Trả giá cho tình yêu nhuốm đầy tội lỗi

Phải suy nghĩ rất nhiều trước khi tôi viết email này cho các anh chị. Những lúc này, khi trở lại Việt Nam, tôi cảm thấy cô đơn bội phần. Dường như tôi đang phải trả giá cho những gì tôi gây ra.

Cách đây 15 năm, tôi và Thương cùng đi lao động xuất khẩu ra nước ngoài. Cuộc sống nhiều khó khăn, những đổi thay ở nước sở tại, cũng như cách thức hợp tác làm việc thay đổi, chúng tôi phải tìm mọi cách để có thể tìm được kế sinh nhai. Vì trước khi đi lao động xuất khẩu, ai cũng phải lo chạy vạy một mớ tiền. Giờ mà về tay trắng thì lại ôm thêm một đống nợ, chẳng biết sẽ xoay xở thế nào.

Cũng chính vì thế, tôi và Thương quen nhau. Chúng tôi gặp nhau trong một lần đi chợ mua đồ ăn Việt Nam. Cảm giác thèm một bữa cơm Việt rất kinh khủng, khi người ta chỉ có ăn mì và bánh mì cùng những thức ăn rất khó nuốt. Chúng tôi đã nhai bánh mì trường kỳ và dường như cũng hiếm khi chúng tôi mới có được một bữa ăn như ở nhà. Nhưng khi ấy, hai đứa buôn bán ở khu chợ người Việt, chắt bóp đủ thứ, chỉ mong có được một số tiền hàng tháng gửi về thôi. Bữa đó trời lạnh, tôi gặp Thương ở tiệm bán rau muống. Cả hai đứa đều nhìn nhau.

Tôi tần ngần vì muốn mua rau nhưng lại không có nồi để luộc. Thương cũng định mua một mớ rau. Tôi nói, thôi hay tôi mua rau, còn cô có thể mua trứng. Rau luộc chấm nước mắm trứng là đảm bảo ngon nhất thế giới. Thế là chúng tôi cùng về phòng trọ của Thương để nấu ăn. Và quen nhau từ đó. Hai đứa cứ buôn bán như thế, rồi một tuần lại gặp nhau một lần, nấu ăn cho có không khí gia đình. Và rồi yêu nhau lúc nào không biết. Có lẽ cuộc sống cơ cực nơi xứ người đã khiến chúng tôi cần một chỗ dựa tinh thần. Và chúng tôi dọn về sống chung cho đỡ tốn tiền nhà.

Có lẽ phải nói thêm rằng, lúc đó chúng tôi chưa có nhiều điều kiện để cập nhật tình hình ở Việt Nam như bây giờ. Chúng tôi sống trong những mối lo sợ hoang mang rất vô hình. Sợ sẽ bị hốt khỏi đất nước này, sợ cả những người xa lạ đang sinh sống cùng mình. Nỗi sợ len lỏi khắp nơi, khiến hơi có chút chuyện là lại co rúm lại. Tôi nhớ, khi ấy, những tờ báo được truyền tay nhau trong đám tiểu thương ở chợ trời là món ăn tinh thần duy nhất. Cái gì có chữ Việt Nam khi ấy cũng đều thấy quý, thấy hay. Và dường như chúng tôi ngóng chờ về quê nhà qua những tờ báo như vậy.

Tôi và Thương yêu nhau được nửa năm thì Thương có thai. Cuộc sống đã làm cho chúng tôi buộc phải lựa chọn. Thương muốn giữ đứa con, nhưng tôi thì không thể. Tôi nói với Thương, thực sự với tình cảnh của chúng tôi, thì mọi chuyện không hề dễ dàng. Làm sao có thể sinh con khi sống tạm bợ thế này? Rồi khai sinh cho con ra sao? Khi chúng tôi còn chưa có đủ giấy tờ hợp pháp? Đến việc gửi tiền về nhà cũng phải nhờ qua người khác. Thương khóc rất nhiều.

Nhưng trước tình cảnh đó, Thương không còn cách nào khác là phải chấp nhận thực tế. Chúng tôi đành đến một phòng mạch tư, với ánh mắt đầy nghi ngại và chán nản của bà bác sỹ già. Cuối cùng thì cũng giải quyết xong. Thương kêu đau và khóc suốt một tuần lễ, không ăn không uống gì, đến mức phải truyền nước và truyền đạm. Tôi biết đó là một quyết định khó khăn. Nhưng với chúng tôi khi đó, thì đây là điều không thể lựa chọn khác.

Chúng tôi quay trở lại cuộc sống sau cú sốc mạnh nên Thương gầy ốm, mỏi mệt. Công việc buôn bán cũng khó khăn hơn. Đúng lúc đó thì tôi trúng một chuyến với khách hàng đưa đồ may mặc xuất sang châu Âu. Có thể nói, đó là cơ hội duy nhất tôi buộc phải nắm giữ, dù biết cũng nhiều mạo hiểm. Nhưng nếu không liều lĩnh thì tôi mãi mãi sẽ không bao giờ có thể thoát được cuộc sống này.

Tôi quyết định để Thương ở nhà, lao vào cuộc đua giành mối phân phối và bán hàng. Thời gian đầu mọi thứ khá thuận lợi, nhưng đến khi tôi bắt đầu kiếm được nhiều tiền thì tôi cũng đã bị nhiều đối thủ tìm cách làm hại. Họ tìm cách triệt hạ những mối hàng, thậm chí còn thuê cả giang hồ dọa đánh tôi. Cho đến một ngày, khi đi làm về, tôi thấy Thương nằm bê bết trên một vũng máu. Tôi mới phát hiện ra rằng, Thương đã bị kẻ khác hãm hiếp. Dường như Thương chỉ còn nằm thở thoi thóp.

Tôi cảm thấy sợ hãi tột cùng và vội vàng đưa Thương đến phòng mạch. Thật may, cuối cùng Thương vẫn còn đủ sức để sống. Sau đó, Thương kể lại, khi vừa đi từ chợ về nhà, Thương bị một nhóm người nhào đến, ép vào phòng và giở trò hãm hiếp.

Một mình chống cự trong tuyệt vọng, chúng đã hành động như những kẻ thú tính nhất, cho đến khi Thương ngất đi. Cơ thể Thương đã không thể lành lặn được vì trò đồi bại mất nhân tính đó. Thương phục hồi trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, và dường như những cơn ác mộng kéo dài khiến Thương ngày càng kiệt quệ. Tôi đã tìm một bác sỹ riêng để chữa bệnh cho Thương, và cũng phải mất 3 tháng Thương mới thực sự phục hồi.

Tôi lại bận rộn với những chuyến hàng. Công việc kiếm tiền thực sự không đơn giản. Nó lấy của tôi mồ hôi, nước mắt và cả máu. Tôi cũng cảm nhận được rằng, đôi khi tôi đã không còn nhận ra mình, mục tiêu của cuộc đời mình là gì nữa. Kiếm tiền và kiếm tiền, tôi đã không biết ngày mai mình sẽ ra sao...

Cho đến tháng thứ 4 sau vụ bị hãm hại, Thương lại thông báo mình có thai. Tôi sững sờ! Không dám tin vào tai mình, cuộc sống của chúng tôi đã quá nhiều tai ương rồi, sao ông trời vẫn chưa buông tha? Tôi không dám suy nghĩ tiếp, vì thực sự tôi không biết phải nói sao với Thương. Không lẽ, tôi phải thừa nhận đứa con đó? Khi mà tôi biết chắc chắn, đó không phải là con mình. Tôi tìm cách đưa Thương về Việt Nam, bằng mọi giá. Tôi muốn cô ấy có người thân bên cạnh chăm sóc, đồng thời cũng cần có nơi để khai sinh cho đứa con. Nhưng tôi cũng không biết mình sẽ ứng xử ra sao trước những tình huống đó. Thôi thì tới đâu tính tới đó.

Thương về Việt Nam. Ở lại nước bạn, tôi vẫn tiếp tục công việc của mình và dường như tôi đã bị ma ám, ngay lập tức tôi bước vào những mối quan hệ với những người phụ nữ khác. Trong một năm đầu, tôi vẫn gửi tiền về cho Thương, nhưng rồi đến năm sau thì tôi đã quên mất. Công việc tốt hơn, nhưng tôi đã không còn biết mình sống như thế này để làm gì. Chỉ có điều, tôi cũng không dám trở về Việt Nam.

Vì tôi sợ đối diện với sự thật, đối diện với Thương và không giải quyết được tất cả những mối dây nhơ lòng thòng đó. Tôi sợ cảm giác phải nhìn thấy Thương ôm con khóc và nói với tôi đó chính là con của tôi. Hoặc một cách nào đó, tôi lại đi tìm lời giải đáp bằng giám định ADN, xem thằng bé có đúng là con mình không. Tất cả những điều đó, thực sự có thể sẽ được thay đổi, nếu tôi đủ rộng lòng. Nhưng những hình ảnh của quá khứ làm tôi sợ hãi. Tôi không hiểu nổi cảm giác của mình nữa.

Cách đây ba tháng, tôi nhận được tin từ phía Việt Nam có một dự án làm ăn tốt. Tôi tìm cách về Việt Nam, một phần vì công việc, nhưng phần khác, tôi đã không thắng nổi chính mình. Tôi đã đi xa quê quá lâu và tôi cũng mang trong lòng một nỗi giằng xé khó lý giải. Dường như tôi vẫn có phần muốn biết thực sự mẹ con Thương đang sống thế nào. Tôi trở về và tôi nhận ra rằng, dường như những mối lo sợ của tôi đã không còn cơ sở nữa. Tôi thấy Thương đã sống cùng một người đàn ông khác rất hạnh phúc.

Và đứa con trai của Thương dường như có nhiều nét giống tôi. Cảm giác ghen tuông và tội lỗi ập đến. Tôi suy nghĩ hoài. Tôi có chút giận dữ vì dường như Thương đã phản bội tôi. Nhưng tôi nào có quyền giữ Thương lại, khi tôi đã bỏ bẵng mẹ con Thương tới hơn 8 năm. Tôi đã sống những ngày tháng chẳng ra gì và vẫn thường xuyên tìm kiếm những cơ hội để yêu và đến với những người phụ nữ khác. Tôi thấy mình thật tệ. Nhưng tôi không ngăn nổi sự ghen tuông và ân hận khi nhìn thấy hình ảnh con trai của mình. Tôi làm gì để có thể nhận mặt con tôi?

Vũ Đức Anh (sinh viên Đại học Thủy Lợi, Hà Nội)
Chào anh, tôi nghĩ rằng nếu đó thực sự là con trai anh, thì anh cần gặp cả hai mẹ con chị ấy để nói chuyện và nhận con trai mình. Không có đứa con nào lại không có quyền nhận cha và ngược lại. Anh có thể đã vô trách nhiệm với mẹ con chị ấy, nhưng đó là câu chuyện khác. Còn tình huyết thống, phụ tử là chuyện không thể chối bỏ. Có thể chị ấy sẽ giận anh, nhưng con anh thì vẫn có quyền nhận sự chăm sóc và nuôi dưỡng từ cha mình, cho dù tôi biết, sẽ có những thương tổn nào đó. Nhưng tôi nghĩ, trẻ con rồi sẽ lớn, sẽ tự nhận ra được những điều hay. Quan trọng là anh sẽ làm gì để con anh tin rằng, cha mình thực sự mong muốn làm một người cha tốt. Mong anh thành công.

Nguyễn Bình Yên (stylist, TPHCM)

Tôi nghĩ rằng, anh đang gặp quả báo vì những gì mình đã làm hoặc cả vì những điều anh không chịu làm. Có những lúc người phụ nữ yếu đuối nhất thì anh lại tìm cách đẩy cô ấy về quê, xa khỏi nơi mà cô ấy nghĩ được chở che nhiều nhất. Cuộc sống của người phụ nữ khó khăn hơn chúng ta rất nhiều. Tôi nghĩ rằng, có lẽ việc anh trở về và sám hối với con anh là điều tất nhiên của người đã chiêm nghiệm được ra những giá trị cuộc sống. Nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận một thực tế, đôi khi có những thứ không mong đợi sẽ xảy đến. Anh hãy chuẩn bị tâm lý đón nhận tất cả những phản ứng của Thương và con anh. Chúng ta đành phải chấp nhận thôi. Mong anh đủ bình tĩnh và dũng cảm...

Theo CSTC

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2012032912362294p1004c1029/tra-gia-cho-tinh-yeu-nhuom-day-toi-loi.htm