TP HCM đầu tư nhiều dự án giảm ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía Nam và Tây Nam

Thời gian gần đây, các tuyến cầu - đường ra vào TP HCM ở khu vực cửa ngõ phía Nam và Tây Nam đã được UBND TP chú trọng tìm phương án và nhà đầu tư nhằm khắc phục tình trạng quá tải và thường xuyên gây ùn tắc giao thông.

Cu thể, nhằm giải quyết áp lực giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam, UBND TP HCM vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chuyển dự án Quốc lộ 50 (đoạn đi qua địa bànTP HCM) cho UBND TP triển khai đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch, sớm đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của nhân dân.

Nguyên nhân là do trong thời gian qua, đoạn tuyến Quốc lộ 50 qua địa bàn các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và các cầu bắc qua sông Mỹ Lợi, Cổ Chiên đã được đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác. Trong khi đó, đoạn tuyến qua TP HCM chưa được đầu tư đã làm tăng áp lực lưu lượng trên đoạn tuyến Quốc lộ 50 từ TPHCM đi các tỉnh và ngược lại, gây ùn tắc và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông khu vực.

Một dự án trọng điểm khác nhằm giải tỏa ách tắc giao thông cửa ngõ phía Nam là cầu đường Bình Tiên cũng đã tìm được nhà đầu tư sau nhiều năm gián đoạn. Cụ thể, dự án sẽ do 4 nhà đầu tư thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng). Tổng số vốn đầu tư khoảng 3.508 tỉ đồng được thực hiện từ năm 2016 - 2020.

Đoạn từ đường Phạm Văn Chí, Quận 6 đến Tạ Quang Bửu, Quận 8 do liên danh Công ty TNHH DV TM SX XD Đông Mê Kông và Tổng công ty 319 đầu tư. Dự kiến sẽ xây một cầu vượt qua 2 kênh Tàu Hũ và Đôi với tổng kinh phí 2.605 tỉ đồng, trong đó đền bù giải phóng mặt bằng 925 tỉ đồng.

Nhà đầu tư được thanh toán 40% chi phí thực hiện dự án bằng các khu đất thuộc phường 6, 14, 15 (Quận 8) và các khu đất khác nếu chưa đủ cân đối, số còn lại 60% sử dụng ngân sách TP.

Riêng đoạn còn lại từ đường Tạ Quang Bửu, Quận 8 đến đường Nguyễn Văn Linh huyện Bình Chánh dài gần 1,9 km do liên danh Công ty cổ phần Licogi 16 và Công ty CP đầu tư xây dựng Bình Chánh đầu tư với số vốn dự kiến 903,649 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 200 tỉ đồng, nhà đầu tư thu hồi vốn qua việc khai thác các khu đất dọc tuyến cầu đường Bình Tiên và một số khu đất.

Hồi tháng 9, HĐND thành phố cũng đã chấp thuận cho phép đầu tư dự án cầu Nguyễn Khoái nối quận 7 với khu trung tâm. Dự án cầu Nguyễn Khoái, có tổng chiều dài khoảng 1km, trong đó cầu dài 346 mét, rộng 22,5mét. Điểm đầu của dự án bắt đầu từ đường D1 khu dân cư Him Lam thuộc quận 7; điểm cuối nằm ở đường Bến Vân Đồn thuộc quận 4.

Dự án có tổng mức đầu tư là 1.250 tỉ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2017 và hoàn thành sau 18 tháng thi công. Sau khi hoàn thành, cầu Nguyễn Khoái sẽ kết nối khu Nam Sài Gòn với khu trung tâm, tạo thêm một hướng đi nữa về khu trung tâm để giảm tải cho cầu Kênh Tẻ hiện nay đang bị ùn tắc nghiêm trọng.

Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, theo quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020, sẽ xây thêm cầu Kênh Tẻ 2 trên đường Bắc Nam, hướng từ nút giao đường Hoàng Diệu ra đường Tôn Đản vượt qua Kênh Tẻ kết nối với đường Lê Văn Lương (quận 7) để ra đường Nguyễn Hữu Thọ.

Ở khu vực cửa ngõ phía Tây, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án đường nối từ đại lộ Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, UBND TP đã chấp thuận cân đối 72 nền đất tại dự án Khu tái định cư 30 ha Vĩnh Lộc B, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh để bố trí tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân có nhà ở chịu ảnh hưởng toàn bộ của dự án.

Dự án xây dựng đường nối Võ Văn kiệt với cao tốc TP.HCM – Trung Lương do Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Yên Khánh làm chủ đầu tư theo hình thức BOT và được khởi công vào tháng 10/2015. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 1.600 tỉ đồng, không bao gồm chi phígiải phóng mặt bằng. Thời gian thi công dự kiến khoảng 20 tháng.

Điểm đầu của dự án tại nút giao thông Tân Kiên (điểm cuối của đường Võ Văn Kiệt, nơi giao cắt với quốc lộ 1A, thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) và điểm cuối nối vào nút giao thông Tân Tạo – Chợ Đệm của đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Độ dài toàn tuyến là 2,7km, lộ giới 60m, thiết kế đường song hành mỗi bên rộng 14m, khoảng cách ở giữa rộng hơn 30m sẽ là cảnh quan (cây xanh, bãi cỏ, đây là nguồn đất dự trữ để thực hiện giai đoạn 2 của dự án). Công trình có hai nút giao thông tại hai đầu tuyến và hai cầu đường bộ trên tuyến đường.

Theo UBND TP HCM, công trình sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ kết nối được nhiều tuyến giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía Tây thành phố như đại lộ Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1A - đường Kinh Dương Vương. Dự án cũng giúprút ngắn được đoạn đường cũng như thời gian lưu thông từ trung tâm thành phố ra đường cao tốc, giúp cho việc tỏa đi các tỉnh ĐBSCL được nhanh hơn.

Không những vậy, đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM – Trung Lương cũng góp phần giảm áp lực giao thông cho khu vực này, đặc biệt là giảm áp lực lên quốc lộ 1A, cầu Bình Điền vốn đang quá tải trầm trọng dẫn đến ùn ứ triền miên.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/tp-hcm-dau-tu-nhieu-du-an-giam-un-tac-giao-thong-khu-vuc-cua-ngo-phia-nam-va-tay-nam-20161027123820576p4c148.news