TP.Hồ Chí Minh: Ám ảnh kẹt xe khu trung tâm

Trong những ngày qua, nhiều tuyến đường khu trung tâm (quận 1, quận 3) TP.Hồ Chí Minh xảy ra kẹt xe dây chuyền, diễn ra cả ngày và liên hoàn. Kẹt xe khu trung tâm Sài Gòn đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Trong khi đó, các chuyên gia giao thông cho rằng, cách giải quyết việc kẹt xe hiện nay của TPHCM chưa hợp lý, kẹt xe phải giải quyết ở những điểm trọng yếu như khu trung tâm, trục đường xuyên tâm thì thành phố lại bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng làm các tuyến đường vành đai.

Ôtô và xe máy xếp hàng dài, nhích từng chút một trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: MINH QUÂN

Đi 1km hết 45 phút

Trưa ngày 25.11, nhiều tuyến đường khu trung tâm thành phố (Pasteur, Lý Tự Trọng, Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng, Lê Duẩn, Lê Lai, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Du…) xảy ra cảnh ùn ứ nghiêm trọng. Đến chiều cùng ngày, tình trạng kẹt xe không những không giảm mà ngày càng nghiêm trọng hơn, kẹt xe kéo dài tới tối. Nghiêm trọng nhất là đường Tôn Đức Thắng (quận 1) trong tình trạng chật kín xe cộ. Ôtô chen chúc nhau nhích từng mét. Một số người ngồi trên xe ôtô phải xuống xe đi bộ vì đường Tôn Đức Thắng lúc này trông như “một bãi đậu xe khổng lồ”. Ngay cả đường Lê Duẩn xưa nay hiếm khi xảy ra kẹt xe thì chiều ngày 25.11 cũng kẹt không thua gì các tuyến đường khác. Một chiếc xe cứu thương chạy vào đường Lê Duẩn bị mắc kẹt giữa dòng xe cộ chật kín.

“Tôi chạy xe ôtô trên đường Tôn Đức Thắng đoạn bến Bạch Đằng đến Đinh Tiên Hoàng mất tới 45 phút dù quãng đường chỉ hơn 1km. Các tuyến đường khu trung tâm ngày nào cũng kẹt nhưng kinh khủng như hôm nay thì đây là lần đầu. Có thể do ngày Black Friday (còn gọi là ngày thứ 6 đen) nên mọi người đổ dồn vào trung tâm TP mua hàng giảm giá, khiến tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng hơn” - anh Phan Văn Anh (quận Thủ Đức) cho biết.

Trưa ngày 27.11, dù là ngày cuối tuần nhưng nhiều tuyến đường như Pasteur, Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ (quận 3) vẫn kẹt xe kinh khủng. Ông Nguyễn Văn Dũng, làm việc tại quận 3, bức xúc: “Không hiểu tại sao mà cuối tuần cũng kẹt xe khắp nơi. Từ cơ quan tôi ở đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) về đến nhà ở quận Bình Thạnh mà đi mất cả tiếng đồng hồ. Cả tuần ngày nào cũng mệt mỏi vì kẹt xe”.

Trong khi đó, để phục vụ thi công dự án metro Bến Thành - Suối Tiên nên một số tuyến đường khu trung tâm bị rào chắn khiến diện tích mặt đường thu hẹp. Cụ thể, đường Trần Hưng Đạo, đoạn gần Nguyễn Thái Học (Q.1) bị chiếm dụng hơn 1/2 mặt đường để rào chắn di dời hệ thống cấp nước trong phạm vi xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Trên đường Lê Lợi, đường Pasteur đoạn trung tâm quận 1 bị các rào chắn chiếm dụng mặt đường để phục vụ công trình ngầm metro số 1 khiến ôtô, xe máy lưu thông từ các hướng dồn về đây bị tắc nghẽn nặng bất kể giờ giấc.

Theo trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TPHCM, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2016, thống kê số lượng ôtô dưới 9 chỗ đăng ký trên địa bàn là khoảng 60.000 chiếc (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2015), trong đó có phần của phương tiện tham gia kinh doanh theo loại hình vận tải taxi Uber, Grab.

Cần làm lại quy hoạch giao thông

Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, cho rằng, kẹt xe khu trung tâm gia tăng do mặt đường nhiều tuyến đường bị chiếm dụng để thi công các dự án hạ tầng kỹ thuật, nhất là vào dịp cuối năm phải tập trung thi công. Ngoài ra, lượng xe gia tăng quá cao, kể cả ôtô và xe gắn máy trong khi diện tích mặt đường không tăng, hạ tầng không đáp ứng kịp là nguyên nhân tất yếu đẩy giao thông TPHCM rơi vào tình trạng “đông đặc”. Một nguyên nhân khác, theo ông Tường là tình trạng đậu ôtô dưới lòng đường, mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhất là vào dịp cuối năm cũng góp phần đẩy nạn ùn tắc lên đỉnh điểm.

TS - chuyên gia giao thông Phạm Sanh nói rằng, TPHCM vẫn loay hoay với kẹt xe là do Sở GTVT TP không hình dung ra được vì sao kẹt xe và kẹt như thế nào, không biết tính toán làm gì trước làm gì sau. TS Phạm Sanh dẫn chứng: “Bây giờ TPHCM đang thiếu tiền, kẹt xe phải giải quyết ở những điểm trọng yếu như khu vực trung tâm, trục đường xuyên tâm thì TP lại bỏ ra cả nghìn tỉ đồng làm đường Kinh Dương Vương, hay hơn 2.500 tỉ đồng làm thêm 2,7km của đường vành đai 2 nối đường Phạm Văn Đồng với nút giao Gò Dưa - quốc lộ 1. Cách làm này không có ý nghĩa và tác dụng chống kẹt xe. TPHCM đang bỏ tiền bừa bãi, lãng phí mà tham mưu là Sở GTVT TP”.

TS Phạm Sanh cho rằng, sẽ giải quyết được 10 - 15% tình trạng kẹt xe trước mắt nếu như TP tổ chức lại giao thông, giải quyết lấn chiếm lòng lề đường, hàng rong. Cùng với đó là tổ chức lại bãi đậu xe ôtô, có thể huy động bãi đất đậu xe tư nhân mà hiện nay đang đậu xe lén lút. Để giải quyết triệt để vấn nạn kẹt xe ở TPHCM, TS Phạm Sanh cho rằng, quy hoạch giao thông ở TPHCM đã lạc hậu nên phải làm quy hoạch mới.

Sở GTVT TPHCM cho biết, thời gian gần đây kẹt xe trên địa bàn TP diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong đó có nguyên nhân do Bộ GTVT cho phép xe tải chở hàng dưới 1.500kg (1,5 tấn) lưu thông như ôtô con ra vào trung tâm TP cả giờ cao điểm. Việc này đã khiến giao thông TP trở nên quá tải, phương tiện đi lại với tần suất dày đặc, ảnh hưởng nghiêm trọng việc đi lại và gây xáo trộn tình hình giao thông trên địa bàn TP.

MINH QUÂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/tpho-chi-minh-am-anh-ket-xe-khu-trung-tam-615031.bld