Trả những trạm thu phí BOT 'đặt nhầm' về đúng chỗ

Tình trạng trạm thu phí “đặt nhầm chỗ” như ở Cai Lậy là nguyên nhân chính gây bức xúc trong dư luận và người tham gia giao thông.

Bộ trưởng Bộ GTVT  Trương Quang Nghĩa vừa gây bão dư luận bằng câu nói trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Tự nhiên chúng ta đưa ra quy định khoảng cách tối thiểu 70km. Tôi không hiểu dựa trên căn cứ nào để đưa ra quy định ấy? Ở Singapore, xe cứ ra khỏi nhà là bị tính tiền, dựa trên số km lưu hành thực tế”.

Có lẽ ông không nhớ rằng, chính Bộ GTVT đã đưa ra chính sách khiến ô tô ở Việt Nam, dù nằm trong gara, vẫn phải trả phí bảo trì đường bộ.

Tài xế chậm rãi kiểm đếm và đưa từng tờ 200 đồng cho nhân viên thu phí. Ở phía sau có hàng trăm ôtô nối đuôi nhau để chờ qua trạm BOT Cai Lậy. Ảnh: Zing.

Vấn đề liên qua đến BOT giao thông đã nóng trên phạm vi cả nước suốt mấy năm qua. Mật độ trạm dày đặc, mức phí cao ngất ngưởng... khiến người dân phản ứng bằng nhiều hình thức tiêu cực.

Đơn cử như hiện tượng đang thu hút sự quan tâm của dư luận ở trạm thu phí tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giang). Doanh nghiệp đầu tư 1.400 tỷ đồng làm tuyến tránh Thị xã Cai Lậy, bao gồm: Làm mới 12km đường tránh và nâng cấp 27km mặt đường Quốc lộ 1. Thời gian thu phí là 4 năm 6 tháng kể từ ngày 1/8/2017. Mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt xe dưới 12 chỗ ngồi, cao nhất là 180.000 đồng/lượt xe tải trên 18 tấn.

Tuy nhiên, nhà đầu tư và các cơ quan chức năng lại đặt trạm thu phí tuyến tránh ở trên Quốc lộ 1, khiến tất cả các phương tiện, dù có sử dụng đường tránh hay không, đều phải trả tiền phí đường.

Những chủ phương tiện không dùng đường mới vẫn phải mất tiền bức xúc. Dân cư xung quanh trạm thu phí bực mình không kém vì đi ngắn cũng phải trả tiền và nhà đầu tư vẫn chưa sửa chữa theo thỏa thuận 4 con đường bị hư hỏng nặng do phương tiện vận chuyển vật liệu làm đường mới “mượn lối” đi qua.

Một số nhà chuyên môn ước tính, với lưu lượng 40.000 lượt xe từ tuyến tránh và Quốc lộ 1 qua trạm mỗi ngày, nếu thu đủ 4 năm 6 tháng, nhà đầu tư sẽ thu về số tiền vượt gấp nhiều lần mức vốn bỏ ra, bao gồm 200 tỉ đồng “tiền túi” và 1.200 tỉ đồng vay ngân hàng.

Tất cả những điều đó khiến trong tình hình lộn xộn ở trạm thu phí Cai Lậy trở nên mất kiểm soát.

Có thể nói, tình trạng trạm thu phí “đặt nhầm chỗ” như ở Cai Lậy là nguyên nhân chính gây bức xúc trong dư luận và người tham gia giao thông.

Việc huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng công trình giao thông theo hướng: Xây dựng, vận hành, chuyển giao… là chủ trương đúng đắn. Nhiều năm qua, chủ trương này đã thu hút được nguồn lực rất lớn từ xã hội để mở rộng và phát triển hệ thống giao thông đường bộ, vốn cũ nát và manh mún ở nước ta, nay trở nên hiện đại, tiện dụng và góp phần to lớn vào phát triển kinh tế.

Trước năm 2010, cả nước chỉ có 100km đường cao tốc đúng nghĩa, nhưng đến năm 2016, toàn quốc đã có hơn 740km đường cao tốc. Dự kiến đến năm 2030, con số này sẽ là 6.400km. Những kết quả trên sẽ có sự đóng góp to lớn của chủ trương BOT trong giao thông.

Trạm thu phí giao thông đặt nhầm chỗ thì phải trả về đúng chỗ, đó là cách giải quyết thuyết phục nhất, công bằng nhất và triệt để nhất, đảm bảo cân bằng lợi ích của nhà đầu tư và chủ phương tiện tham gia giao thông.

Việc Bộ GTVT giảm mức phí với trạm Cai Lậy chưa thể giải quyết dứt điểm những vấn đề đang gây tranh cãi.

Trở lại với thắc mắc của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã nêu ở đầu bài, nếu không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km thì thứ nhất, không lựa chọn được những nhà thầu lớn có đủ năng lực làm đường. Khoảng cách tối thiểu 70km/trạm thu phí cũng đảm bảo quyền lợi của người tham gia giao thông, nhất là khi họ đã phải đóng khoản tiền không nhỏ cho phí bảo trì đường bộ hàng năm.

Và với khoản phí bảo trì đó, ô tô ở Việt Nam để trong gara, vẫn mất tiền đường như thường. Lẽ ra người Singapore phải tham khảo chính sách của Bộ GTVT Việt Nam mới đúng. Đó là chưa kể một phần phí đường bộ vẫn đang nằm trong cơ cấu giá xăng dầu.

Việc Bộ trưởng GTVT có những phát ngôn dễ gây tranh cãi sẽ chỉ khiến cho những bức xúc quanh các dự án BOT trong giao thông trở nên phức tạp hơn mà thôi.

Gia Sơn

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/toi/tra-nhung-tram-thu-phi-bot-dat-nham-ve-dung-cho-c8a559852.html