TPHCM: Liệu sẽ bớt ngập sau 5 năm nữa?

Chính quyền TPHCM vừa đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể hơn, mạnh tay hơn trong chương trình giảm ngập úng giai đoạn 2016-2020 với hy vọng xóa được nhiều điểm ngập hiện nay và đi kèm với đó là một khoản kinh phí rất lớn, lên đến gần 97.300 tỉ đồng.

Một đoạn đường tại TPHCM bị ngập sâu sau một trận mưa trong mùa mưa năm nay - Ảnh: Minh Thanh

Theo nội dung chương trình hành động về giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X trong hai ngày cuối tuần qua, trước mắt chính quyền thành phố sẽ thực hiện các giải pháp cấp bách chống ngập trong hai năm tới 2016-2018, sau đó tiếp nối các dự án chống ngập cho giai đoạn 2019-2020.

Hai giai đoạn chống ngập

Cụ thể, giai đoạn hai năm tới (2016-2018) thành phố sẽ cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa ngập do mưa tại 8/17 tuyến đường, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa ngập cho 60/179 tuyến hẻm. Song song đó, hoàn thành các hạng mục kiểm soát triều của dự án kiểm soát ngập do triều lưu vực 550 km2 để xóa ngập tại 9 tuyến đường, trong đó có hai tuyến đường bị ngập nặng là Lương Định Của, Huỳnh Tấn Phát và 7 tuyến bị ngập nhẹ là Nguyễn Văn Hưởng, Xa Lộ Hà Nội, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Tỉnh lộ 10, Đường 26.

Cũng trong giai đoạn 2016-2018, thành phố sẽ hoàn thành ba nhà máy xử lý nước thải gồm: Tham Lương – Bến Cát công suất 131.000 m3/ngày, Nhiêu Lộc – Thị Nghè 480.000 m3/ngày, Bình Hưng (giai đoạn 2) được nâng công suất từ 141.000 m3/ngày lên 469.000 m3/ngày.

Tiếp đó, sang giai đoạn 2019-2020 thành phố sẽ cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa ngập thêm 5/17 tuyến đường và cho 119 tuyến hẻm còn lại, xây dựng thêm bốn nhà máy xử lý nước thải là Tân Hóa – Lò Gốm công suất 300.000 m3/ngày, Tây Sài Gòn 150.000 m3/ngày, Bắc Sài Gòn 1 170.000 m3/ngày, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Tân từ 30.000 m3/ngày lên 180.000 m3/ngày.

Giải pháp khác đi kèm với các công trình liệt kê ở trên dự kiến sẽ được chính quyền thành phố làm quyết liệt trong thời gian tới là siết lại việc san lấp, xây dựng công trình lấn chiếm sông, kênh rạch, hồ chứa nước công cộng và xây dựng thêm các hồ điều tiết.

Những khu vực được cho là sẽ giảm được tình trạng ngập úng với những dự án nói trên là 13 quận trung tâm thành phố gồm quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp và các quận khác như quận 12, Bình Tân, một phần quận 2, 9, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè.

Thiếu gần 36.000 tỉ đồng

Qua rà soát cửa Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM và Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, với tổng số vốn cần cho việc chống ngập giai đoạn 2016-2020 là gần 97.300 tỉ đồng, trong đó có những dự án hiện đang triển khai và đã có nguồn vốn gần 23.000 tỉ đồng, phần vốn còn lại cần huy động cho 5 năm tới khoảng 74.350 tỉ đồng.

Trong tổng vốn hơn 74.300 tỉ đồng nói trên, thành phố đã tính toán, cân đối sử dụng từ 5 nguồn vốn lớn cho các dự án chống ngập trong những năm tới gồm: ngân sách thành phố (6.967 tỉ đồng), nguồn vốn SCIC (10.000 tỉ đồng), ngân sách trung ương (1.788 tỉ đồng), nguồn xã hội hóa (9.926 tỉ đồng), vận động nguồn ODA (9.789 tỉ đồng) …

Và như vậy, tổng số vốn chưa có nguồn và cần huy động thêm trong giai đoạn 2016-2020 để thành phố rót vào các công trình chống ngập gần 36.000 tỉ đồng.

Chính quyền thành phố cho biết sẽ ban hành các chính sách huy động các nguồn vốn từ xã hội, tổ chức tài chính, nhà đầu tư trong và cả ngoài nước, đi kèm với việc tạo quỹ đất để thu hút nhà đầu tư, thu hồi và bán đấu giá các mặt bằng, nhà xưởng của nhà nước sử dụng không đúng công năng và lãng phí để dồn vốn cho các công trình giảm ngập nước.

Một trong những giải pháp dự kiến sẽ được triển khai để tạo vốn chống ngập là chính quyền thành phố dự định sẽ đưa ra lộ trình tăng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, giá dịch vụ thoát nước …

Việc chống ngập được chính quyền thành phố xác định là một trong bảy chương trình đột phá trong giai đoạn 2016-2020 bên cạnh các chương trình khác như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập; giảm ô nhiễm môi trường; giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; chỉnh trang và phát triển đô thị.

Trong những năm tới, chính quyền thành phố xác định cốt lõi của chất lượng tăng trưởng dựa trên ba nền tảng gồm: tốc độ tăng trưởng; bảo vệ môi trường; chất lượng cuộc sống người dân.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/151825/tphcm-lieu-se-bot-ngap-sau-5-nam-nua.html/