Trách nhiệm 'hạ cánh' và răn đe người đương chức

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã khẳng định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, sáng 29/11 rằng, sẽ có luật xử lý cán bộ nghỉ hưu sai phạm. Việc đưa vào luật xử lý trách nhiệm, bất kể đó là ai, kể cả người đó đã về hưu, được coi là một động thái khá quyết liệt, nhất là sau vụ việc sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng – nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, sắp tới sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá để sửa đổi Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, trong đó sẽ bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu. Có thể nói rằng, qua vụ việc xử lý trách nhiệm đối với ông Vũ Huy Hoàng cho thấy lỗ hổng pháp lý cần phải có biện pháp khắc phục, nếu không việc xử lý trách nhiệm đối với người về hưu không đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm.

Việc hoàn thiện cơ sở pháp lý là khẩn trương, cần thiết để trừng trị thích đáng đối với người về hưu, khi mà đương chức hoặc sắp về hưu, họ đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Do đó, việc hoàn thiện quy định xử lý đối với người về hưu là cấp thiết. Tuy nhiên, điều đặt ra cho các chế tài xử phạt sắp tới đó là cần có những quy định cụ thể, nghiêm khắc trong mọi trường hợp sai phạm. Có nhiều ý kiến cho rằng, những quy định đưa ra trong xử phạt không chỉ đánh vào “danh dự”, lòng tự trọng mà phải toàn diện, minh bạch cả về tài chính, thậm chí cả về trách nhiệm hình sự…

Việc đưa vào luật xử lý trách nhiệm, bất kể đó là ai, kể cả người đó đã về hưu là một động thái khá quyết liệt.

Theo đó, trước hết phải thể hiện qua trách nhiệm bồi thường cho những sai phạm của họ. Hiện nay, việc quy định bồi thường đối với cán bộ, công chức về hưu còn nhiều hạn chế, mức bồi thường thấp nên không đủ sức răn đe. Do vậy, khi đương chức gây ra thiệt hại cho Nhà nước thì khi về hưu phải quy trách nhiệm và yêu cầu bồi thường với mức tương xứng, kể cả áp dụng biện pháp cưỡng chế, tịch thu tài sản riêng để bồi thường. Hơn thế nữa, trách nhiệm hình sự cũng cần được đưa vào luật để áp dụng với những cá nhân thiếu trách nhiệm đã gây ra những thiệt hại cho Nhà nước, cho công dân hoặc liên quan đến tham nhũng nếu bị phát hiện, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kể cả người đó đã về hưu. Đồng thời, cũng cần có những quy định xử lý về mặt Đảng. Khi về hưu, có thể người đó không lo về kinh tế nhưng họ luôn gìn giữ tư cách của người đảng viên, không chỉ cho bản thân mà còn cho con cháu của họ. Chính vì vậy, khi đương chức để xảy ra sai phạm đến mức phải kỷ luật Đảng thì về hưu cũng phải xử lý nghiêm khắc mới đảm bảo tính răn đe, giáo dục và ngăn ngừa vi phạm.

Có thể thấy rằng, hiện nay việc cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm đối với cán bộ nghỉ hưu sai phạm vẫn đang gặp lúng túng vì cơ sở pháp lý để xử lý đối với người về hưu chưa có. Vì vậy, việc xây dựng hành lang pháp lý là hết sức quan trọng, cần thiết để những người về hưu phải chịu trách nhiệm của mình khi còn đương chức, đồng thời sẽ có tác dụng răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm đối với cán bộ đương chức hoặc chuẩn bị về hưu. Và thiết nghĩ, khi luật pháp nghiêm, nếu thấy có những biểu hiện lãnh đạo không có hiệu quả thì yêu cầu từ chức, miễn nhiệm, cách chức để tránh gây hậu quả sẽ là những biện pháp răn đe hiệu quả. Sự kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất, không cần chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu cũng sẽ là những “đòn giáng” mạnh mẽ và hiệu quả.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo và triển khai khá mạnh mẽ, rốt ráo Nghị quyết Trung ương 4, khóa 12 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vừa ban hành chính là đường hướng rất quan trọng của Đảng sẽ thực hiện trong thời gian tới mà mục tiêu căn bản, đó là chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy Đảng và chính quyền từ Trung ương đến cơ sở. Nghị quyết trên đang được nhân dân theo dõi với một niềm tin hứng khởi. Và chắc hẳn vấn đề xử lý cán bộ nghỉ hưu sai phạm được đưa vào luật cũng sẽ là một trong những chiếc gậy pháp lý “quất” mạnh vào những đối tượng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, cần thiết phải loại bỏ…

Hà Vân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/trach-nhiem-ha-canh-va-ran-de-nguoi-duong-chuc/