TP.HCM thiếu tiền, kẹt cả trên trời lẫn dưới đất

Tiền chi tiêu không có, hạ tầng không tốt dưới mặt đất đường xá kẹt xe, ngập úng, trên trời máy bay quá tải....

Khó cả trên trời lẫn dưới đất

Cả Bí thư Thành ủy lẫn Chủ tịch HĐND thành phố HCM đều đồng lòng than vãn về tình hình tài chính ngân sách của thành phố hiện nay.

TP.HCM muốn xin cơ chế đặc thù để phát triển

Căn nguyên của vấn đề xuất phát từ việc TP.HCM bị giảm tỷ lệ ngân sách được giữ lại từ 23% xuống 17% giai đoạn 2017 - 2020. Trước đó, theo nghị quyết của Bộ chính trị, tỷ lệ điều tiết để lại cho TP HCM từ số thu nêu trên là 33% nhưng từ năm 2011 đến 2015 chỉ còn để lại 23%. Và bây giờ lại tiếp tục giảm thêm 5% nữa.

Việc này khiến cả ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM và Bí thư Thành ủy Tp.HM Đinh La Thăng đều cho rằng thành phố không biết xoay trở thế nào vì không còn chỗ nào để cắt giảm nữa.

Bà Tâm nói, thành phố chưa bao giờ bàn lùi trước những chỉ tiêu của trung ương, có những chỉ tiêu thu nội địa rất cao nhưng thành phố đều ngồi lại tìm phương án.

"Song không vì thế mà dồn mức độ quá khó cho TP.HCM", bà Tâm nói.

Nêu lên thực tế hạ tầng của TP.HCM hiện đang quá bức bối, với nguồn vốn yêu cầu phải đầu tư trên 500.000 tỉ đồng. Bà Tâm cho rằng, việc đầu tư này là không chỉ cho thành phố mà tác động đến vùng rất lớn. Khi trung ương cắt giảm ngân sách thì thành phố cũng không thể giảm chi thường xuyên vì thực tế thành phố đã giảm chi thường xuyên tối đa.

“Xe thì đa số là xe cũ, đồng chí này nghỉ hưu thì để lại cho đồng chí khác dùng, không có chuyện nhậm chức là mua xe mới” - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.

Vì thế theo bà Tâm, nếu ngân sách giảm thì chỉ còn cắt giảm việc chi đầu tư phát triển, đầu tư vô hạ tầng, mà điều này để lại hệ lụy rất lớn, tác động nhiều chiều của xã hội.

Nhắc lại Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố, Bí thư Đinh La Thăng cho biết, nghị quyết đã xác định xây dựng Tp.HCM thành trung tâm của cả nước, vì cả nước.

Thực tế, trong 5 năm qua, giai đoạn từ 2010-2015, Tp.HCM đã tăng trưởng gấp 1,66 lần cả nước. Tỷ lệ điều tiết cho thành phố là 23% đã là tỷ lệ thấp. Trong khi đó, trụ sở cơ quan làm việc của thành phố xuống cấp, xập xệ, đường xá tắc nghẽn, ngập úng, còn trên trời thì quá tải... TP.HCM đang kẹt cả trên trời lẫn dưới đất.

"Ngay cả phòng tôi ngồi cũng xây cơi nới hai bên. Chúng ta với trách nhiệm vì cả nước là như vậy", ông Thăng nói thêm.

Do đó, ông Thăng kiến nghị Thường vụ Thành ủy cũng bàn và báo cáo Bộ Chính trị và báo cáo Quốc hội là giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách 2%, còn 21%.

“Rõ ràng không có đầu tư trở lại thì khó lòng tăng trưởng được. Nghị quyết Đại hội Đảng giao thành phố tăng bình quân 8-8,5% trong 5 năm tới, năm nay dự kiến trên 8%. Nhưng để đạt được nhiệm vụ thì phải đầu tư trở lại cho phát triển”, Bí thư phân tích.

Ông Thăng cũng nhấn mạnh là hiện nay, thách thức của Tp.HCM rất lớn, “ùn tắc giao thông khủng khiếp, ngập cũng ghê gớm”. Với môi trường, rác thải chôn lấp là chủ yếu, và theo dự báo đến 2020 thì lên tới 5.500 tấn rác/ngày.

Về hạ tầng giao thông của thành phố, Bí thư TP.HCM đánh giá là so với nhiều địa phương khác thì cũng chưa tốt.

“Sân bay Tân Sân Nhất bây giờ, với tiến độ dự án sân bay Long Thành như hiện nay, thì dự báo đến 2020 là 200 triệu khách, năm nay dự kiến 32 triệu hành khách, cho nên quá tải cả trên trời cả dưới đất. Đi máy bay, bay giữa trời cả nửa tiếng, thậm chí một tiếng mới đáp được”, Bí thư nói tiếp.

Theo đó, ông Thăng cho rằng cần phải chăm lo cho đầu tàu đủ lực để chạy tốc độ chạy nhanh hơn. "Chứ đầu tàu chậm lại một chút, lấy lại gia tốc là rất khó”, ông Thăng nói.

Chờ đợi cơ chế đặc thù

Ngoài cơ chế phân bổ ngân sách, theo nhiều ĐBQH đoàn TP.HCM, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù rõ ràng cho thành phố có 10 triệu dân.

ĐB Phan Thanh Bình cho rằng nếu so với trong nước, TP.HCM đứng vị trị số một về phát triển kinh tế nhưng so với khu vực chưa là gì. Câu chuyện ở đây là cần xây dựng TP.HCM thành một đặc khu kinh tế phát triển ngang tầm khu vực với cơ chế trao quyền.

Cơ chế tài chính đặc thù cho TP.HCM:Nếu ông Thăng làm được...

Vấn đề trên cũng được Bí thư Đinh La Thăng nhiều lần nhắc tới. Từ giữa tháng 6/2016, khi làm việc với Ủy ban Tài chính ngân sách, ông Thăng đã nêu rõ thành phố là cần có cơ chế, tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tốt nhất, tạo cơ chế để làm ra tiền nhiều hơn.

Ông Thăng so sánh các đô thị như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến… của Trung Quốc từng được ban hành thể chế, chính sách và chỉ áp dụng cho riêng thành phố.

Các biện pháp rà soát phòng chống gian lận thuế sẽ được đẩy mạnh; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các huyện, quận, sở, ngành. Từ đó, công tác thu ngân sách sẽ tốt hơn...

“Khi được giải phóng toàn bộ năng lực con người, sản xuất thì TP HCM không thể tăng trưởng dừng ở một con số.

Cơ chế đặc thù của thành phố là bình thường so với các đô thị khác trên thế giới, chỉ là khác biệt hơn so với các địa phương khác”, ông Thăng nói, đồng thời nhấn mạnh: “Thành phố phải mặc cái áo vừa cho sự phát triển hiện nay. Mặc cái áo bí bách quá không phát triển được”.

Trước đó, trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội hồi cuối tháng 3, ông Đinh La Thăng cũng từng khẳng định điều mong muốn là xây dựng cho được một cơ chế đặc biệt để đưa TP HCM trở thành đô thị số một trong khu vực.

Ông Thăng cũng nhiều lần nhắc lại thông điệp này trong quá trình điều hành thời gian qua.

An An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/tphcm-thieu-tien-ket-ca-tren-troi-lan-duoi-dat-3321400/