TP.HCM: Làng nghề lư đồng An Hội hối hả dịp Tết

Ngay từ đầu tháng Chạp, làng nghề An Hội ( Q.Gò Vấp – TP. Hồ Chí Minh) đã tất bật, nhộn nhịp làm việc suốt ngày đêm để kịp hàng cho khách trong dịp cuối năm.

Làng nghề đúc lư đồng An Hội tồn tại hơn 100 năm nay giữa một thành phố hiện đại

Làng nghề đúc lư đồng An Hội tồn tại hơn 100 năm nay giữa một thành phố hiện đại

Tồn tại hơn 100 năm nay, làng nghề truyền thống đúc lư đồng An Hội xưa kia nức tiếng bởi mẫu mã đa dạng, hoa văn đẹp và có độ bền cao. Những năm cuối thế kỷ 19 được xem là thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề đúc lư đồng An Hội, có tới 50 cơ sở đúc lư đồng. Những cơ sở như Ba Cồ, Hai Thắng, Quốc Kiển, Anh Thoại, Năm Toàn đã tạo nên danh tiếng cho làng. Các sản phẩm có mặt khắp Nam kỳ lục tỉnh, thậm chí xuất sang cả nước Myanmar, Campuchia, Lào…

Nhưng qua sự biến thiên của thời gian, đất đai thu hẹp, giá đồng cao, hàng hóa không bán được…đa số cơ sở đúc đồng ở đây đã phải bỏ nghề. Còn rất ít nghệ nhân tâm huyết vẫn giữ lửa và đeo bám giữ lấy nghề.

Ông Năm Toàn, chủ cơ sở đúc lư đồng Năm Toàn cho biết: "Tôi đã gắn bó với nghề này hơn 40 năm. Đây là một nghề thủ công rất cầu kỳ, vất vả, phải trải rất nhiều công đoạn mới hoàn thành một bộ lư hoàn chỉnh. Từ tạo khuôn, đổ đồng, hàn, chạm khắc, đánh bóng... Mỗi người thợ phải phụ trách một khâu”.

Các sản phẩm lư đồng ở làng An Hội được làm bằng thủ công, có màu ánh vàng đặc trưng, không bị xỉn màu, họa tiết tinh xảo và rất có hồn. Do đó khách hàng, nhất là các sư thầy ở các chùa trong ở khu vực lân cận như Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu…thường tìm đến làng nghề An Hội này.

Tùy giá trị mà mỗi bộ lư có giá tiền khác nhau, lư thường giá từ 3 - 5 triệu đồng, lư đặc biệt khoảng 8 - 12 triệu đồng.

Bà Phạm Thị Liên, chủ lò lư đồng Ba Cồ chia sẻ : “Giá đồng nguyên liệu thất thường, đất sét cũng hiếm, lại làm thủ công nên phần lớn chúng tôi lấy công làm lời, chủ yếu là giữ nghề truyền thống của ông bà truyền dạy chứ hiệu quả kinh tế không nhiều”.

Theo ông Hai Thắng: “Thông thường, mỗi cơ sở ở đây cung ứng quân bình cho thị trường khoảng 200 – 500 sản phẩm/ tháng . Nhưng đến tháng Chạp, khách hàng khắp nơi tìm đặt hàng nên mỗi cơ sở nhận đơn hàng khoảng từ 1500 – 3000 lư đồng đủ mọi mẫu mã”.

Tết đến gần, làng nghề cũng dần trở nên tất bật hơn, mọi người cũng lao động khẩn trương hơn. Từ 5h sáng, làng nghề An Hội đã nghe tiếng âm thanh của búa đập, tiếng rèn vang. Bên trong lò đúc, ngọn lửa cháy đỏ, nung nấu những sản phẩm cho kịp phục vụ dịp Tết sắp đến

Đang trong gia đoạn làm hàng Tết nên các cơ sở phải làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm

Các lư đồng đều được chạm khắc hoa văn rất tỷ mỉ đến từng đường nét của hình dáng con rồng, phượng, lân...Mỗi lư đồng người thợ phải mất từ 30 phút đến 60 phút để hoàn thiện chúng.

Tạo sáp tạo khuôn là một trong những khâu quan trọng, vì công đoạn này quyết định độ dày, mỏng và những đường nét cơ bản cho chiếc lư

Người thợ đang hàn lại những chỗ đồng còn thiếu trong quá trình đúc đồng

Sau khi đổ đồng vào khuôn đúc, người thợ phải đập lớp đất sét được tạo khung từ trước

Và đánh bóng cho lư đồng. Một khâu khá tỷ mỉ, cần thận để tránh làm mất đi các đường nét của hoa văn trên lưu đồng

Từ đầu tháng chạp, các cơ sở phải làm việc gấp đôi để đáp ứng nguồn hàng Tết

Sỹ Đồng

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tphcm-lang-nghe-lu-dong-an-hoi-hoi-ha-dip-tet-post219266.info