TP Hồ Chí Minh cần cơ chế đặc thù để phát triển

Sáng 7/10, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng kết hợp cùng UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh”. Tại hội thảo, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng… cho thành phố áp dụng cơ chế đặc thù để tạo vốn, thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng...

Phát biểu tại buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đánh giá, TP Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu lớn trong phát triển đô thị, đời sống người dân được cải thiện đáng kể...Tuy vậy, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, TP Hồ Chí Minh cũng đang phải đối mặt với việc phát triển đô thị không theo kịp phát triển dân số, vấn đề ô nhiễm lấn chiếm kênh rạch, biến đổi khí hậu... Do đó, việc chỉnh trang đô thị của TP Hồ Chí Minh cần được nhìn nhận trong tư duy mới, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành của thành phố với các địa phương lân cận; có lộ trình phát triển rõ ràng để được phát triển đồng bộ nhất.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong những năm qua việc phát triển đô thị của thành phố có nhiều hướng tích cực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung nhiều nguồn vốn để phát triển di dời nhà ở ven kênh rạch, nhiều chung cư cũ được xây dựng lại và phát triển khu đô thị mới, nhà ở xã hội... TP Hồ Chí Minh phấn đấu tới năm 2020 sẽ di dời và tạo cuộc sống mới cho 20.000 người dân đang sống trên và ven kênh rạch, cải tạo trên 50% các chung cư cũ xuống cấp, hư hỏng.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương cho phép thành phố được áp dụng cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt là cơ chế tài chính để kêu gọi những nguồn lực khác nhau cho đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị, đặc biệt là cơ chế tài chính để phát triển đô thị.

Chỉ riêng ngành giao thông, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, trong các giai đoạn phát triển của thành phố, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông từ ngân sách thành phố chiếm khoảng 30-35% dự toán chi hàng năm. Trong giai đoạn 2016 – 2020, nhu cầu vốn cho các dự án trọng tâm của chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông là khoảng 315.000 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách thành phố 38.000 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 80.000 tỷ đồng, vốn ODA 72.000 tỷ đồng và cần đầu tư kêu gọi khoảng 125.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị, nhiều giải pháp được các chuyên gia đưa ra để giúp TP Hồ Chí Minh thực hiện tốt chỉnh trang đô thị.Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng các công trình hạ tầng kỹ thuật của thành phố vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội: giao thông chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra, môi trường bị ô nhiễm… Theo ông Lưu Đức Hải, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở các khu đô thị mới đã được bài bản hơn, đồng bộ và tuân thủ các tiêu chuẩn quy định. Bất cập lớn nhất ở đây là sự thiếu đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong khu đô thị mới và bên ngoài. Chính vì vậy, thành phố cần triển khai lập Chương trình phát triển đô thị góp phần làm cơ sở, căn cứ giúp đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Theo ông Cường, giao thông thành phố yếu kém không chỉ do sự tụt hậu của hạ tầng giao thông mà ngành này còn phải đối diện với nhiều vấn đề như tăng dân số cơ học, tăng phương tiện cá nhân, nhiều dự án cao tầng ở những vị trí giao thông trọng yếu… khiến giao thông quá tải. Theo ông Cường, khi phê duyệt các dự án bất động sản cần đánh giá tác động giao thông khu vực dự án và phương án đấu nối giao thông để hạn chế ảnh hưởng giao thông khu vực khi dự án đi vào hoạt động.

Theo KTS Khương Văn Mười, xu thế hiện nay các thành phố hướng tới đô thị phát triển bền vững, đô thị thông minh ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào quản lý, đô thị xanh thân thiện với môi trường sinh thái. Căn cứ vào các công tác đầu tư xây dựng, cải tạo khu ổ chuột, hình thành các đô thị mới… có thể nói TP Hồ Chí Minh đang hướng đến các tiêu chí này, vấn đề là tổ chức thực hiện chặt chẽ.

Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, TP Hồ Chí Minh đang quá thiếu hụt các mảng xanh, công trình xanh. Trong khi đó, công trình xanh – kiến trúc xanh là một trong những giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí thải nhà kính giải quyết đáng kể các vấn đề liên quan đến môi trường sống của người dân. Theo bà Mẫu, công trình xanh khi vận hành đóng góp không nhỏ đối với quá trình phát triển đô thị như: giảm thiểu tác động xã hội, tạo lập môi trường sống bền vững, thay đổi và chỉnh trang hạ tầng kiến trúc… Tuy vậy, thách thức của việc phát triển công trình xanh đối với chủ đầu tư dự án là chi phí đầu tư ban đầu cao; thời gian đầu tư và các thủ tục pháp lý phức tạp hơn các dự án thông thường; cơ chế chính sách hiện chưa khuyến khích chủ đầu tư phát triển công trình xanh… Vì vậy, theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, thành phố cần ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư công trình xanh về thủ tục hành chính; đơn giá thiết kế và xây dựng xanh… để các chủ đầu tư thêm điều kiện đầu tư công trình xanh, góp phần bảo vệ môi trường sống của TP Hồ Chí Minh.

Hội nghị diễn ra cả ngày 7/10. Theo Ban Tổ chức, những ý kiến góp ý phát triển chỉnh trang đô thị sẽ được thu thập lại để thành phố lựa chọn thực hiện chỉnh trang đô thị theo mục tiêu phát triển thành phố từ nay đến năm 2020.

Đặng Loan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Quy-hoach/851028/tp-ho-chi-minh-can-co-che-dac-thu-de-phat-trien