TPP đưa Việt Nam - Hoa Kỳ gắn kết hơn nữa

“Mọi con mắt ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang đổ dồn về phía các bạn. Một số đang hoài nghi liệu Việt Nam có thực hiện được vai trò thành viên Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một số khác lại phân vân liệu các bạn có nên tham gia? Câu trả lời của tôi là chắc chắn có. Qua việc quan sát và hợp tác trước đây của các bạn, chúng tôi hiểu rằng, Việt Nam có tiềm lực mạnh để thực hiện các cam kết quốc tế đã tham gia", đây là nhận định của ông Demetrios Marantis, Phó trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ trong buổi thuyết trình “Việt Nam và Hoa Kỳ trong hệ thống thương mại toàn cầu: Mối quan hệ ngày càng phát triển" vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Cho đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam từng "va chạm" với những chính sách thương mại của Hoa Kỳ. Ông có thể cho biết chính sách thương mại của Mỹ với Việt Nam trong năm nay cũng như trong thời gian tới sẽ như thế nào? Một trong những điểm mà chúng tôi đang cố gắng làm là có thể nâng cao hơn nữa xuất khẩu của Hoa Kỳ sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Chúng tôi mong muốn được hợp tác cùng với các quốc gia khác trong khu vực để thực sự có thể nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cũng như kết hợp với sự năng động của khu vực này. Chúng tôi hy vọng hiệp định TPP sẽ mở rộng hơn nữa cho tất cả các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Song để đạt được điều gì đó, vấn đề là nên bắt đầu với một nhóm các nước có cùng quan điểm. Và chúng tôi vô cùng vui mừng khi Việt Nam là một trong số các quốc gia đó. Tham gia vào TPP ngay từ đầu, Việt Nam sẽ có cơ hội xây dựng các nguyên tắc của hiệp định thương mại quan trọng nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Căn cứ vào quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp, chúng tôi có mọi lý do để tin tưởng rằng thông qua hiệp định TPP, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gặt hái được những gì mà mới chỉ gần đây thôi là điều không thể. Hoa Kỳ đang có chính sách ưu tiên và hướng tới thị trường châu Á. Vậy thời gian tới, Hoa Kỳ còn tính đến việc tạo các rào cản hàng hóa từ các nước châu Á cũng như Việt Nam vào Hoa Kỳ nữa không? Hiện nay chúng tôi đang làm việc rất tích cực để đảm bảo những sản phẩm như cá basa sang thị trường Hoa Kỳ được thuận lợi hơn, và chúng tôi sẽ cố gắng tuân thủ nguyên tắc của hệ thống thương mại toàn cầu. Đây là điều quan trọng nhất trong việc tiếp tục mối quan hệ thương mại giữa 2 nước ngày càng lớn mạnh và tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới. Theo ông, đâu là điểm bất lợi trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam? Theo tôi, những rào cản chính khiến các doanh nghiệp nước ngoài nản lòng là vẫn còn thiếu minh bạch về thông tin, cũng như các cơ hội kinh doanh tại đây. Chúng ta có thể thấy, mối quan hệ của chúng ta trong hơn 15 năm qua đã phát triển rất tốt. Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các tổ chức lớn trên thế giới, đây là cơ hội rất lớn để có thể tiếp cận với các nhà đầu tư, qua đó họ thấy rằng Việt Nam đã làm được nhiều việc và đã thực hiện đầy đủ các cam kết của mình. Điều này có nghĩa, chúng ta cần phải kết hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa để làm sao các nhà đầu tư thấy được các cơ hội đầu tư tại Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực thương mại, mà hãy thông qua các hiệp định đã tham gia như Hiệp định TPP, đây chính là một kênh quảng bá hết sức thuận lợi, cho thấy Việt Nam đang là một nền kinh tế rất phát triển trong những năm tới. Khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã có những tiêu chí thế nào để biết rằng mình đã có một chọn lựa đúng? Một trong những cơ hội thuận lợi đó là Việt Nam có dân số trên 86 triệu người, mà phần lớn là những người trẻ tuổi. Ngoài ra, trong mắt các nhà đầu tư, Việt Nam được nhìn nhận như một nước hết sức độc đáo, thực hiện rất tốt những cam kết của mình với quốc tế, những gì Chính phủ Việt Nam thực hiện thường rất nhanh chóng, chẳng hạn như quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư, dịch vụ... đây là những điểm mạnh cần tập trung làm tốt hơn nữa. Rất ít quốc gia có được sự quyết tâm và thành công như Việt Nam trong việc xây dựng các mối quan hệ thương mại và đầu tư với Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Hội nhập kinh tế thế giới và cải cách trong nước đã mang lại tăng trưởng thu nhập ấn tượng cho người dân Việt Nam, giúp xóa đói giảm nghèo đáng kể. Hoa Kỳ ngưỡng mộ những thành công của Việt Nam và coi hơn 86 triệu người dân Việt Nam không chỉ là khách hàng mà còn là những người bạn, những đối tác trong thương mại và đầu tư. Chúng tôi rất tin tưởng vào mối quan hệ này. Xin cảm ơn ông! Việt Nguyễn (thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/KinhTe/2010/6/F173C473D629A5A2/