TP.HCM: Mạnh tay cải tạo chung cư cũ

Theo kế hoạch đến năm 2020, TP.HCM hoàn thành tháo dỡ và xây mới ít nhất 50% trong số 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Để hoàn thành được điều này, TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp mang tính đột phá, khắc phục tình trạng kéo dài trong cải tạo sửa chữa xây mới chung cư cũ. TP phân công và ủy quyền triệt để cho UBND cấp quận, đưa ra các giải pháp về chính sách bồi thường và tái định cư, cơ chế lựa chọn chủ đầu tư…

Văn bản pháp luật đã có

Tháng 10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 101/2015/NĐ-CP giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định việc quy hoạch, xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng giúp việc xây dựng có bước thuận lợi hơn. Cuối tháng 6/2016, Bộ Xây dựng cũng ban hành Thông tư 21/2016 hướng dẫn Nghị định 101, tạo thuận lợi để tăng diện tích sàn xây dựng, diện tích căn hộ khi quy định “UBND cấp tỉnh quyết định việc cho phép điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất, chiều cao công trình…”

Các văn bản quy phạm pháp luật đã có và tương đối đầy đủ tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho việc cải tạo xây mới chung cũ đồng thuận lợi cũng như đảm bảo an toàn cho người dân. Cùng đó là những chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP.HCM về việc phải giải quyết triệt để vấn đề xây dựng lại chung cư cũ để tránh nguy hiểm cho người dân. Do đó, công tác xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP đã có những bước tiến triển tốt khi có nhiều nhà đầu tư kinh doanh BĐS đăng ký tham gia lĩnh vực này. Hiện có 24 DN muốn tham gia, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn trên địa bàn như Tập đoàn Novaland, C.T Group, Hưng Thịnh, Him Lam Land… Tuy vậy, các DN cũng chỉ đăng ký xây dựng lại những chung cư nằm ở vị trí trung tâm TP như quận 1, 3, 5, còn các quận khác thì ít được quan tâm.

Chính vì vậy, trong quá trình kiểm định chất lượng các chung cư cũ, TP.HCM đã tiến hành phân nhóm chung cư theo các vị trí thuận lợi và không thuận lợi (theo quy hoạch có những vị trí sẽ không xây dựng chung cư nữa) để kêu gọi các nhà đầu tư có thực lực. Mỗi nhóm chung cư cũ bao gồm cả thuận lợi và không thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện.

Gỡ nút thắt bồi thường tái định cư

Ông Phan Trường Sơn - Trưởng phòng phát triển nhà và thị trường BĐS, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: Sở vừa có tờ trình mới nhất gửi UBND TP đề xuất phân công ủy quyền thực hiện cải tạo xây mới chung cư cũ hư hỏng nặng giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đề xuất của Sở Xây dựng thì TP sẽ phân công và ủy quyền triệt để cho UBND cấp quận triển khai tất cả các công việc thuộc trách nhiệm và và thẩm quyền của UBND TP, cũng như các sở ngành liên quan. Công việc liên quan của các sở ngành thực hiện cũng được giao cho các phòng chuyên môn của quận thực hiện các công việc liên quan đến cải tạo xây mới chung cư cũ trước năm 1975. Người dân tự chọn nhà đầu tư và tự thỏa thuận phương thức bồi thường, trình cấp thẩm quyền công nhận chủ đầu tư và phê duyệt phương án bồi thường tái định cư trong thời gian 12 tháng đối với chung cư hư hỏng nặng và 3 tháng đối với chung cư nguy hiểm. Sau thời gian theo quy định mà chủ sở hữu chưa chọn được nhà đầu tư thì Nhà nước trực tiếp tổ chức thực hiện. Khi Nhà nước thực hiện thì không bồi thường mà chủ yếu là tái định cư tại chỗ. Ngoại trừ các chung cư theo quy hoạch không xây dựng lại thì tái định cư nơi khác gần nơi cũ.

Theo các chuyên gia, cơ chế này đã giải được bài toán bồi thường tái định cư kéo dài suốt thời gian qua. Việc làm này đã giúp chủ đầu tư không trực tiếp thỏa thuận với người dân như trước đây mà chủ yếu là tập trung xây dựng quỹ nhà tái định cư để bàn giao cho chính quyền bố trí tái định cư cho các hộ dân.

Cao Cường

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/bat-dong-san/tphcm-manh-tay-cai-tao-chung-cu-cu.html