TQ: Chung cư chưa xong, đừng hòng có vợ

Giấc mơ lập gia đình của nhiều thanh niên TQ phải hoãn lại vì công ty xây dựng hết tiền.

Lưu Dương trong căn nhà mãi chưa hoàn thành.

Tầng 15 căn hộ chung cư ở Vận Thành nhìn ra một hồ nước nổi tiếng ở thành phố Sơn Tây, Trung Quốc. Cặp vợ chồng già phải chi 80.000 tệ (khoảng 263 triệu đồng) cho một căn hộ hai phòng ngủ chưa hoàn thành ở Sơn Tây để làm hồi môn cho con trai.

Câu chuyện trên không hề cá biệt ở Trung Quốc khi bố mẹ tiết kiệm cho con cái mua một căn nhà ở đô thị để có triển vọng nghề nghiệp tốt hơn. Chưa kể, cơ sở hạ tầng như bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại tiện lợi hơn ở quê. Dự án bất động sản này được gọi tên là “chung cư xa xỉ bậc nhất” và tạo ra môi trường sống tốt lành cho cặp đôi trẻ.

Nỗ lực thay đổi tương lai của những bậc phụ huynh sống ở vùng nông thôn gặp phải trở ngại không lường trước: nhà phát triển địa ốc của dự án mang tên “Vườn thượng uyển” đột ngột hết tiền khiến dự án hoãn vô thời hạn.

Không chỉ anh mà hàng ngàn hộ gia đình khác đang phải chờ đợi trong vô vọng để có nhà ở.

Sự cố này phá tan giấc mơ của cậu con trai 24 tuổi và khiến đám cưới của anh ở Vận Thành phải hoãn lại. Tại nhiều vùng ở Trung Quốc, một căn nhà là thứ đảm bảo cho cuộc hôn nhân diễn ra suôn sẻ.

“Tôi gọi cho đường dây nóng của thị trưởng thành phố và tới cơ quan địa phương nhưng không ai giúp được”, Lưu Dương nói.

Lưu Dương bỏ học năm cấp 2 và tìm được công việc ở một khách sạn tại Bắc Kinh. Sau khi thoát khỏi một hệ thống bán hàng đa cấp ở Thanh Đảo, Lưu Dương trở về quê nhà Vận Thành cách đây 3 năm.

“Nếu tôi không về nhà thì chẳng ai cưới tôi cả”, Lưu Dương nói. “Nếu anh hỏi tôi cảm thấy thế nào thì tôi chỉ có thể nói rằng tôi hết sức thất vọng”. Giờ đây Dương đang sống cùng hôn thê trong một căn hộ thuê ở thị trấn. Bố mẹ cô gái khẳng định chỉ khi nào Lưu Dương có nhà thì mới được cưới con gái họ.

Trung Quốc hiện có 3,4 tỉ căn hộ trong khi tổng dân số chỉ là 1,4 tỉ người.

Bố mẹ Lưu Dương trước đây cũng mua một căn nhà cho anh cả vì lí do tương tự: cưới vợ.

Giám đốc dự án phát triển địa ốc Hồ Hải Cảng nói rằng buộc phải dừng công trình vì hết nhẵn tiền do “sập tỉ giá cho vay” từ một ngân hàng với lãi suất cắt cổ. “Tôi đã dồn hết tiền vào dự án này. Chúng có địa thế tốt. Tôi hiểu lo lắng của khách hàng. Tôi còn lo hơn cả họ”, Hồ nói.

“Trường hợp của Hồ là điển hình ở các thành phố cấp 3 và 4 tại Trung Quốc hiện nay”, Nghiêm Tuyết Cân, giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển E-House Trung Quốc, nói.

Các thành phố lớn ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải và ven biển chứng kiến giá nhà đất tăng lên mỗi ngày thì ở Vận Thành, thị trường nhà ở bị chững lại. Thủ phủ của tỉnh Sơn Tây là Thái Nguyên cũng chỉ tăng 2,1% với giá nhà ở.

Những dự án bất động sản ở đô thị cấp 3 và 4 đang là vấn đề đau đầu với chính quyền Bắc Kinh. Mục tiêu lớn nhất trong năm nay là giảm bớt số lượng nhà ở được xây dựng. Chính quyền nhiều nơi đang khuyến khích người dân mua nhà ở vùng đô thị cấp 3 như trường hợp của Lưu Dương.

Giúp người dân ổn định, đặc biệt là các hộ gia đình trẻ tuổi là một kế hoạch quan trọng được Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết thực hiện. Nền kinh tế Trung Quốc đang dần chuyển hướng từ việc sản xuất tràn lan, ồ ạt rất lãng phí sang nền kinh tế tiêu dùng, sáng tạo.

Thay vì hút quá nhiều dân tới các siêu đô thị, Bắc Kinh đang cố tạo ra một tầng lớp trung lưu ở các thành phố như Vận Thành với hy vọng tăng tỉ lệ đô thị hóa lên 60% trong năm 2020. Dù vậy, với những người ở quê lên Bắc Kinh, việc định cư là không dễ dàng chút nào.

Sắt thép chờ han rỉ xếp thành đống ở công trường.

Hai năm sau ngày tốt nghiệp, Nha Thiết phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày và 6 ngày một tuần để trang trải vừa đủ chi phí ở Bắc Kinh. “Tôi không tiết kiệm được tiền và lao động thì quá vất vả”, Nha Thiết nói. “Tôi muốn về nhà để sống cùng bố mẹ từ lâu rồi. Cuộc sống ở quê chắc chắn dễ thở hơn trên thành phố”.

Dù vậy, áp lực lớn nhất với Nha Thiết là công việc ở quê nhà Vận Thành liệu có được như thành phố lớn?

Bắc Kinh từng mô tả quá trình đô thị hóa là “ba nhiệm vụ 100 triệu dân”, trong đó đô thị hóa 100 triệu dân nông thôn, chuyển 100 triệu người vào những ngôi nhà khang trang và tạo ra việc làm cho 100 triệu người.

Cánh cổng khóa trái vào khu xây dựng ở Vận Thành.

Tuy nhiên, động lực đô thị hóa ở Trung Quốc đang cạn dần. Trung Quốc đã xây dựng số nhà đủ đáp ứng cho 3,4 tỉ người trong khi dân số nước này mới ở mức 1,4 tỉ. Tại các thành phố, thị trấn nhỏ, nhà ở quá nhiều trong khi việc tiêu thụ hết sức chậm chạp.

Hội đồng Chính phủ kêu gọi chính quyền địa phương trong tháng 10 cấp quyền công dân đô thị vĩnh viễn với những người mua nhà ở thị trấn hoặc có công việc ổn định. Bức tranh đô thị hóa ở Trung Quốc chỉ được định hình bởi lựa chọn và trải nghiệm của những người như Nha Thiết, Lưu Dương chứ không phải chính phủ.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/tq-chung-cu-chua-xong-dung-hong-co-vo-716649.html