Trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị

Mặc dù các cấp ngành, nhất là Tổ chức Công đoàn đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ, song vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, cùng với nâng cao thu nhập, việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ cũng được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm.

Xa lạ với hai từ “vui chơi”

19h30, các căn phòng trọ trong dãy trọ ở thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh đều đã sáng đèn, các công nhân đã trở về phòng trọ sau một ngày làm việc vất vả. Thấy có khách, Nguyễn Thị Thu (công nhân KCN Bắc Thăng Long) và hai cô bạn cùng phòng vội dọn gọn bát đũa của bữa tối đơn sơ, rồi quây lại chuyện trò.

CNLĐ mong muốn tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao.

Được hỏi về các hình thức vui chơi giải trí, thiết chế văn hóa dành cho CNLĐ nơi đây, Thu nói “Chị ơi, bọn em ít học, chả biết thiết chế văn hóa là gì. Ước mơ đơn giản nhất là có tiền mua tivi để xem, hay đài cát-xét nghe nhạc lúc rảnh rỗi. Nhưng nếu có tivi, có cát- xét rồi mà đi làm quần quật, về đến nhà mệt nhoài cũng chỉ muốn lăn ra ngủ. Vậy nên chúng em lại ước, thỉnh thoảng được nghỉ nửa ngày để đi xem ca nhạc, tham gia thi đấu, cổ vũ thể thao là vui nhất”

Dạo quanh phòng trọ của Thu, càng thấu hiểu lời cô nói. Cả dãy trọ 15 phòng, chỉ duy nhất một phòng trọ của đôi vợ chồng "cựu" công nhân lập gia đình đã bảy năm là có chiếc tivi Sony đời cũ. Vài nữ công nhân sau bữa cơm tối túm năm, tụm ba ở khoảng sân nhỏ nói chuyện phiếm. Còn lại, phần lớn nhốt mình trong bốn bức tường phòng trọ cùng những chiếc điện thoại di động. Người nhắn tin, gọi điện, người chơi game.

Riêng tổ chức CĐ Thủ đô với vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ người lao động đã có nhiều cách làm quyết liệt hơn nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân như trang bị tủ sách tại các điểm sinh hoạt văn hóa; có phòng đọc, phục vụ miễn phí Báo Lao động Thủ đô, Phụ nữ Thủ đô; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội chợ phục vụ công nhân...

Hoàng Thị Yến, 20 tuổi, quê ở Thanh Hóa, ở trọ cạnh phòng Thu cho biết: “Ngoài thời gian đi làm thì chúng em chỉ ngủ hoặc sang nhà trọ của bạn ở gần để chơi. Nhiều lúc vào ngày nghỉ, cũng muốn đi đây đi đó, xa xa một chút để mở mang tầm mắt, nhưng không có xe máy, đi xe đạp thì ngại nên thôi. Hiếm hoi lắm, chúng em mới rủ nhau bắt xe buýt đi siêu thị BigC hoặc Metro ngắm đồ, chứ cũng ít khi mua, vì công nhân làm gì có tiền”.

Mọi nỗ lực như “muối bỏ biển”

Thực trạng đời sống tinh thần nghèo nàn của CNLĐ không phải là vấn đề mới và từ lâu đã được được các cấp ngành, đoàn thể nhất là Tổ chức Công đoàn quan tâm chú ý, giải quyết với nhiều biện pháp thiết thực.

Tại Hà Nội, những năm gần đây, LĐLĐ Thành phố đã chủ trương xây dựng hàng loạt điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị như ti vi, máy tính kết nối internet, dụng cụ tập thể dục thể thao, hệ thống âm thanh loa đài nhằm giúp cho CNLĐ có thể vui chơi giải trí, rèn luyện thể thao, tìm hiểu kiến thức pháp luật và mọi mặt sau giờ làm việc.

Tuy vậy, theo Chủ tịch Công đoàn các KCN - CX Hà Nội Đinh Quốc Toản, những điểm sinh hoạt văn hóa công nhân ít ỏi này so với nhu cầu vui chơi, giải trí của gần 140 nghìn CNLĐ trong các KCN- CX Hà Nội thì đúng là như muối bỏ biển.

Với nhận thức lao động là vốn quý, nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Điện tử Meiko (KCN Thạch Thất - Quốc Oai), Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, Công ty TNHH Toto Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long)… cũng đã chủ động hỗ trợ kinh phí cho CĐ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nhưng phần lớn quy mô nhỏ, số công nhân được tham gia không nhiều.

Những giải thi đấu phong trào như bóng đá, bóng bàn, kéo co, chạy việt dã, cờ tướng... cũng thỉnh thoảng được tổ chức tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và chế xuất, nhưng chủ yếu dành cho cán bộ quản lý và một số công nhân nam. Các hoạt động tập thể như: Hội thi nấu ăn, Tiếng hát CNLĐ… chỉ được tổ chức 1 lần/năm hoặc vài năm/lần và cũng chỉ một số người tiêu biểu mới có cơ hội tham gia.

Về các hoạt động văn hóa tại nơi cư trú, theo kết quả khảo sát của LĐLĐ các địa phương, gần 90% số công nhân ở các KCN khi được hỏi cho rằng, các hoạt động văn hóa - thể thao thường diễn ra tại địa bàn cư trú, không phải NLĐ nào cũng có điều kiện tham gia.

Do vậy, cho dù địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa thì NLĐ cũng chỉ tham gia với tư cách là "khách mời", một năm đôi, ba lần vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn.

Đồng bộ hơn, quyết liệt hơn

Để khắc phục thực trạng nói trên, nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1780/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020", trong đó, có mục tiêu đến năm 2020, hơn 70% số công nhân ở các KCN được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; 80% số "DN đạt chuẩn văn hóa" theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ngay đầu năm 2016, Ban Bí thư Trung ương cũng đã ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó đề ra 4 nhóm giải pháp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân gồm: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân KCN-CX trong tình hình mới; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp hành động của các cấp chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ KCN-KCX; Tăng cường sự hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa chủ doanh nghiệp với công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức CĐ.

LĐLĐ Thành phố và các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của thành phố còn tăng cường tuyên truyền, vận động đội ngũ CNLĐ và CĐCS thực hiện tốt những chủ trương, chính sách, pháp luật. Việc tuyên truyền giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống giai cấp công nhân… được chú trọng.

Đồng thời, LĐLĐ thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa phục vụ CNLĐ, trong đó có 28 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, 35 cụm văn hóa thể thao; 92 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân. Tại đây, công nhân được sinh hoạt văn hóa, tư vấn, rèn luyện sức khỏe, được tra cứu internet miễn phí…

Đánh giá về nội dung này, Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong quá trình xây dựng các cơ quan văn hóa, tổ chức CĐ và các cấp đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp xây dựng, phát triển phong trào thể dục thể thao, nâng cao trí lực, sức khỏe cho CNLĐ.

Đồng thời, tổ chức CĐ tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho NLĐ và chủ doanh nghiệp về việc cần thiết cũng như lợi ích của việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ.

Đặc biệt quan tâm đến đời sống CNLĐ, các đồng chí lãnh đạo thành phố, các ngành và địa phương thường xuyên thăm, tìm hiểu thực tế để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Trong dịp đi thăm công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định: Hà Nội sẽ đáp ứng tối thiểu 50% nhu cầu chỗ ở cho CNLĐ.

Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Đặc biệt là tạo mọi điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động để họ yên tâm làm việc ổn định, đáp ứng yêu cầu tình hình hội nhập sâu và rộng trong thời gian tới.

Ngọc Tú

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/trach-nhiem-cua-toan-he-thong-chinh-tri-46344.html