Trách nhiệm của cấp ủy viên, người đứng đầu

Trước tình trạng tiến độ sản xuất mùa vụ, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới rất chậm chạp, người đứng đầu đảng bộ huyện ở một tỉnh đồng bằng sông Hồng đã phải thẳng thắn góp ý với các ủy viên ban thường vụ được phân công phụ trách cụm xã, thị trấn và tổ trưởng các tổ công tác của huyện, rằng “nếu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các xã, thị trấn mà chưa hoàn thành thì chúng ta không nên nhận danh hiệu thi đua cuối năm”. Đây là một cách thức giám sát trách nhiệm đối với các cấp ủy viên và người đứng đầu.

Ở một huyện miền núi biên giới phía bắc, bí thư, chủ tịch huyện ký cam kết với bí thư, chủ tịch của tất cả 24 xã, thị trấn trong địa bàn về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với từng việc cụ thể, có lộ trình, thời hạn hoàn thành. Những cam kết ấy nhằm mục tiêu tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa thiếu sót, khắc phục việc xa dân, thực hiện cho được việc “nói đi đôi với làm”. Lãnh đạo huyện xuống làm việc ở xã, chi bộ thôn, bản đều có kết luận bằng văn bản để theo dõi, giám sát trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy viên và người đứng đầu đối với cơ sở. Hơn thế, các cam kết đều có mục ghi “nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì thôi chức”. Đây cũng là một hình thức cụ thể để giám sát việc thực hiện “nói đi đôi với làm” đối với các cấp ủy viên, người đứng đầu.

Hai câu chuyện nêu trên đều hướng đến việc nêu cao trách nhiệm công vụ của các cấp ủy viên, người đứng đầu; khắc phục tình trạng các cấp ủy viên, người đứng đầu chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa “bắt tay vào làm” cùng với cơ sở. Tất nhiên, không phải chỉ ký cam kết là có thể nâng cao được ngay trách nhiệm công vụ, bởi người dân chỉ hoàn toàn tin tưởng khi lời hứa biến thành hành động cụ thể.

Có giám sát, có cam kết trách nhiệm thì buộc các cấp ủy viên, người đứng đầu trước hết phải sâu sát, nắm bắt tình hình cơ sở, tương tác với người dân, không vô cảm với những khó khăn, bức xúc của nhân dân... Từ đó mới có thể quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi lĩnh vực, công việc được phân công vốn luôn phát sinh những vấn đề từ thực tiễn. Và chỉ khi các cấp ủy viên, người đứng đầu gương mẫu, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời có các chế tài giám sát thì việc “nói đi đôi với làm” mới được thực hiện nghiêm và hiệu quả, niềm tin của người dân với Đảng mới được củng cố, bồi đắp và nhân lên.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31447102-trach-nhiem-cua-cap-uy-vien-nguoi-dung-dau.html