TP.HCM: Nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường “phớt lờ” di dời

Theo quyết định của UBND TP.HCM, đến hết ngày 31/12/2016 toàn bộ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong diện phải di dời ở khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 bắt buộc phải thực hiện công tác di dời. Tuy nhiên, rất nhiều cơ sở ở đây vẫn tiếp tục sản xuất và chưa có động tĩnh gì.

Đến thời gian này vẫn còn rất nhiều các cơ sở đang sản xuất tại KP4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12.

Ghi nhận thực tế tại khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 cho thấy, mặc dù chỉ còn hai tháng nữa là kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm ở đây có hiệu lực, song rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở ở đây chủ yếu là dệt nhuộm vẫn hoạt động bình thường, nguyên liệu củi vẫn bày đầy đường, khói xả và mùi hôi vẫn bay nồng nặc ra khu dân cư. Vào những ngày mưa, những con hẻm ở đây trở nên lầy lội, đầy ổ voi, ổ gà khó đi hơn bao giờ hết.

Trao đổi với chúng tôi, rất nhiều cơ sở sản xuất ở đây đều than phiền, vì không có vốn hay vốn ít nên họ rất ngại di dời về địa điểm mới. Theo các cơ sở, về chỗ mới tất cả chi phí đều tăng trong khi nguồn lực tài chính của họ lại vô cùng eo hẹp. Và để thực hiện nghiêm đúng kế hoạch chủ trương di dời của thành phố các cơ sở mong muốn thành phố hỗ trợ tốt hơn về vốn vay và vị trí mặt bằng để họ có thể đầu tư sản xuất.

Ông Trần Văn Út, chủ cơ sở hấp nhuộm vải Hưng Thịnh, cho biết để dời chỗ mới vào trong khu công nghiệp hoặc một vị trí mới thì chi phí cho việc xây dựng lại nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị sản xuất là rất lớn, trong khi quy mô của cơ sở ở đây đa phần là nhỏ bé, vốn ít. Đó là chưa kể đến việc phải xây dựng lại thị trường và tìm khách hàng mới.

Củi đốt phục vụ cho việc đốt lò vẫn được các cơ sở chất đầy đường đi.

Cùng cảnh ngộ này, ông Lê Công, chủ cơ sở dệt nhuộm Tiến Phát, cũng cho biết từ khi nhận được quyết định di dời của thành phố, cơ sở của chú cũng đã và đang tìm phương án giải quyết. Hiện cơ sở vẫn còn quá nhiều khó khăn. Bản thân là cơ sở tư nhân nhỏ bé, vốn ít nên việc di dời vào các khu công nghiệp là một thách thức lớn đối với cơ sở nên cơ sở cũng chưa có kế hoạch gì cho việc di dời.

Trên đây chỉ là một, hai cơ sở mà chúng tôi có dịp trao đổi và tiếp xúc, trên thực tế còn rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp ở đây nếu không muốn nói là 100% cơ sở vẫn “án binh bất động” trước yêu cầu của thành phố. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần các cơ sở ở đây chủ yếu là quy mô hộ gia đình, nhỏ bé đã tồn tại mấy chục năm ở đây bây giờ chuyển đi là cả một bài toán nan giải phải lo đó là đơn hàng, khách hàng mới, số lao động đã gắn bó với cơ sở... vì thế họ vẫn chưa chuẩn bị tâm lý để di dời. Hầu hết các cơ sở đều mong muốn thành phố có hỗ trợ một cách thiết thực và cụ thể hơn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đã khẳng định: Lần này thành phố sẽ cương quyết không du di, kéo dài thời gian di dời cho các doanh nghiệp, cơ sở ở đây. Nếu các doanh nghiệp cơ sở không chịu di dời đúng như kế hoạch đã ban hành thì thành phố sẽ mạnh tay thực hiện các biện pháp cưỡng chế như cắt điện, nước, đóng cửa các cơ sở.

Ông Sơn cho biết thêm: Ngoài hỗ trợ về địa điểm, các cơ sở còn được vay ưu đãi theo chương trình kích cầu của thành phố, vay từ Quỹ Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) với lãi suất chỉ từ 4,9%/năm. Ngoài ra, các cơ sở cũng tiếp tục nhận được những ưu đãi từ Quỹ Kích cầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang kiến nghị với UBND TP.HCM cho phép hỗ trợ 100% lãi suất vay chứ không phải 50% như trước đây đối với Quỹ Kích cầu.

Hà Văn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tphcm-nhieu-co-so-san-xuat-gay-o-nhiem-moi-truong-phot-lo-di-doi-d48407.html