TP.HCM: Giành giật tân sinh viên theo kiểu… trừ hao

Trong cuộc chạy đua giành giật tân sinh viên trong mùa tuyển sinh đại học 2016, hầu hết các trường ở TP.HCM áp dụng chiêu “trừ hao” để chống lại hồ sơ ảo, “vợt” càng nhiều thí sinh càng tốt.

Kết quả tuyển sinh đợt 1 đầy bất ngờ nhưng không ngoài dự đoán của các trường đại học, bởi hồ sơ ảo là điều buộc phải chấp nhận để mang lại nhiều lợi ích nhất cho thí sinh. Và mỗi trường đại học lại có một kỹ thuật riêng để chống lại hồ sơ ảo. Tính đến chiều ngày 20.8, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã có 4.560 tân sinh viên làm thủ tục nhập học trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 4.515, tức là chỉ dôi ra có 45 sinh viên.

Thí sinh nghiên cứu nộp hồ sơ xét tuyển tại trường ĐH Sài Gòn

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết “đây là kết quả quá đẹp”. Bí quyết chống ảo của trường là phân tích nguyện vọng thí sinh theo ngành, theo trường. Với ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hồ sơ ảo tập trung vào nhóm thí sinh có số điểm trên 23. Những thí sinh này thường chọn nguyện vọng 1 vào ĐH Bách khoa TP.HCM và nguyện vọng 2 vào ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhưng chắc chắn khi trúng tuyển sẽ không nhập học tại ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Do đó, trường quyết định thông báo trúng tuyển thêm 40%. Tức chỉ tiêu chỉ là 4.515 nhưng thông báo trúng tuyển đến… 6.000 thí sinh. ĐH Kinh tế TP.HCM cũng về đích sớm nhưng lãnh đạo trường nửa đùa nửa thật: “Không thể công bố bí quyết chống hồ sơ ảo được”.

Nhưng không phải cứ dùng "chiêu" trừ hao là đạt ngay con số chính xác thí sinh nhập học. Nhiều trường cũng trừ hao nhưng kết quả cuối cùng không như mong muốn. Như ĐH Sư phạm TP.HCM gọi trừ hao 4.300 thí sinh trong khi chỉ tiêu là 3.800 thí sinh nhưng chỉ có 65% thí sinh đến nhập học. ĐH Nông lâm TP.HCM cũng trừ hao bằng cách gọi trúng tuyển thêm 30% nhưng chưa đủ chỉ tiêu. Tương tự, do không dự đoán đúng tình hình nên dù đã gọi thêm 38% so với chỉ tiêu nhưng ĐH Công nghiệp TP.HCM vẫn còn thiếu 500 thí sinh.

"Tuyệt chiêu" mà các trường tung ra còn là cho thời gian nhập học sớm hơn thời gian kết thúc lựa chọn của thí sinh, đồng thời sử dụng phương thức gọi điện thoại “tỉ tê” để biết được thí sinh nào chọn trường mình. Một chuyên gia tuyển sinh phân tích, nếu sử dụng 1 sinh viên để gọi điện thoại cho khoảng 30 đến 40 thí sinh thì chỉ cần huy động 50 đến 100 sinh viên trong 1 buổi có thể biết ngay bao nhiêu thí sinh quyết định nhập học.

Có thể nói, phương thức tuyển sinh mới đã khiến bức tranh chung về tuyển sinh của các trường rất khó đoán định. Tuy các trường bị khó nhưng thí sinh lại thuận lợi hơn vì có nhiều lựa chọn. Vì thế, phương án tuyển sinh năm nay vẫn được nhiều trường đại học đồng thuận.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng đào tạo, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM bày tỏ: “Quan điểm cá nhân là tôi ủng hộ phương án tuyển sinh năm nay. Năm nay hồ sơ ảo nhiều nhưng là tốt cho thí sinh vì các em có nhiều cơ hội lựa chọn. Các trường có thể gặp khó khăn trong tuyển sinh nhưng đó là do vấn đề kỹ thuật. Đây là dịp để các trường rút kinh nghiệm về kỹ thuật tuyển sinh nhưng cũng phải xem lại việc nâng cao chất lượng đào tạo vì trường càng có uy tín thì dĩ nhiên là các em sẽ lựa chọn nhiều. Các trường phải lấy điều này làm động lực để nâng cao chất lượng đào tạo”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/tphcm-gianh-giat-tan-sinh-vien-theo-kieu-tru-hao-702682.html