Tra từ điển - kỹ năng cần có

Ai đã xem (hoặc từng tham gia) chương trình "Ai là triệu phú?" trên VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam, hẳn đều biết một thể lệ: Các ứng viên được mời tới trường quay (trước đây là 10 người, bây giờ là thường là 6) phải qua một trắc nghiệm đơn giản (lựa chọn các đáp án) để có cơ hội được vào ngồi "chiếc ghế nóng" trên trường quay. Trong các chủ đề trắc nghiệm đó, rất nhiều lần ứng viên phải sử dụng tri thức ngôn ngữ để thể hiện.

Ai đã xem (hoặc từng tham gia) chương trình "Ai là triệu phú?" trên VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam, hẳn đều biết một thể lệ: Các ứng viên được mời tới trường quay (trước đây là 10 người, bây giờ là thường là 6) phải qua một trắc nghiệm đơn giản (lựa chọn các đáp án) để có cơ hội được vào ngồi "chiếc ghế nóng" trên trường quay.

Ai đã xem (hoặc từng tham gia) chương trình "Ai là triệu phú?" trên VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam, hẳn đều biết một thể lệ: Các ứng viên được mời tới trường quay (trước đây là 10 người, bây giờ là thường là 6) phải qua một trắc nghiệm đơn giản (lựa chọn các đáp án) để có cơ hội được vào ngồi "chiếc ghế nóng" trên trường quay.

Trong các chủ đề trắc nghiệm đó, rất nhiều lần ứng viên phải sử dụng tri thức ngôn ngữ để thể hiện.

Đó là sắp xếp theo trật tự chữ cái 4 từ mà chương trình đưa ra. Tôi thường theo dõi và rất ngạc nhiên, vì không hiểu sao những người chơi này (phần lớn là có trình độ văn hóa cao) mà vẫn lúng túng, thậm chí không trả lời được yêu cầu của nhà đài, đành bỏ lỡ cơ hội tham gia một trò chơi mà họ ham thích.

Chẳng hạn, trong chương trình "Ai là triệu phú?", phát sóng ngày 19.7.2016, khi được hỏi: Bạn hãy sắp xếp 4 từ sau theo trật tự trong từ điển: A. vị giác, B. xúc giác, C. khứu giác, D. thị giác (Đáp án là: C - D - A - B: khứu giác, thị giác, vị giác, xúc giác). Thật tiếc là chỉ có 2 người trả lời đúng (với thời gian khá lâu). Chắc không mấy ai để ý tới hiện tượng này. Nhưng với tôi (và những ai quan tâm tới giáo dục ngôn ngữ) lại thấy "bất bình thường". Vì với bất cứ một người bản ngữ biết chữ nào, việc thuộc bảng chữ cái để đọc và hiểu từ ngữ dân tộc mình phải được coi là một ngữ năng hiển nhiên.

Bởi ngay từ khi vào học lớp 1 (lớp đầu tiên trong bậc học phổ thông), các em đã phải học, nhận diện và viết thuần thục 29 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt - còn gọi là chữ Quốc ngữ (A, Ă, Â, B, C, D, Đ, E, Ê, G, H, I, K, L, M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, Ư, V, X, Y) và 6 thanh điệu (không dấu, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng). Từ hệ thống ký tự này, ta có thể ghép vần và ghi âm tất cả các từ, ngữ được dùng trong giao tiếp hằng ngày. Cũng vậy, khi học một ngôn ngữ khác (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga...) chúng ta cũng phải làm quen với hệ thống chữ cái của tiếng đó.

Nhiều người cho rằng, người ta có thể học và biết danh sách bao nhiêu chữ cái chứ nhớ thứ tự các chữ này thì có thể quên, miễn là người ta không nhận diện sai từ và chữ khi đọc. Tôi tin rằng rất nhiều người nghĩ như thế. Cũng bởi là chúng ta không tập cho mình thói quen tra từ điển thường xuyên như một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày.

Và cũng có nhiều người lập luận rằng, tra từ điển chỉ cần thiết với người học ngoại ngữ, chứ người bản ngữ mấy khi cần đến nó (Ta nói và viết tiếng Việt như cơm ăn nước uống hằng ngày, hà cớ gì mà dùng đến từ điển? Có chăng là những người đang làm công việc liên quan, như trong các ngành chuyên môn, luật pháp, báo chí, dịch thuật...). Quan niệm như vậy rất cần phải chấn chỉnh, vì nhiều lẽ.

Thứ nhất, dù là người bản ngữ, rất rành và thông thạo ngôn ngữ dân tộc mình thì nhiều lúc vẫn rất cần tra cứu trong những trường hợp cần kiểm tra độ chính xác của những từ mà ta cảm thấy chưa thực yên tâm (về các nét nghĩa, về khả năng thay thế, về biến thể phương ngữ, về chính tả...). Không ít lần chúng ta viết và nói, nhưng sau đó suy ngẫm lại, ta mới giật mình nghiệm ra "giá mà lúc đó mình viết thế này, mình nói thế kia thì hợp lý hơn, hay hơn".

Thứ hai, nhiều khi, ta tra từ điển không chỉ cho mình mà còn để giúp đỡ cho người khác. Điển hình nhất là giúp cho việc học hành của con em trong gia đình hay học trò trong lớp. Học sinh (nhất là học sinh còn nhỏ) trong quá trình thụ đắc ngôn ngữ chắc chắn nhiều lúc không hiểu hết mọi từ, ngữ, đặc biệt là những đơn vị định danh bậc hai, có nghĩa biểu trưng hay nghĩa hàm ẩn (các thành ngữ, tục ngữ). Tiếp nhận và trau dồi các kỹ năng ngôn ngữ là một quá trình, không có ai chỉ một vài lần làm quen là có thể hoàn thiện ngay. Trong việc học này, từ điển các loại (từ điển giải thích, từ điển đối dịch, từ điển chính tả, từ điển từ nguyên, từ điển thành ngữ tục ngữ...) chính là những cẩm nang, giống như những "ông trạng trong nhà", sẵn sàng trợ giúp ta khi cần thiết.

Và chính quá trình sử dụng, tra cứu mà chúng ta thuộc được thứ tự bảng chữ cái (kể cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài). Không thuộc bảng chữ cái, người học sẽ mất rất nhiều thời gian lần mò, tra cứu. Không ít thí sinh vào phòng thi, cứ loay hoay mãi với cuốn từ điển chỉ vì quên thứ tự ABC cần nhớ. Thiếu thời gian để tập trung cho bài làm, nhiều thí sinh không đạt yêu cầu chỉ vì dồn quá nhiều sức cho việc tra từ điển, cứ phải lần lại bảng chữ cái cho từng trường hợp).

Trong xu hướng của xã hội hiện đại, hội nhập và hòa nhập, thiết tưởng mỗi người chúng ta cần quan tâm sử dụng, hình thành thói quen và kỹ năng tra cứu từ điển. Không phải để đi dự thi "Ai là triệu phú" mà phục vụ cho chính những nhu cầu rất thiết thực trong cuộc sống.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tra-tu-dien-ky-nang-can-co-582846.bld