TQ dẫn trước trong cuộc đua “Công tâm vi thượng”

Năm 2012 đang dần khép lại với rất nhiều sự thay đổi trên thế giới, trong đó tình hình biển Đông liên tục nóng lên và nhiều lúc đã lên đến căng thẳng cao độ.

Nhiều tạp chí quốc tế, đặc biệt là Mỹ, đưa ra những dự báo về các kế hoạch quân sự nhằm đối phó nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc (TQ) trong tương lai gần. Những bài viết như Chuẩn bị cho chiến tranh với Trung Quốc của James Holmes trên National Interest hay Thời khắc quân sự của Trung Quốc do Jim Holmes viết trên Foreign Policy… dự đoán rằng TQ sẽ sớm sử dụng vũ lực tại biển Đông.

Chạy đua vũ trang

Các dự đoán như vậy cũng phần nào có cơ sở do các hành động phát triển quân sự ồ ạt và liên tục gây hấn của TQ tại biển Đông. Không chỉ “chiếm” Scarborough, đưa tàu xâm phạm vùng biển của các quốc gia khác, làm đứt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, ngang nhiên thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa, TQ còn tăng cường lực lượng quân sự tại biển Đông như việc xuất hiện của tàu sân bay Liêu Ninh, tăng cường tàu hộ vệ tên lửa cho Hạm đội Nam Hải - phụ trách tác chiến tại biển Đông… Tất cả động thái này đều cho thấy một TQ hiếu chiến và quyết đoán hơn, dẫn đến hậu quả tất yếu là sự gia tăng xu hướng chạy đua vũ trang và hiện đại hóa quân đội trong khu vực.

Theo IHS Jane’s, chi tiêu quốc phòng trong năm 2011 của các nước Đông Nam Á - nếu tính gộp chung lại - là 24,5 tỉ USD, tăng 13,5% so với năm trước và dự đoán sẽ tăng lên đến 40 tỉ USD vào năm 2016. Sự gia tăng chi phí quân sự chủ yếu thuộc về các quốc gia biển ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines - hai quốc gia có tranh chấp lãnh thổ nhiều nhất với TQ tại biển Đông. Trong đó, Philippines đã tăng chi phí quân sự lên gần gấp đôi trong năm 2011 và mua lại một tàu tuần tra lớp Hamilton của Mỹ, tuyên bố sẽ đấu thầu mua thêm các vũ khí mới bao gồm máy bay chiến đấu, tàu tấn công nhanh, radar…

Hẳn nhiên nhu cầu tự vệ là vô cùng cần thiết. Nhưng bên cạnh đó, một câu hỏi khác đặt ra là liệu sự gia tăng và chạy đua quân sự như vậy có đạt được kết quả như chúng ta mong muốn hay không?

Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông (tháng 11-2012 tại TP.HCM), một trong những cách thức để Việt Nam có thể “công tâm vi thượng”.

Hiểm kế của Trung Quốc

Liệu TQ có hạn chế hành động của họ tại biển Đông khi đứng trước tiến trình tăng cường quân sự (đã có phần muộn màng) của các nước Đông Nam Á?

Câu trả lời có lẽ là không, bởi vì mục đích thực sự của TQ - trong tương lai trung hạn - không phải là phát động một cuộc chiến tranh mà các hành động xác quyết chủ quyền mới là điều đáng quan ngại nhất. Việc TQ gặm nhấm chủ quyền biển Đông một cách từ từ sẽ giúp họ giành lấy ưu thế thương lượng, dẫn đến việc “không đánh mà thắng” do các bên liên quan lo ngại nguy cơ chiến tranh và tự nhường nhịn.

Hiểm họa vũ trang là quá lớn cho các bên liên quan, việc phiêu lưu quân sự sẽ dẫn đến những rủi ro nguy hiểm. Cả TQ và Việt Nam đều hiểu rằng “công thành vi hạ, công tâm vi thượng”, tức “đánh vào lòng người là thượng sách, đánh thành là hạ sách”; nói cách khác, chiến tranh bằng tâm lý, ngoại giao là thượng sách, chiến tranh bằng vũ khí, binh lực là hạ sách.

Điều đáng báo động là hiện nay Việt Nam đang đi sau TQ trong chiến lược “công tâm”. Trong khi chính quyền TQ liên tục gây sức ép lên các nước trong khối ASEAN, sử dụng ngoại giao học thuật để truyền bá quan điểm của họ ra quốc tế… thì đối sách từ phía chính quyền Việt Nam dường như còn nhiều hạn chế.

TQ áp dụng chiến thuật “gặm nhấm biển Đông”, trong đó có việc đưa ồ ạt các đoàn tàu đánh cá chiếm lĩnh ngoài khơi biển Đông.

Liên kết ASEAN, tranh thủ Mỹ

Dự đoán trong tương lai, vấn đề biển Đông sẽ được quyết định thông qua ưu thế thương lượng của các bên dựa trên lá bài quân sự, pháp lý lẫn chủ quyền thực địa. Những yếu tố này không chỉ được quyết định bởi nội lực mà còn phải nhờ vào sự ủng hộ của các tác nhân có liên quan khác. Còn rất nhiều điều Việt Nam cần làm trong năm 2013 để có thể “công tâm vi thượng”, tạo ra thế trận có lợi cho việc bảo vệ chủ quyền.

Cái “tâm” đầu tiên mà chúng ta cần chú ý chính là cái “tâm” của ASEAN. Vấn đề lớn nhất của ASEAN hiện nay là sự chia rẽ về quan điểm và khác biệt lợi ích. Thất bại trong Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 ở Phnom Penh vào tháng 7-2012 hay thất bại gần đây tại Hội nghị cấp cao ASEAN cho chúng ta thấy rằng: Nếu ASEAN không thống nhất, các quốc gia không có tranh chấp không thấy được lợi ích từ biển Đông thì vấn đề COC lẫn hy vọng giải quyết tranh chấp biển Đông một cách công bằng và đúng luật pháp quốc tế cũng không thể trở thành hiện thực.

“Nội không vững thì ngoại không mạnh”. Nếu ASEAN không thể thống nhất quan điểm của mình thì vị thế của ASEAN trong khu vực cũng sẽ suy giảm, khả năng tập hợp lực lượng và kết nối với thế giới cũng mất đi, liệu lúc đó còn quốc gia nào có thể bảo đảm sẽ ủng hộ ASEAN? ASEAN là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến vấn đề biển Đông nhưng ASEAN chưa chứng tỏ được sự đối trọng với TQ một cách vững vàng.

Mặt khác, dù có xây dựng được các thiết chế để kiềm chế Trung Quốc thì vẫn còn thiếu một “người giám sát”, do đó Mỹ sẽ là quốc gia tiếp theo mà Việt Nam cũng như ASEAN cần tận dụng cái thế của họ để tạo ra sự hòa bình và ổn định trong khu vực. Dưới thời Tổng thống Obama của đảng Dân chủ, tất cả quốc gia Đông Nam Á có liên quan tại biển Đông đều thấy một thái độ tích cực của nước Mỹ với các cam kết bảo đảm sự ổn định trong khu vực. Bên cạnh sự kêu gọi các bên kiềm chế và tuân thủ thể chế cùng luật pháp quốc tế như DOC, UNCLOS, nước Mỹ còn đưa ra các cam kết sẽ hỗ trợ và ủng hộ việc xây dựng COC, cũng như thực hiện luật pháp tại biển Đông. “Mượn oai hùm” khi lực chưa đủ cũng là một giải pháp tốt.

Các đối tượng cụ thể trên bàn cờ đã được xác định. Nhìn về lâu dài, việc cần làm là kêu gọi sự ủng hộ rộng rãi của các quốc gia khác cùng cộng đồng quốc tế. “Học thuật hóa” - được hiểu như nỗ lực lan tỏa lý lẽ, lập luận và lập trường đúng đắn - cần được đẩy mạnh để làm cầu nối giữa Việt Nam và công luận thế giới. Chúng ta đúng nhưng không ai biết chúng ta đúng thì cái đúng đó cũng khó có thể được chấp nhận.

Hơn nữa, việc quảng bá truyền thông còn giúp chúng ta bẻ gãy các luận điểm xuyên tạc, phá bỏ âm mưu “điều sai nói đi nói lại sẽ thành điều đúng”. Ngoài ra, học thuật hóa còn phải được Nhà nước vận động mọi tầng lớp xã hội cùng tham gia, xây dựng nhiều kênh thông tin để người dân trong nước được quyền bảo vệ chủ quyền quốc gia một cách hiệu quả nhất.

Một năm mới sắp tới với rất nhiều khó khăn nhưng cũng ẩn giấu nhiều cơ hội, “thắng hay bại đều do cách dụng binh”. Thiên thời - địa lợi đã đủ, chiến lược đã sẵn sàng, bây giờ là lúc “công tâm” để giành lấy nhân hòa.

NGUYỄN CHÍNH TÂM - VŨ THÀNH CÔNG

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20121230120650205p1017c1079/tq-dan-truoc-trong-cuoc-dua-cong-tam-vi-thuong.htm