TPHCM nghiên cứu lập cơ quan quản lý chung về giao thông công cộng

Nhằm chuẩn bị cho việc quản lý, vận hành, tích hợp toàn bộ hệ thống giao thông công cộng TPHCM như xe buýt, metro, xe buýt nhanh…, TPHCM đang nghiên cứu thành lập một cơ quan quản lý chung về vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không nên thành lập một cơ quan mới mà chỉ cần sắp xếp lại các cơ quan hiện có.

Hiện nay, hoạt động của xe buýt có một trung tâm điều hành riêng thuộc sở GTVT TPHCM - Ảnh: Anh Quân

Vấn đề này đã được nhiều đại biểu đặt ra tại hội thảo phát triển cơ quan quản lý giao thông công cộng TPHCM (PTA) diễn ra ngày 24-2-2017 tại TPHCM.

Tại hội thảo này, đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, đến năm 2025, hệ thống giao thông công cộng tại TPHCM sẽ có sự thay đổi lớn khi thành phố hoàn thành xây dựng các tuyến metro, xe buýt nhanh, xe điện mặt đất…Vì vậy, TPHCM cần phải thành lập một cơ quan chuyên về giao thông công cộng để điều hành chung. Hiện nay một số chức năng về vận tải công cộng như quy hoạch đô thị, tài chính... không hoàn toàn do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thực hiện.

Đại diện WB khuyến cáo nếu không tích hợp, sau này, ước tính, người dân TPHCM đi các phương tiện công cộng phải mang theo người tới 30 loại thẻ cho từng tuyến và từng loại phương tiện. Thế rồi, người dân phải lên website của từng công ty để xem lộ trình đi hoặc phải tải đến 30 phần mềm cho mỗi tuyến để sử dụng. Điều này rất bất tiện, sẽ khiến người dân bỏ phương tiện công cộng để đi xe cá nhân.

Thảo luận về đề xuất của đại diện WB, ông Lê Văn Làm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cho rằng mô hình mà WB đưa ra không phù hợp với tình hình thực tế ở TPHCM do hiện nay thành phố đang cắt giảm biên chế, nếu thành lập ban mới thì phải tuyển thêm công chức. Theo ông, hiện nay, Sở GTVT đang quản lý Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, sau này có thể bổ sung thêm chức năng cho trung tâm này, nếu cần thiết có thể điều nhân sự từ các ban chuyên môn của các sở, ngành sang làm việc. “Còn thành lập hẳn một cơ quan mới thì rất khó” ông Làm nói.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hằng, Đại học Giao thông Vận tải (phân hiệu TPHCM) cũng cho rằng chưa cần thiết phải thành lập một cơ quan điều hành vận tải hành khách công cộng vì đến năm 2019 vẫn chưa thể đưa tuyến metro đầu tiên vào vận hành. Theo bà, nên lấy Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM hiện nay làm nòng cốt và điều hành hoạt động vận tải công cộng sau này.

Đại diện của Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM nêu ý kiến về lâu dài cần phải có một đầu mối để điều hành và quản lý vận tải hành khách công cộng. Vị này cho biết, hiện nay TPHCM có một số ban có chức năng xây dựng các dự án đô thị, việc vận hành các dự án sau khi hoàn thành không ai hiểu rõ hơn người thực hiện. Vì vậy, có thể xem xét hợp nhất các ban này để tạo thành một cơ quan điều hành chung. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải thực hiện theo lộ trình.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, đại diện của WB khuyến cáo, TPHCM nên có tầm nhìn dài hạn và cần thực hiện sớm. Vị này cho rằng, về dài hạn chắc chắn giao thông công cộng của TPHCM phải liên kết với các tỉnh lân cận, khi đó cơ quan này có thể điều hành cho giao thông công cộng của cả vùng như các nước châu Âu đang áp dụng.

Kết luận hội thảo, Phó giám đốc sở GTVT TPHCM Lê Hoàng Minh nói sở cũng mong muốn thành lập cơ quan điều hành giao thông công cộng giống như một số nước trên thế giới.Thế nhưng, khi thành lập một cơ quan mới thì tất cả mọi thứ đều mới, trong khi với điều kiện luật pháp của Việt Nam hiện nay, nếu thành lập cơ quan mới thì phải giải trình làm rõ hàng loạt vấn đề liên quan, thậm chí phải sửa luật. Do vậy, sở GTVT TPHCM chọn phương án lấy Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng làm nòng cốt, sau này sẽ được bổ sung chức năng, quyền hạn để trở thành cơ quan điều hành quản lý vận tải chung của toàn thành phố.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/157322/tphcm-nghien-cuu-lap-co-quan-quan-ly-chung-ve-giao-thong-cong-cong.html/