TPCP: Đơn điệu nhà đầu tư, áp lực trả nợ

Phát triển và đa dạng hóa hệ thống nhà đầu tư là một trong những mục tiêu chính trong Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đến năm 2020. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này khách hàng chính của thị trường TPCP vẫn là các NHTM.

Điều chỉnh tăng vốn vẫn vượt kế hoạch

Theo kế hoạch, Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ phát hành 220.000 tỷ đồng TPCP trong năm 2016. Tuy nhiên chỉ trong 6 tháng đầu năm, lượng vốn đổ vào TPCP gần đạt mục tiêu đề ra nên KBNN đã quyết định điều chỉnh tăng kế hoạch phát hành TPCP thêm 30.000 tỷ đồng lên 250.000 tỷ đồng.

TPCP là kênh đầu tư an toàn, trong bối cảnh NH cho vay khó khăn, mua TPCP nghĩa là cho Chính phủ vay với rủi ro bằng 0 lại được hưởng lãi suất khá tốt. Đó là lý do khiến dòng tiền của các NHTM chảy mạnh vào TPCP. Tuy nhiên, với nhà đầu tư chính là các NHTM, việc Chính phủ thành công trong phát hành TPCP sẽ có phản ứng ngược với nền kinh tế, vì đáng lý vốn đó dùng để cho vay ra nền kinh tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH

Nhưng đến ngày 22-9, KBNN cho biết đã huy động được 250.320 tỷ đồng TPCP, vượt kế hoạch huy động TPCP đã được điều chỉnh. Tính đến cuối tháng 9-2016, tổng giá trị lưu hành của TPCP, TPCP bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương đạt 914.169 tỷ đồng, trong đó TPCP đạt 750.112 tỷ đồng, chiếm 82,05%; TPCP bảo lãnh 141.417 tỷ đồng, chiếm 15,47%; và trái phiếu chính quyền địa phương 22.640 tỷ đồng, chiếm 2,48%. Theo đó, đối với kỳ hạn 3 năm 25.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm 157.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm 30.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm 9.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm 35.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm 20.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý TPCP trong năm nay hút vốn đầu tư khá mạnh, dù lãi suất thấp hơn trước đây. Trong các đợt phát hành TPCP đầu năm 2016, lãi suất trúng thầu kỳ hạn 3 năm 5,67-5,78%/năm, kỳ hạn 5 năm 6,58%/năm, kỳ hạn 15 năm 7,65%/năm, kỳ hạn 20 năm 7,75%/năm, kỳ hạn 30 năm 8%/năm. Nhưng hiện nay lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm trong đợt phát hành cuối tháng 8 chỉ còn 5,67%/năm. Ngay như phiên đấu thầu ngày 5-10 đã huy động thành công 7.000 tỷ đồng, trong đó 4.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 30 năm đã được bán hết với lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm chỉ 4,9%/năm.

Vào thế NHTM phải mua

Mặc dù thị trường TPCP đã có những bước phát triển, tuy nhiên nhìn vào khối lượng huy động kỳ hạn ngắn chiếm khối lượng lớn, trong đó khối lượng TPCP kỳ hạn 5 năm ở mức rất cao khiến ngân sách vẫn phải thường trực đối mặt với áp lực trả nợ. Điều này xuất phát từ việc nhà đầu tư chủ đạo trên thị trường là các NHTM, chủ yếu có nguồn vốn ngắn hạn, khó có thể cân đối để đầu tư trái phiếu tại các kỳ hạn dài. Tổng giám đốc một NHTMCP chia sẻ, huy động vốn và cung tiền M2 hiện nay đang tăng trưởng nhanh hơn tín dụng, trong khi đó NHNN yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng nên đầu ra của NHTM cũng hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nguồn lực này chủ yếu hướng vào kênh đầu tư TPCP.

TPCP là công cụ giúp Chính phủ huy động ngoài xã hội, NHTM chỉ là một loại chủ thể đầu tư trên thị trường TPCP khi dư thừa vốn. Tuy nhiên, NHTM lại là nhà đầu tư chủ đạo như đang diễn ra trên thị trường trái phiếu Việt Nam. Dù các NHTM kinh doanh và tìm cơ hội đầu tư cho mình, TPCP cũng là một kênh đầu tư, tuy nhiên đặt quá nhiều tiền vào TPCP sẽ không mang lại tăng trưởng cho nền kinh tế. Nhưng NHTM không thể làm khác hơn trong điều kiện thanh khoản dư thừa do NHNN đã nới lỏng cung tiền và tăng trưởng tín dụng khó khăn, buộc mua TPCP để tiêu bớt tiền thừa. Tại Thông tư 06/2016 thay thế Thông tư 36, NHNN đã điều chỉnh tăng tăng tỷ lệ mua, đầu tư TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh NH nước ngoài từ 15% lên 35%, NHTM nhà nước từ 15% lên 25%, các TCTD khác ở mức 35%, nên TPCP vẫn có lợi hơn trong khi cạnh tranh thu hút vốn vì thanh khoản cao, sinh lời tốt và không có rủi ro.

Ảnh minh họa.

Chỉ đa dạng nhà đầu tư

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trước đây NHTM mua khoảng 80% lượng TPCP phát hành, hiện nay đã giảm về mức 60% nhờ sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (DNBHNT). Trong đó, tính từ đầu năm đến giữa tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 21.200 tỷ đồng trên thị trường TPCP. Đồng thời, theo số liệu của cơ quan quản lý bảo hiểm, 8 tháng năm 2016, các DNBHNT đã đấu thầu thành công 521 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 20 năm và 10.198 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 30 năm.

Năm 2011, tỷ lệ tham gia mua TPCP của khối DNBHNT chỉ đạt khoảng 1,18%, năm 2015 đạt 8,42%, nhưng năm 2016 đã đạt gần 20% là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, có thể nhận thấy khối lượng TPCP được các nhà đầu tư nước ngoài mua chiếm chưa đến 5% tổng lượng TPCP phát hành. Song song đó, lượng TPCP được các DNBHNT mua cũng còn khá khiêm tốn so với tổng khối lượng 250.320 tỷ đồng TPCP đã đấu thầu thành công trong 9 tháng qua, cũng như so với khối lượng TPCP kỳ hạn 10 năm và 30 năm đã phát hành.

Tại Quyết định 261 phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến 2020 do Bộ Tài chính ban hành năm 2013 có đưa ra giải pháp phát triển và đa dạng hóa hệ thống nhà đầu tư trái phiếu. Tính đến thời điểm này, so với các nước, thị trường TPCP Việt Nam đang thiếu vắng các nhà đầu tư truyền thống như quỹ hưu trí, hệ thống nhà đầu tư lớn. Đồng thời, số lượng quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn còn khá ít. Sở dĩ các nhóm khách hàng này chưa đầu tư mạnh vào TPCP vì hiện vẫn chưa có công cụ phòng chống rủi ro về lãi suất và tỷ giá cho các nhà đầu tư trái phiếu. Hiện nay, môi trường lãi suất khá thấp trong khi gần đây thị trường thế giới liên tục có những biến động mạnh nên nhà đầu tư e ngại nếu lãi suất tăng và tỷ giá biến động có thể sẽ tạo ra khá nhiều rủi ro cho thị trường.

Theo góp ý của các chuyên gia kinh tế, muốn nhà đầu tư thay đổi quyết định tham gia vào thị trường cần phải đa dạng hóa hệ thống sản phẩm và nâng cao tính minh bạch, công khai, đồng thời xây dựng công cụ phòng chống rủi ro về lãi suất và tỷ giá. Có ý kiến cho rằng một trong những lý do chính khiến các nhà đầu tư ngoài NHTM không quan tâm TPCP do rủi ro lạm phát. Ở các nước phát triển và kể cả ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ đang phát hành loại TPCP bảo vệ nhà đầu tư khỏi rủi ro lạm phát để nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm đầu tư TPCP, nên Việt Nam có thể tham khảo để đa dạng hóa nhà đầu tư.

TS. Trần Du Lịch cho rằng trong điều kiện hiện tại, khai thác tối đa nguồn vốn từ các quỹ bảo hiểm là hướng đi đúng và cần tăng cường huy động nguồn lực này, vì các định chế bảo hiểm mới cung cấp vốn trung và dài hạn bền vững cho thị trường.

ĐỖ LINH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161012/don-dieu-nha-dau-tu-ap-luc-tra-no.aspx