TP.HCM phát huy hiệu quả mô hình bác sĩ gia đình

Nhằm giảm tải cho các bệnh viện, từ năm 2012, TP.HCM đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ), đến nay đã triển khai tại 20/23 bệnh viện quận- huyện. Bước đầu mô hình này đã phát huy hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Người dân khám bệnh tại Phòng khám BSGĐ quận Bình Thạnh.

Phát triển mạnh

GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM đã triển khai 224 Phòng khám BSGĐ, trong đó 20/23 bệnh viện quận-huyện đã thành lập phòng khám BSGĐ thuộc khoa Khám bệnh với cơ cấu từ 1 đến 4 bàn khám, do các bác sĩ đã được đào tạo chuyên môn về Y học gia đình phụ trách. Mô hình phòng khám BSGĐ tại các bệnh viện có khu vực riêng biệt, quy trình khép kín từ khám chữa bệnh, thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và thu phí điển hình như phòng khám BSGĐ tại Bệnh viện quận 10 hoặc lồng ghép trong khoa khám bệnh của bệnh viện (các bệnh viện khác), bao gồm các hình thức khám dịch vụ BHYT hoặc thu phí hoàn toàn.

Bên cạnh đó, hiện thành phố có 191/319 trạm Y tế phường - xã thành lập một phòng khám Bác sĩ gia đình với cơ cấu từ một bàn khám, do bác sĩ có chuyên môn về Y học gia đình phụ trách. Đa số các trạm Y tế phường xã thực hiện phòng khám BSGĐ theo mô hình khám chữa bệnh bác sĩ gia đình, đồng thời thực hiện các hoạt động y tế khác của trạm. Ngoài ra, toàn thành phố hiện có 6 phòng khám BSGĐ tư nhân và 7 phòng khám BSGĐ nằm trong phòng khám đa khoa tư nhân.

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM mới đây, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ khi thành lập đến nay, các phòng khám BSGĐ đã triển khai khám, điều trị cho 652.261 trường hợp, cấp cứu 922 trường hợp, thủ thuật 5.845 trường hợp, chuyển lên tuyến trên điều trị 3.851 trường hợp, đã lập hồ sơ quản lý sức khỏe một cách toàn diện, liên tục cho 81.765 bệnh nhân.

Cần nhiều cơ chế hỗ trợ

Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, hiện số lượng phòng khám BSGĐ trên địa bàn TP.HCM nhiều nhưng chất lượng chưa đạt theo yêu cầu, đa số phòng khám ở các Trung tâm y tế hoạt động cầm chừng, có ngày không có bệnh nhân do người dân chưa tin tưởng vào năng lực, cũng như chất lượng khám chữa bệnh tại các trạm y tế. Do đó, khi có bệnh, hầu hết bệnh nhân đều tự tìm đến bệnh viện điều trị, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên không được cải thiện.

Sự thiếu thốn về trang thiết bị dẫn tới trạm y tế chưa thực hiện nhiều kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng hoặc các xét nghiệm kiểm tra ban đầu. Mặc dù, tại các trạm y tế phường xã, phòng khám BSGĐ đều thực hiện việc khám bệnh và cấp phát thuốc cho người dân có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa "hấp dẫn" người dân. Theo bác sĩ Lâm Thị Ngọc Bích, Trưởng trạm y tế phường 10 (quận 10 TP.HCM), một trong những nguyên nhân khiến các phòng khám BSGĐ tại trạm y tế khó thu hút được bệnh nhân là do hiện vẫn còn nhiều người dân chưa biết trạm y tế có khám bệnh, không ít người còn tâm lý thích bệnh viện tuyến trên, tuyến chuyên sâu. Đặc biệt, dù bệnh viện tuyến trên quá tải, người bệnh đã ổn định, cần điều trị duy trì nhưng vẫn phải tái khám ở bệnh viện tuyến trên do danh mục thuốc tuyến phường xã còn hạn chế.

Theo các chuyên gia, việc phát triển mô hình BSGĐ thành công, giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên là nhờ ở tuyến cơ sở. Do đó, với TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, để phát triển mô hình BSGĐ tại trạm y tế, nhân lực chuyên trách phòng khám BSGĐ phải được đào tạo, có lịch khám cố định. Trạm y tế cần được tăng cường nhân sự để đảm bảo hoạt động khác của trạm y tế. Cơ quan bảo hiểm xã hội cần ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trực tiếp với trạm y tế để có giá dịch vụ phù hợp...

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có hơn 310 trạm y tế đã được đầu tư hoàn thiện. Hiện có đơn vị xin phép thí điểm đầu tư 6 trạm y tế trên địa bàn quận 3. Theo đó, ngoài những chức năng thông thường như phòng chống dịch bệnh, nhà đầu tư cũng đề xuất xây dựng mô hình trạm y tế trở thành những phòng khám đa khoa, tích hợp các dịch vụ khám chữa bệnh với chi phí thấp hơn so với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

Việc chuyển đổi, nâng cấp các trạm y tế xã phường thành phòng khám đa khoa được cho là sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng khám chữa bệnh ở các trạm y tế; giúp cải thiện thu nhập, tăng cường nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ bác sỹ, đồng thời phát huy tối đa cơ sở vật chất y tế, góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương. Theo đó, sắp tới mô hình này sẽ được triển khai thí điểm tại quận 3. Nếu kết quả thí điểm tốt, Sở Y tế TP.HCM sẽ tiếp tục kiến nghị UBND TP.HCM cho phép thực hiện nhân rộng mô hình trên khắp địa bàn thành phố.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tp-hcm-phat-huy-hieu-qua-mo-hinh-bac-si-gia-dinh.aspx