TPHCM không thể dừng triển khai các dự án BOT

TPHCM không thể dừng triển khai, xây dựng các dự án hạ tầng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao) vì đây là xu hướng xã hội hóa.

Trạm thu phí BOT trên xa lộ Hà Nội - Ảnh: Anh Quân

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng của năm 2017, trả lời câu hỏi của TBKTSG Online về việc mật độ các trạm thu phí hiện nay ở TPHCM quá dày, sắp tới thành phố có dừng làm các dự án hạ tầng theo hình thức BOT hay không, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TPHCM cho biết, TPHCM không thể dừng các dự án BOT, BT vì ngân sách nhà nước không thể đáp ứng hết. Hơn nữa, đây là xu thế xã hội hóa, thành phố không thể đi ngược lại.

Theo ông Hoan, ngay cả các nước như Mỹ, Trung Quốc cũng phải xây dựng nhiều dự án hạ tầng theo hình thức BOT, BT.

Ông Hoan cho rằng, với các dự án thực hiện theo hình thức BT và BOT có 3 khâu quan trọng cần phải rút ra bài học trong quá trình thực hiện.

Thứ nhất là khâu đề xuất dự án. Trong Nghị định 15 (về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư) có 2 người đề xuất dự án là nhà nước và nhà đầu tư. Về phía nhà nước do không có tiền để nghiên cứu chuẩn bị các dự án BT, BOT nên thời gian qua, phần lớn các dự án BT, BOT do nhà đầu tư đề xuất, mà khi nhà đầu tư đề xuất thì chắc chắn phải có lợi cho họ nhiều hơn. Nếu nhà nước có ngân sách thì sẽ nghiên cứu đầy đủ các dự án rồi đem đấu thầu thì sẽ chọn sẽ chọn được nhà đầu tư có chất lượng.

“Rút ra bài học, chính quyền thành phố đang xem xét thành lập quỹ nghiên cứu dự án chứ không để nhà đầu tư đề xuất nữa”, ông Hoan nói.

Thứ hai là quá trình thi công, dù có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhưng phần lớn chưa giám sát được. Vì vậy, các cơ quan nhà nước phải có vai trò giám sát tốt hơn quá trình thi công.

Thứ ba là việc quản lý chi phí. Hiện nay mức phí và thời gian thu phí phải thông qua hội đồng nhân dân. Theo ông Hoan, khi nghiên cứu hình thức PPP ở Nhật thì thấy rằng nhà nước cùng tham gia vào việc quản lý số phí thu được. Ví dụ một dự án thu phí 20 năm, có khi 15-17 năm là đã thu đủ do lượng xe tăng hoặc do điều kiện kinh tế phát triển. Trong khi ở Việt Nam hợp đồng ký từ ban đầu là thu 20 năm nên phải đúng 20 năm mới dừng thu. Nếu lượng xe tăng nhà đầu tư hưởng 3 năm còn lại là rất lớn vì không có tiên đoán nào về lưu lượng xe qua lại và những điều kiện kinh tế-xã hội khác ở thời điểm mấy chục năm trước.

Theo ông Hoan, vấn đề của các dự án BOT hiện nay là phải chấn chỉnh từng khâu, từng đoạn để làm sao vai trò quản lý của nhà nước ở đây chặt hơn, chắc hơn.

Đề cập đến việc Bình Dương có chủ trương mua lại trạm thu phí rồi xóa bỏ trạm, ông Hoan cho rằng việc mua lại dự án cũng là một giải pháp, song cần phải có sự nghiên cứu.

Lê Anh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/164944/tphcm-khong-the-dung-trien-khai-cac-du-an-bot.html