TP. Hồ Chí Minh: Giảm ùn tắc giao thông bằng giải pháp “hầm - cầu”

Bằng việc đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là cầu vượt và đường hầm vượt sông, hiện trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từng kéo dài suốt nhiều năm, đến nay đã cải thiện được từ 25 – 30% "điểm đen”.

Năm 2012, TP.HCM đã đầu tư gần 17.800 tỷ đồng

vào hạ tầng giao thông để giảm ùn tắc giao thông

Ảnh: HỒNG PHÚC

Đầu tư mạnh vào "Hầm – cầu”

Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường- cảng TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2012 TP. Hồ Chí Minh đã cải thiện đáng kể hiện trạng ùn tắc giao thông nhờ việc đưa vào hoạt động nhiều cầu vượt trên cao và đường hầm vượt sông Sài Gòn. Theo ông Trường, trong năm 2013 và các năm tiếp theo, thành phố sẽ triển khai thêm 11 chiếc cầu vượt trên cao tại các nút giao thông có mật độ cao trên địa bàn.

Trong số 11 cầu vượt thép tại các giao lộ, Hội Cầu đường- cảng TP. Hồ Chí Minh cho biết, sẽ được triển khai sau khi hoàn thành hai cầu vượt tại Ngã tư Thủ Đức và vòng xoay Hàng Xanh. Tiếp đó, thành phố sẽ tiếp tục xây hai cầu khác tại vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình) và Bùng binh Cây Gõ (quận 6). Các cầu còn lại dự kiến được xây dựng trong hai năm 2013 -2014. Riêng hai cầu thép chuẩn bị xây dựng, TP. Hồ Chí Minh đã chi tổng nguồn vốn gần 500 tỷ đồng để giảm ùn tắc trên hai trục đường xa lộ Hà Nội (đoạn qua quận Thủ Đức) và nút giao thông Hàng Xanh – Điện Biên Phủ (tuyến lưu thông ra bến xe Miền Đông và tuyến huyết mạch Bắc – Nam).

Đối với tuyến giao thông huyết mạch từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh Tây Nam bộ, ngày 20-1, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức thông xe cầu vượt hiện đại bằng thép tại nút giao QL1 - Tỉnh lộ 10. Cầu vượt có chiều dài 802,2m mặt cắt ngang 6 làn xe được xây dựng bằng bê tông cốt thép có tuổi thọ 100 năm. Trong những năm qua, nút giao giữa QL1 với Tỉnh lộ 10 là điểm ùn tắc giao thông thường xuyên tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là dự án lớn, thể hiện quyết tâm cao của chính quyền thành phố trong kết nối giao thông với vùng kinh tế Tây Nam bộ, mà tổng nguồn vốn đầu tư lên tới trên 700 tỷ đồng. Ngoài công trình này, năm qua thành phố cũng đã hoàn thành và khởi công mới nhiều công trình giao thông quan trọng như: cầu Rạch Chiếc, cầu Phú Long, nút giao Gò Dưa, Giai đoạn 2 đường Liên tỉnh lộ 25B, đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; …

Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ quan tâm tới đô thị lớn nhất nước, với hai hướng giải pháp giảm ùn tắc giao thông là "cầu vượt” và "đường hầm”. Mới đây, các tập đoàn hàng đầu của Pháp và Đức đã gợi ý 2 giải pháp chống ùn tắc cho nút giao thông đô thị cho TP. Hồ Chí Minh, gồm: tập trung vào hạ tầng ngầm và hạ tầng trên cao, tức cầu vượt.

Theo Sở GT-VT TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2013 thành phố sẽ tiếp tục tổ chức xem xét thêm năng lực của các nhà đầu tư nước ngoài về hạ tầng giao thông, để mời tham gia vào chiến lược phát triển giao thông của thành phố đến năm 2012.

Giảm rõ rệt ùn tắc giao thông

Theo báo cáo của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, riêng năm 2012 thành phố đã đầu tư cho ngành giao thông lên tới hơn gần 17.800 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn giao cho Sở GT-VT thành phố là gần 7.150 tỷ đồng. Nhờ đầu tư có trọng điểm vào hạ tầng giao thông, năm 2012 hiện trạng kẹt xe trên địa bàn thành phố đã giảm trên cả 2 tiêu chí: mức độ và thời gian kẹt xe, qua đó đã giảm đáng kể các tai nạn giao thông đường bộ. Ước tính, so với cùng kỳ 2011, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố đã giảm 10,73% về số vụ, đồng thời giảm mạnh số người chết và bị thương. Đặc biệt, thống kê của ngành giao thông TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra các báo cáo khả quan về công tác kéo giảm ùn tắc giao thông, với thực tế chỉ để xảy ra 9 vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút, giảm 22 vụ so với cùng kỳ 2011 (giảm 70,96%), vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Những con số ấn tượng nêu trên cho thấy những nỗ lực rất lớn của ngành giao thông đô thị thành phố, trong đó có công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tuy nhiên, cũng theo Sở GT-VT TP. Hồ Chí Minh, nhiều điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn cho đến nay chưa có giải pháp tháo gỡ. Tại các nút giao thông trong khu vực nội thành, do đô thị hóa cao, khả năng mở rộng rất khó, do đó thường xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm. Ngay cả tuyến Đại lộ Nguyễn Văn Linh có 10 làn xe nhưng vẫn xảy ra ùn tắc vì trên đoạn đường này có đến hàng chục ngã tư có lưu lượng tham gia giao thông rất đông, nhưng chỉ được phân làn bằng tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ. Ngoài ra, tại đường vành đai phía đông với lưu lượng khoảng 40.000 lượt xe/ngày cũng sẽ gây áp lực cho các tuyến giao thông kết nối khi chính thức hoàn thành.

Năm 2013 ngành giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đặc thù, trong đó tiếp tục đẩy mạnh đầu tư về hạ tầng cầu vượt và đường hầm (đặc biệt là hệ thống cầu vượt) để giảm ùn tắc giao thông. Riêng Sở GT-VT thành phố đã đề xuất các cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông, trong đó chú trọng đến chất lượng, uy tín nhà đầu tư, tư vấn, nhà thầu... để lựa chọn các đơn vị đủ năng lực.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=60351&menu=1372&style=1