TP. Hồ Chí Minh: Đau đầu với 7.000 tấn rác thải mỗi ngày!

Là đô thị phát triển nhanh, quy mô dân số xấp xỉ 9 triệu người (bao gồm cả dân nhập cư, vãng lai), TP. Hồ Chí Minh đang hàng ngày, hàng giờ "gánh” nhiệm vụ xử lý trên dưới 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những bất cập từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý rác vẫn là vấn đề đau đầu của thành phố suốt nhiều năm qua chưa được tháo gỡ.

Là đô thị phát triển nhanh, quy mô dân số xấp xỉ 9 triệu người (bao gồm cả dân nhập cư, vãng lai), TP. Hồ Chí Minh đang hàng ngày, hàng giờ "gánh” nhiệm vụ xử lý trên dưới 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những bất cập từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý rác vẫn là vấn đề đau đầu của thành phố suốt nhiều năm qua chưa được tháo gỡ.

Sự tham gia của các nghiệp đoàn dân lập được kỳ vọng

sẽ giải bớt gánh nặng thu gom, xử lý rác thải tại TP.Hồ Chí Minh

Ảnh: HỒNG PHÚC

Từ thu gom... đến xử lý

TP. Hồ Chí Minh hiện là một trong những đô thị có mức độ phát sinh chất thải rắn đô thị cao nhất cả nước, gồm các loại rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, rác thải công nghiệp, rác thải xây dựng,...Thống kê mỗi ngày đô thị này đổ ra khoảng trên dưới 6.000 tấn rác thải sinh hoạt, 500 - 700 tấn chất thải rắn công nghiệp, 150 - 200 tấn chất thải nguy hại, 9 - 12 tấn chất thải rắn y tế. Đáng lưu ý, nguồn chất thải rắn sinh hoạt chiếm tỷ trọng cao nhất, lại chủ yếu phát sinh từ các nguồn thải từ hộ gia đình, trường học, chợ búa và khu dân cư. Thực trạng nêu trên đặt ra nhiều vấn đề đối với TP. Hồ Chí Minh trong công tác thu gom, xử lý.

Theo Sở Tài nguyên Môi trường TP. Hồ Chí Minh, hiện khâu trung chuyển là một trong những khâu khó khăn nhất trong hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt của thành phố. Cụ thể, toàn thành phố có trên 240 điểm hẹn thu gom rác, nhưng có tới trên dưới 70% số điểm hẹn lấy rác không giữ vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, nếu không có các khâu trung chuyển này, các chi phí phát sinh trong công tác thu gom rác thải cũng sẽ không nhỏ, vì vậy thời gian qua TP. Hồ Chí Minh vẫn phải duy trì các điểm hẹn thu gom rác nêu trên. Theo một chiến lược "dài hơi” của thành phố, Quy hoạch tổng thể hệ thống quản lý chất thải TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đang được thiết lập và là một trong 6 chương trình đột phá đã được xác định trong Nghị quyết Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2011-2015. Trong đó, một trong những giải pháp được thành phố quan tâm khắc phục là lực lượng thu gom rác dân lập sẽ thực hiện nhiệm vụ thu gom rác ngay tại nguồn thải, đồng thời giúp giải quyết việc cho hàng ngàn lao động.

Ngoài những khó khăn về khâu thu gom, thực trạng thiếu đất chôn lấp rác thải cũng là một vấn đề "đau đầu” đối với TP. Hồ Chí Minh. Càng đáng lưu tâm khi trong số trên dưới 7000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày của thành phố có tới 250 – 350 tấn chất thải nguy hại. Tuy nhiên, năng lực xử lý rác thải nguy hại cũng chỉ đáp ứng được một phần không đáng kể, hầu hết vẫn phải thực hiện biện pháp chôn lấp. Hiện, Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước tại TP. Hồ Chí Minh chỉ nhận xử lý khoảng 3.000 tấn/ ngày. Trong khi áp lực xử lý rác thải ngày càng nặng hơn khi tốc độ đô thị hóa tại thành phố ngày càng lớn dần. Vấn đề thiếu đất chôn lấp còn bị vướng bởi các quy định như khu xử lý chất thải nguy hại không được gần các khu dân cư và cả các khu công nghiệp và khu chế xuất,....Các bất cập này khiến bài toán chôn lấp chất thải rắn của thành phố hiện vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào các Khu xử lý hiện đang hoạt động.

Cần khuyến khích các nghiệp đoàn dân lập tham gia

Thạc sĩ Hoàng Thị Kim Chi, Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh chỉ ra một số bất cập mà các ban, ngành chức năng còn "lấn cấn” trong tìm biện pháp xử lý. Theo Thạc sĩ Chi, hiện các Công ty dịch vụ công ích tại TP. Hồ Chí Minh là các đơn vị chuyên ngành, có chức năng thu gom rác trên các địa bàn quản lý, tuy nhiên mức độ tham gia thu gom rác thải sinh hoạt của các công ty này còn hết sức hạn chế. Trong khi đó, số lượng Hợp tác xã thu gom rác tại thành phố cũng đã được hình thành, tuy nhiên còn rất ít, qui mô hoạt động nhỏ, khả năng tiếp cận để đổi mới công nghệ và thực hiện chế độ chính sách cho người lao động rất hạn chế. Việc giao thêm cho các nghiệp đoàn Rác dân lập được cho là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khối các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực này, tuy nhiên cũng chưa được chú trọng...

Thời gian qua TP. Hồ Chí Minh đã thí điểm một số biện pháp tổ chức quản lý rác dân lập. Các giải pháp đã bước đầu đem lại một số hiệu quả nhất định, tuy nhiên các hình thức này vẫn chưa nhiều. Vừa qua, để hỗ trợ quá trình xã hội hóa dịch vụ vụ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, Tổ chức Hành động Vì môi trường và sự phát triển (Enda Việt Nam) và Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh đã ký thỏa thuận hỗ trợ gần 1 tỷ đồng chi phí hỗ trợ về khám sức khỏe, trang bị bảo hộ lao động và tuyên tuyền nhằm triển khai giai đoạn 1 Dự án "Hỗ trợ người thu gom rác dân lập tại TP. Hồ Chí Minh”. Dự án được thực hiện tại 7/24 quận huyện trên địa bàn thành phố bước đầu tạo ra hi vọng chia sẻ gánh nặng xử lý rác cho đô thị lớn nhất nước.

LÊ ANH

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=39572&menu=1504&style=1