TP.HCM mới mưa đã ngập

Mới vào mùa mưa nhưng nhiều nơi tại TP.HCM đã ngập nặng. Trong khi đó, dự án chống ngập 'khủng' do triều cường lại đang có nguy cơ trễ hẹn do vướng giải phóng mặt bằng.

Nước ngập sâu kéo dài trên đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh) sau trận mưa ngày 20.5 - Ảnh: Phạm Hữu

Nhiều nơi ngập cả mét

Dù thời điểm này Nam bộ chỉ mới chính thức vào đầu mùa mưa nhưng những trận mưa đầu mùa đã khiến người dân TP.HCM gặp khó vì ngập lụt.

Đặc biệt là ngày 19 và 20.5 vừa qua, nhiều tuyến đường TP ngập nặng, ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Các tuyến đường như Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt, xa lộ Hà Nội (Q.9), Lương Định Của, Nguyễn Duy Trinh (Q.2), Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh)... nước ngập hơn nửa bánh xe máy, nhiều phương tiện hư hỏng nặng phải dẫn bộ. Ngập nặng cũng xảy ra tại giao lộ Tô Ngọc Vân với đường sắt bắc - nam (Q.Thủ Đức) làm nhiều xe chết máy, giao thông tắc nghẽn.

VIDEO: Nhiều Tuyến đường ở TP.HCM đã phải chịu cảnh ngập nước trong những cơn mưa vừa qua

Đường Võ Văn Ngân đoạn từ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật đến vòng xoay chợ Thủ Đức nước ngập lênh láng như sông, nhiều vị trí ngập gần 1 m.

Tối 20.5, cơn mưa mù trời bắt đầu từ 16 - 18 giờ tiếp tục nhấn chìm nhiều con phố, tuyến đường. Tại khu vực Q.Bình Thạnh, đường Nguyễn Xí, Chu Văn An, Đinh Bộ Lĩnh bị ngập sâu. Đoạn đường Nguyễn Xí ngập nặng nhất, nước ngập gần 1 m. Nhiều người khi đến đây phải tấp xe vào lề không dám di chuyển.

Dự án chống ngập “khủng” nguy cơ trễ hẹn

Trong bối cảnh chưa vào mùa mưa đã ngập lụt nặng nề và lan ra nhiều khu vực như hiện nay, dự án "Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1" do Trung Nam Group làm chủ đầu tư dự kiến hoàn thành vào ngày 30.4.2018 đang được kỳ vọng sẽ trở thành “vị cứu tinh” cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Tuy nhiên, theo thông tin từ chủ đầu tư, dự án đang có nguy cơ “trễ hẹn” vì vấp phải nhiều khó khăn trong vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng. Cụ thể, trong buổi khảo sát thực địa dự án vào ngày 19.5, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group, thông tin sau 10 tháng triển khai thi công đồng loạt, hiện dự án đã đạt gần 37% khối lượng thi công, hơn 60% khối lượng xây lắp còn lại dễ thi công và tiến độ sắp tới sẽ nhanh hơn vì làm trên mặt nước.

Khó khăn lớn nhất là vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng thi công bờ kè dọc hai bờ cống do còn vướng 402 hộ dân và 16 doanh nghiệp, tổ chức, tại phía Q.7. Bao gồm cống Phú Xuân, cống Mương Chuối, cống Cây Khô, cống Phú Định, cống cầu Kinh, rạch Bà Bướm. Tiến độ công trình quá nhanh tạo áp lực lớn đến chính quyền địa phương trong việc giải phóng mặt bằng. Để khắc phục tạm thời, chủ đầu tư đang phải tự bỏ kinh phí thỏa thuận với người dân, thuê lại đất của dân cho đến ngày được bồi thường với giá 50 triệu đồng/thửa.

“Chúng tôi không thực hiện dự án kiểu cuốn chiếu mà làm đồng loạt các hạng mục với quyết tâm cao. Sau khi hoàn thành, mỗi cổng cống có thể vận hành độc lập nhưng như vậy không thể đạt hiệu quả liên hoàn. Chính vì thế, yêu cầu tất cả các cửa cống đều phải hoàn thành và vận hành cùng lúc. Nếu mặt bằng không được giao trước tháng 8, tháng 9 năm nay, e rằng khó đảm bảo tiến độ”, ông Tiến lo ngại.

Ông Tiến cũng đề nghị UBND TP.HCM quan tâm, xem xét và có chỉ đạo sớm về phương án điều chỉnh tuyến kè: “Ngày 13.5 vừa qua, phía doanh nghiệp dự án (Trung Nam BT 1547) đã nhận được văn bản của Sở NN-PTNT chấp thuận chủ trương đề xuất di dời tuyến kè của dự án, hiện Sở đã có văn bản trình UBND TP xem xét. Điều chỉnh tuyến kè sẽ giúp tiết kiệm gần 30 tỉ đồng tiền giải phóng mặt bằng, đồng thời giúp công trình có thể thi công nhanh hơn, giảm tối đa sự xáo trộn trong đời sống bà con”.

Cần 100.000 tỉ đồng để xóa ngập

TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC - Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận định “trễ hẹn” là tình trạng chung của tất cả các dự án chống ngập từ trước đến nay nên ông không hy vọng Trung Nam có thể hoàn thành dự án đúng tiến độ. “Cơ chế giá đền bù của chúng ta hiện nay còn lạc hậu, chênh lệch cao giữa giá thị trường và giá đền bù dẫn đến tình trạng không thỏa thuận được với dân. Vấn đề này các nhà kỹ thuật, chủ đầu tư không thể giải quyết được. Chừng nào cơ chế chưa thay đổi thì giải phóng mặt bằng còn là nỗi ám ảnh của nhà đầu tư, là vướng mắc muôn thuở của các dự án”, ông Phi cảnh báo.

Ông Long Phi cũng cho rằng không nên kỳ vọng dự án này hoàn thành là TP sẽ hết ngập. Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập trong TP, thứ nhất là nước mưa và thứ hai là do triều cường. Về vấn đề nước mưa, TP đã có Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước 752 từ năm 2001 mà cho đến nay mới thực hiện được 30%, chủ yếu ở khu trung tâm như Q.1, Q.3, Q.10. Các quận ngoài rìa như Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức, Q.Bình Tân... do thiếu kinh phí nên chưa được “sờ tới”, lại có tốc độ đô thị hóa quá mạnh nên tình trạng ngập lụt ngày càng nặng nề.

Ở nguyên nhân thứ hai, dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 chỉ giải quyết một vùng nhỏ phía nam TP, các vùng ven, vùng thấp vẫn nằm ngoài vòng bảo vệ.

“TP cần huy động vốn để tiếp tục nâng cấp hệ thống thoát nước tại các vùng ven theo Quy hoạch 752. Hỗ trợ tăng cường điều tiết nước đô thị, chương trình này đã có nghiên cứu nhưng vẫn chưa được triển khai. Bên cạnh đó, kết hợp mảng xanh đô thị cùng với hệ thống thoát nước một cách đồng đều trên tất cả các địa bàn quận, huyện. Để làm được những điều trên, kinh phí TP cần đầu tư ước tính 100.000 tỉ đồng. Nếu không nhanh chóng giải quyết, tình trạng ngập lụt sẽ ngày càng kéo dài và nặng nề”, ông Long Phi nói.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, các khu đô thị tại TP.HCM bị ngập hiện nay có nguyên nhân lớn là do tình trạng bê tông hóa, cốt nền không chuẩn, rác nghẽn không được xử lý.

Để giải quyết, theo ông Nam Sơn, cần xử lý điều chỉnh lại mức độ bê tông hóa đô thị, điều chỉnh cốt nền... Việc này nếu làm được có thể giảm 80 - 90% ngập đô thị, nhưng lại thực hiện khá chậm. Hiện nay, việc này không biết do ai làm, trong khi cần kết hợp nhiều ban ngành. Nếu mạnh ai nấy làm như hiện nay thì hiệu quả không cao.

Cũng theo ông Sơn, cần nghiên cứu nhập các sở liên quan như sở Xây dựng, GTVT, Trung tâm chống ngập, thậm chí Sở Quy hoạch - Kiến trúc vào làm một. Sở này sẽ chịu trách nhiệm chính trong chống ngập. Từng việc sẽ có các phòng, ban chuyên môn giải quyết, do tổ chức phân công. “Chuyện kẹt xe và chống ngập mà không có tầm nhìn liên ngành thì sẽ rất khó giải quyết”, kiến trúc sư Nam Sơn nói.

Còn 40 điểm ngập

Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết trên địa bàn TP hiện có 40 điểm ngập nước. Trước tháng 6.2017, Sở GTVT phối hợp các đơn vị chức năng triển khai một số công trình nhằm khắc phục tình trạng ngập nước tại 8/40 điểm thường xuyên xảy ra ngập nước do mưa và triều cường. Trong năm 2017, TP phấn đấu giải quyết 12 điểm ngập. Trong số các điểm ngập dự kiến xóa trong năm 2017 có 4 điểm ngập gồm QL1, QL13 (Q.Thủ Đức), đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân), đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7) có tình hình giao thông phức tạp. Vì vậy, muốn xóa ngập các điểm này phải cần nguồn vốn lớn để nâng cấp mở rộng mặt đường.

Đình Mười

Đình Mười - Hà Mai

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/tphcm-moi-mua-da-ngap-837484.html