Trả tên cho nước mắm: Đạm thấp khác gì... pha lấy mùi

"Những sản phẩm nước mắm bán trong siêu thị chỉ là nước mắm pha và được sản xuất trên dây truyền công nghiệp, độ đạm rất ít".

Nước mắm không phải là nước chấm

Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan vừa có thông tin phản hồi sau khi có thông tin cho rằng hai nhãn hiệu nước mắm (Chinsu và Nam Ngư) của doanh nghiệp này chứa nhiều hóa chất.

Masan khẳng định các sản phẩm nước mắm trên được chế biến và đóng chai theo quy trình công nghệ khép kín theo đúng quy định của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) và Sở Y tế địa phương.

Bên cạnh đó, Masan tiếp tục khẳng định quan điểm đã từng gây tranh cãi, đó là: “Không phải cứ đạm cao thì mới ngon. Không phải cứ đạm cao là tốt. Không phải cứ muối mặn là sạch”.

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết cho rằng bản thân không đồng tình với nhận định trên.

Theo ông Tiến, cần phải xem xét lại các tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam của Bộ Thủy sản cũ (giờ là Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ NNPTNT) để có khái niệm đúng đắn về nước mắm.

“Nếu đã là nước mắm thì phải sản xuất từ cá và muối ra. Theo tiêu chuẩn của Tổng cục Thủy sản, nước mắm phải trên 10 đạm và đầy đủ muối, hàm lượng axit amin đầy đủ.

Còn những loại nước mắm mà chỉ có 5-7 đạm, 3 đạm (dưới 10 đạm) thì không thể gọi là nước mắm được. Đạm cao thì nước mắm mới ngon. Đạm thấp thì không thể ngon được. Dưới 10 đạm thì chỉ gọi là nước pha, giống như nước chấm các gia đình hay pha để chấm bún chả, rau…Chỉ có 1 tí mùi thôi”, ông Tiến khẳng định.

Những sản phẩm nước mắm bán trong siêu thị chỉ là nước mắm pha và được sản xuất trên dây truyền công nghiệp, độ đạm rất ít. Ảnh: VNN

Ông Tiến cho biết, từ nhiều năm về trước, người dân không chỉ ở Việt Nam mà ở Lào và Campuchia đều lựa chọn nước mắm truyền thống nguyên chất để sử dụng trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, từ khi nhà nước cấp giấy phép cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm pha chế thì người tiêu dùng đang trở nên khó khăn hơn trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp.

“Chúng tôi không gọi những sản phẩm bán trong siêu thị là nước mắm công nghiệp mà đó chỉ là nước mắm pha và được sản xuất trên dây truyền công nghiệp.

Tất cả các nước mắm truyền thống đều được sản xuất theo một quy trình chặt chẽ. Chúng tôi ủ theo tỉ lệ 1 muối, 3 cá rồi chờ lên men sau 1 năm mới có được sản phẩm nước mắm truyền thống. Nước mắm truyền thống từ 20-30 đạm là loại ngon, từ 10-20 đạm là loại bình thường, cao hơn nữa thì do khoa học kỹ thuật. Nếu là nước mắm pha thì nó sẽ sử dụng một số chất bảo quản để giữ mùi có thể có những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người”, ông Tiến nhấn mạnh.

Người tiêu dùng nên thông thái

Một vấn đề khác mà Phó Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết chỉ ra đó là người tiêu dùng hiện nay đang bị đánh lừa bởi những hình ảnh quảng cáo, lựa chọn nước mắm bằng mắt, bằng tai thay vì có những thông tin rõ ràng chính xác.

Theo ông Tiến, sản xuất nước mắm truyền thống hầu hết là các cơ sở nhỏ lẻ, không có kinh phí để thông tin quảng cáo, marketing. Ngay cả với Hiệp hội nước mắm Phan Thiết có mấy chục hội viên nhưng cũng chỉ dừng lại ở chỗ tập hợp các cơ sở sản xuất chứ không thể có tiền để lo quảng cáo.

“Doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp có nhiều tiền, có nơi được nước ngoài đầu tư nên họ sẵn sàng chi từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng để quảng cáo trên ti vi, truyền hình là hết sức bình thường. Còn bản thân Hiệp hội nước mắm Phan Thiết chúng tôi chỉ biết khuyến cáo với người dân nên mua hàng thông minh và trông chờ vào sự quản lý của cơ quan chức năng”, ông Tiến chia sẻ.

Ông Tiến cho biết, giá nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống trên thị trường hiện nay ngang ngửa nhau, thậm chí nước mắm truyền thống còn rẻ hơn 20-30% do không mất chi phí quảng cáo. Tuy nhiên nếu so về chất lượng thì nước mắm truyền thống có thể gấp 5-7 lần nước mắm công nghiệp.

Ông dẫn chứng: “Một chai mắm 1 lít, các cơ sở sản xuất nước mắm công nghiệp bán ra với giá 30.000-40.000 đồng và chỉ có 2-3 độ đạm, trong khi nước mắm truyền thống bán giá 20.000-30.000 đồng/lít, độ đạm tới 20-30. Đó là sự khác biệt mà tôi nghĩ người tiêu dùng cần phải lựa chọn”.

Bên cạnh đó, ông Tiến cũng thừa nhận, hiện nay nước mắm công nghiệp đang chiếm phần lớn thị trường tiêu thụ với mức dao động từ 75-80%, trong khi đó thị trường nước mắm truyền thống khiêm tốn hơn, chỉ khoảng 20%.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/tra-ten-cho-nuoc-mam-dam-thap-khac-gi-pha-lay-mui-3320723/