bộ thuế để “làm ngơ” cho vi phạm.
Thời gian qua, câu chuyện cơ quan thuế tìm đến DN, trải thảm mời DN, tạo mọi điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nuôi dưỡng nguồn thu được nói nhiều đến. Đây tất nhiên là việc phải làm để tăng thu ngân sách một cách bền vững. DN có khỏe, người nộp thuế có khỏe thì ngân sách quốc gia mới dồi dào. Tuy nhiên, bên cạnh hỗ trợ, việc siết chặt kỷ cương ngân sách cũng cần được quan tâm hơn nữa. Siết chặt không chỉ là mạnh tay với DN chây ì, riết ráo với DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế mà còn siết chặt ngay chính với cơ quan thuế. Cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ thuế trong việc chống thất thu ngân sách. Bên cạnh đó, việc truy trách nhiệm cá nhân, tập thể nếu có dấu hiệu móc ngoặc, trục lợi tiền thuế cũng cần được quan tâm nhiều hơn. Khi cơ quan chức năng nghiêm khắc, trách nhiệm thì việc DN, người nộp thuế cố tình làm liều trốn thuế chắc chắn sẽ được hạn chế rất nhiều.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/trach-nhiem-khong-nho-293185.html