TP.HCM xây 2 cầu bộ vượt sông Sài Gòn: Đừng hoang phí

Trong khi ngân sách hạn hẹp, các công trình phục vụ nhu cầu giao thông, xã hội còn thiếu, TP.HCM không nên xây dựng 2 cầu bộ vượt sông Sài Gòn.

Còn nhiều việc phải lo

Nhiều tờ báo dẫn lời ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP vừa giao Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Sài Gòn Tourist) phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn An Phát cùng các cơ quan liên quan hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án công viên cảng Bạch Đằng.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng đồng ý chủ trương xây dựng hai cầu đi bộ nối từ bán đảo Thủ Thiêm (quận 2) với bến cảng Bạch Đằng (quận 1) nhằm phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của du khách.

Khu vực Công viên cảng Bạch Đằng sẽ có cầu bộ hành vượt sông Sài Gòn. Ảnh: P.A

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông tại TP.HCM bày tỏ nhiều băn khoăn.

Ông Sanh cho biết, đã nắm được thông tin TP.HCM dự định xây dựng 2 cầu bộ hành vượt sông Sài Gòn trên báo chí. Tuy nhiên, vị chuyên gia khẳng định kế hoạch vẫn chưa rõ ràng, cụ thể.

“Trong quy hoạch chi tiết 1/500 có nhắc đến việc xây dựng 2 cầu đi bộ nối từ bán đảo Thủ Thiêm (quận 2) với bến cảng Bạch Đằng (quận 1). Khu vực này đang có rất nhiều quy hoạch nhưng không biết quy hoạch nào hoàn chỉnh, quy hoạch nào khả thi?

Thực ra đây là những quy hoạch mang tính chi tiết. Nó nặng về cảnh quan, kiến trúc, nặng về quy hoạch đô thị trong nhiều năm chứ không phải chỉ một hai năm. Do đó, theo tôi phải có những hội thảo hoặc ý kiến phản biện, hội nghị trình bày về ý tưởng. Trên thế giới người ta làm việc này rất cẩn thận và kỹ càng”, ông Sanh khẳng định.

Là một người gắn bó lâu dài với TP.HCM, TS Phạm Sanh cho rằng, thành phố không nên đồng ý chủ trương xây dựng 2 cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn vào thời điểm này.

Ông Sanh chỉ ra 3 lý do chính để lãnh đạo thành phố cân nhắc, có những lựa chọn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Thứ nhất, TP.HCM đang rơi vào tình trạng kẹt xe, tắc đường tại nhiều vị trí như: khu vực đi bộ Nguyễn Huệ, trục đường Bạch Đằng, khu vực trung tâm. Lãnh đạo TP đã lên kế hoạch xây dựng các công trình để giải quyết tình trạng này như các tuyến metro, dự án chống ngập, các tuyến đường vành đai xa xôi nhưng đến nay vẫn chưa rõ ràng và mang lại hiệu quả thật sự.

Do đó, thay vì xây dựng thêm 2 cầu bộ hành vượt sông Sài Gòn để phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn, ông Sanh đề nghị thành phố chú ý và đẩy nhanh tiến độ các công trình trên.

Thứ hai, nguồn vốn tại TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn, thiếu ngân sách, đang huy động sức dân thì không nên đưa ra ý tưởng xây dựng công trình lúc này là lãng phí, không phù hợp.

Thứ ba, trên thế giới không quốc gia nào làm cầu đi bộ để bắc qua sông lớn như TP.HCM để phục vụ mục đích thưởng ngoạn. Việc này theo ông Sanh không những phức tạp mà còn rất tốn kém về kinh phí, tài chính.

“Nền móng tại khu vực này không đơn giản, nhất là các giải pháp về cọc, về dầm nên thường tốn kém hơn xây dựng ở những nơi khác. Hơn nữa người dân không có nhu cầu quá lớn đi bộ qua sông sang phía bên kia rồi quay về. Tôi nghĩ nhu cầu không lớn lắm. Vậy tại sao chúng ta không làm kết hợp vừa làm cầu phục vụ nhu cầu đi bộ, vừa để xe cô, phương tiện đi lại?

Tuy nhiên việc này cũng cần phải đánh giá lại một cách thận trọng. Vì thực tế nhiều cây cầu của TP.HCM hiện nay cũng chưa phục vụ hết công suất”, ông Sanh nhấn mạnh.

TP.HCM lên kế hoạch xây 2 cầu bộ vượt sông Sài Gòn

Xây dựng quy hoạch cụ thể

Trước những vấn đề dư luận còn băn khoăn, TS Phạm Sanh cho rằng, TP.HCM nên có một nghiên cứu quy hoạch những cây cầu đi qua sông Sài Gòn. Kế hoạch này triển khai trong một thời gian dài chứ không phải một vài năm. Từ quy hoạch trên, các nhà khoa học sẽ đánh giá, đưa ra quyết định có nên xây dựng thêm các cầu bộ hành để nối từ bến cảng Bạch Đằng sang KĐT Thủ Thiêm hay không.

“Trước đây TP.HCM đã có nghiên cứu, có quy hoạch rồi. Nhưng nếu thấy bất cập thì lãnh đạo TP phải có bổ sung. Trường hợp quy hoạch trước đây làm chưa có minh bạch, chưa hỏi người dân thì theo tôi giờ chúng ta làm lại quy hoạch. TP.HCM cần bao nhiêu cầu qua sông Sài Gòn? Có cần làm lại cầu cũ không? Hình dáng, cảnh quan, kiến trúc như thế nào?

Hơn nữa, việc lãnh đạo thành phố giao cho công ty tư nhân nghiên cứu 2 cầu trên cũng chưa phù hợp. Tôi đồng ý với lo ngại của nhiều người về việc các giải pháp giao thông của TP.HCM chưa thấy, đi vào các dự án có vẻ mông lung quá”, ông Sanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng nhắc đến kinh phí xây dựng công trình này. Theo ông Sanh, hiện nay chúng ta có chủ trương xã hội hóa các công trình giao thông bằng hình thức BOT, BT. Tuy nhiên việc này TP.HCM cũng như các địa phương khác phải xem xét lại khái niệm cho rõ ràng.

“Giờ chúng ta không có tiền và doanh nghiệp xây dựng cầu thì không cho không. Đây thực chất là một dạng đổi đất lấy công trình. Chủ đầu tư sẽ tính đến cách này, cách nọ để thù hồi vốn.

Các hình thức BOT hay BT không thể gọi là xã hội hóa được mà thực chất là huy động nguồn vốn khác ngoài vốn nhà nước. Xã hội hóa, tức là doanh nghiệp làm chùa, làm trường học không lấy tiền, hoặc cho nhà nước mượn tiền nhưng không lấy lãi.

Họ đứng trên mục đích kinh doanh thì làm sao gọi là xã hội hóa được. Khi làm kiểu này thì mức dự toán, tổng mức đầu tư sẽ rất cao. Không biết khi nào nhà nước mưới trả tiền lại nên có hiện tượng doanh nghiệp tìm cách đẩy mức đầu tư lên”, ông Sanh cảnh báo.

Hà Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-xay-2-cau-bo-vuot-song-sai-gon-dung-hoang-phi-3335617/