TPHCM: Tiêu dùng chững lại

Thống kê ba tháng gần đây cho thấy, tình hình tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TPHCM đang chững lại. Thời tiết mưa nhiều và tình trạng ngập lụt được xem là một trong những yếu tố tác động.

Tiêu dùng có dấu hiệu chững lại. Ảnh: Minh Tâm

Theo số liệu vừa được Cục Thống kê TPHCM công bố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 trên địa bàn TPHCM ước đạt 56.569,4 tỉ đồng; giảm 1,13% so với tháng trước.

Doanh thu sụt giảm được ghi nhận ở tất cả các ngành hàng, từ thương mại (giảm 0,3%), khách sạn-nhà hàng (giảm 4%) đến dịch vụ (giảm 1,8%). Đặc biệt, doanh thu ngành du lịch giảm nhiều nhất, mức 10,7%.

Theo đánh giá của Cục Thống kê, trong tháng 10 có nhiều đợt mưa lớn kết hợp với triều cường gây ngập nhiều nơi đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân.

Trước đó, vào tháng 9, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 57.621 tỉ đồng và dự báo tăng 1,99% so với tháng trước. Cơ sở để kỳ vọng là thành phố tổ chức Tháng Khuyến mãi (hoạt động thường niên) với sự tham gia của hàng ngàn doanh nghiệp, đặc biệt là của các nhà bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài mới tham gia thị trường.

Tuy nhiên, sức mua đã tăng không như kỳ vọng khiến con số thực cuối cùng thấp hơn dự báo và mức tăng chỉ là 1,28% so với tháng 8. Đây là mức tăng vào dạng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây bởi thông thường, con số này bao giờ cũng trên 2,3%.

Vào tháng 8, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ đạt mức 56.905 tỉ đồng, giảm 1,8% so với tháng trước. Nếu xét riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa thì con số là 45.800 tỉ đồng, cũng giảm 1,8% so với tháng 7.

Lý giải về điều này, trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 8, lãnh đạo Cục Thống kê TPHCM cho rằng, nguyên nhân là do tình hình thời tiết mưa nhiều và tâm lý ngại mua sắm những món hàng giá trị cao trong tháng 7 Âm lịch (gần như trùng hết với tháng 8 Dương lịch).

Như vậy, trong ba tháng gần đây thì đã có hai tháng mà tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn về dưới mức 57.000 tỉ đồng/tháng.

Trong khi đó, ở hai tháng liền kề trước đó là tháng 6 và tháng 7, con số này còn xấp xỉ ngưỡng 59.000 tỉ đồng/tháng. Tính ra mỗi tháng, ngành bán lẻ và dịch vụ đã mất gần 2.000 tỉ đồng do người dân, khách du lịch chi tiêu ít đi.

Còn ở cùng kỳ năm ngoái, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cũng chưa bao giờ rớt xuống dưới mức 57.000 tỉ đồng/tháng như tháng 8 và tháng 10 năm nay.

Tính chung 10 tháng năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 575.924,5 tỉ đồng, tăng 9,3% so cùng kỳ, loại trừ yếu tố giá thì tăng 7,65%. Con số này của cùng kỳ là 9,85%.

Trong một diễn biến khác, báo cáo về ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại 6 thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng) vừa được Công ty toàn cầu về nghiên cứu và đo lường hiệu quả Nielsen Việt Nam công bố cũng cho thấy, tăng trưởng của ngành này đã chững lại trong quý 3. Mức tăng trưởng chỉ còn 4,3% (so với cùng kỳ), giảm 2 điểm phần trăm so với quí 2 trước đó.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153124/tphcm-tieu-dung-chung-lai.html/