TQ đột phá với 'mặt trời nhân tạo' nóng gấp 3 Mặt trời

Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã duy trì hoạt động của “Mặt trời nhân tạo” trong vòng một phút, mở ra hy vọng về việc khai thác năng lượng từ lò phản ứng này.

Nơi Trung Quốc thử nghiệm "Mặt trời nhân tạo".

Theo Nature World News, lò phản ứng hạt nhân Thực nghiệm Tiên tiến Siêu dẫn Tokamak (EAST) được xây dựng tại Viện Vật lý Plasma, Trung Quốc từ năm 2006. Lò phản ứng này tạo ra loại khí nóng bị ion hóa mang tên plasma, khi các nguyên tử kết hợp lại và kết quả là xuất hiện nguồn năng lượng lớn.

Trang web của Viện Vật lý Plasma cho biết, mục đích chính của thí nghiệm là mô phỏng phản ứng tổng hợp hạt nhân diễn ra sâu bên trong lõi Mặt trời. Quá trình này khác biệt với sự phân hạch nguyên tử thường thấy trong phản ứng hạt nhân.

Trong thí nghiệm mới nhất, các nhà khoa học Trung Quốc đã duy trì plasma trong vòng một phút. Hồi tháng 2, Trung Quốc thành công trong việc tăng nhiệt độ plasma trong “Mặt trời nhân tạo” lên mức 49.999 triệu độ C, gấp ba lần nhiệt độ Mặt trời. Mức nhiệt độ của "Mặt Trời nhân tạo" gần tương đương với một vụ nổ nhiệt hạch cỡ vừa.

Kết quả đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của Dự án Lò phản ứng Thí nghiệm Nhiệt hạt nhân Quốc tế (ITER). Đây là một trong những dự án quốc tế lớn nhất dành cho các thí nghiệm phản ứng nhiệt hạch.

Trung Quốc tăng nhiệt độ plasma trong "Mặt trời nhân tạo" lên mức 49.999 triệu độ C.

Thí nghiệm đem đến hy vọng ở Trung Quốc trong việc khai thác nguồn năng lượng mới từ “Mặt trời nhân tạo”, thay thế các lò phản ứng phân hạch và nhiên liệu hóa thạch thông thường.

Năm 2012, các nhà khoa học Trung Quốc nâng thời gian duy trì plasma lên 32 giây, lập kỷ lục thế giới. Bắc Kinh tham vọng có thể kích hoạt và duy trì “Mặt trời nhân tạo” tới 1.000 giây trong tương lai gần.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/tq-dot-pha-voi-mat-troi-nhan-tao-nong-gap-3-mat-troi-723467.html