TP.HCM xây nhà "đồng phục": Đừng quá cực đoan

"Chúng ta đừng có cực đoan, hãy để cho cuộc sống phong phú, không hỗn loạn nhưng cũng không đơn điệu".

Cái đẹp của sự thống nhất, sự bình đẳng

Trong thời gian vừa qua, những khu phố được xem là kiểu mẫu ở Sài Gòn như Cao Lỗ, Tạ Quang Bửu (Q.8), Nguyễn Thị Thập (Q.7), Lê Văn Lương (H.Nhà Bè) đều được các nhà đầu tư xây hàng loạt căn nhà liền vách theo một kiểu kiến trúc nhất định, cùng độ cao, kích thước tạo thành dãy nhà phố có hình dáng y hệt.

Trước sự việc trên, dưới góc độ là một chuyên gia về kiến trúc đô thị, trao đổi với Đất Việt, ngày 28/7, KTS Đặng Văn Tất cho biết: "Vấn đề này thuộc về giá trị thẩm mỹ, giá trị không gian đô thị, giá trị kiến trúc tổng thể của một khu phố, chứ không nói riêng từng ngôi nhà như thế nào.

Khi nhìn nhận vấn đề vẻ đẹp đô thị thì trách nhiệm là của nhiều bên: thứ nhất là các nhà quản lý; thứ hai là các nhà kiến trúc; thứ ba là người sử dụng và chăm sóc từng ngôi nhà đó.

Khi nói về vấn đề hay hay dở của chuyện này, chúng ta không nên cực đoan, không phiến diện trong việc đánh giá. Bởi vì, nếu nói một cách cực đoan phải thế này, thế kia, chắc chắn sẽ không còn đất sáng tạo cho các KTS.

Nhưng mà nói ở góc độ nào đó, không phải KTS muốn làm gì thì làm, vì đô thị luôn có những quy định về quản lý đô thị cụ thể, cũng nhằm mục đích tạo ra giá trị tốt nhất cho một khu phố, đầu tiên là bộ máy của khu phố đó, đó là vấn đề chung nhất của câu chuyện này".

Bên cạnh đó, theo ông Tất, sự "đồng phục" cũng có cái đẹp như học sinh mặc đồng phục, quân đội mặc đồng phục thì cái đẹp đó là cái đẹp của một khối thống nhất, cái đẹp của sức mạnh, của sự đồng nhất, của sự bình đẳng.

Những khu phố đồng phục thú vị ở Sài Gòn với dãy nhà giống hệt nhau

Đừng cực đoan

Bên cạnh đó, vị KTS cũng chỉ ra, hãy tưởng tượng đi ra một quảng trường mà mọi người đều mặc đồng phục hết thì điều đó lại không phù hợp.

Hay như những quy định về cao độ, độ lùi, bề ngang, theo ông Tất, cũng không thể quá cực đoan.

Trên một tuyến phố, người ta luôn bố trí những dải cây xanh, những độ lùi, những quy định cứ bao nhiêu chiều dài thì lại có khoảng cách, có độ hồi phục. Nhưng không phải phố nào cũng phải giống phố nào mà tùy theo công năng của từng đoạn phố, từ đó tạo ra sự thay đổi phong phú mà vẫn tạo được nhịp điệu tốt cho mặt phố.

"Nếu nói đơn giản để cho dễ quản lý cứ giống nhau hết như quân đội, thì điều đó là mình quá cực đoan", ông Tất nhận định.

Mặt khác, nói bề ngang là giống y như nhau cũng không cứng nhắc. Bởi có người muốn mua một lúc 2 căn phố, hoặc 3 căn phố và họ muốn kết hợp lại để mở cửa hiệu lớn, nếu nói về cái cân bằng với mặt tiền rộng gấp 3 lần mặt tiền bên cạnh, lý do gì họ phải làm cao bằng y nhà bên cạnh.

Sáng tạo kiến trúc là gì?

Theo vị KTS, trong các loại hình sáng tạo nghệ thuật, bao gồm kiến trúc, người ta không thể tự do một cách hỗn loạn hưng họ vẫn đi tìm một sự hài hòa, cân đối của nhiều cá thể khác nhau.

"Cho nên, đừng tranh luận chuyện này theo kiểu, nên giống nhau hết hay thôi cứ để tự do ai muốn làm gì thì làm, trăm hoa đua nở. Không phải như vậy. Hoạt động sáng tạo có giá trị nhất của người làm quy hoạch, kiến trúc là làm sao ẩn giấu quy luật để mà cân bằng diện mạo, đôi lúc có vẻ khác nhau, tôi cho rằng nó cân bằng được với nhau hết.

Cái khó nhất của người làm chuyên môn là đi tìm những quy luật, những cách nhất định khác nhau, trong trường hợp này, trường hợp kia, những nhà phố bề ngang giống nhau, nhưng vẫn cân bằng được với nhau, với một cao độ, một số chi tiết căn bản.

Những cái khác buông ra cho người ta thoải mái sáng tác, biến báo, nhưng dù có biến báo cách nào, nhìn tổng thể vẫn thấy có quy luật, trong mặt phố, đó mới là câu chuyện của người làm kiến trúc, quy hoạch", ông Tất phân tích.

Phân tích thêm, ông Tất cho rằng, nếu bỏ tiền đi du lịch đến một thành phố có khu phố được xem là đẹp đẽ, mà đi từ đầu đường đến cuối đường, 300 căn phố giống hệt như nhau, thì tôi cũng không bỏ tiền để đi đến đó.

''Hà Lan, màu sắc rất đặc sắc, nào là xanh - đỏ - tím - vàng, nhưng đặc trưng của nhà liền kề ở đây, hình ảnh chung, mặt phố mái nhà có hình tam giác, có đà nhỏ thò ra như cái tời kéo đồ từ dưới đường lên trên lầu cao. Đâu có phải bằng y như nhau, có khi cũng có nhà cao, nhà thấp; mỗi nhà có màu sắc khác nhau.

Cúng ta đừng có cực đoan, hãy để cho cuộc sống phong phú, "không hỗn loạn nhưng cũng không đơn điệu", ông Tất ví dụ.

Châu A

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-xay-nha-dong-phuc-dung-qua-cuc-doan-3315171/