TP.HCM: Cây xanh đang bị 'bức tử'

Trên địa bàn thành phố hiện có hàng trăm ngàn cây xanh thuộc 180 loài khác nhau nhưng phần lớn đang đứng trước nguy cơ bị “bức tử” bởi quá trình phát triển đô thị.

Tình trạng cây xanh tại thành phố bị ngã đổ ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Tại hội thảo An toàn cây xanh độ thị TP.HCM ngày 29.11, đại diện sở GTVT TP.HCM cho biết đơn vị này đang quản lý hơn 130 ngàn cây xanh với 180 loài. Những năm gần đây tình trạng cây ngã đổ, gãy nhánh ngày càng nhiều, hàng trăm vụ/năm, gây bất an cho người dân khi ra đường.

Đại diện sở GTVT TP.HCM cho biết hiện nay cây xanh thành phố đang gặp nhiều vấn đề. Trong quá trình phát triển đô thị tạo ra nhiều nhà cao tầng trên các đường phố, thu hẹp không gian sinh trưởng, phát triển của cây.

Tại khu vực có nhiều nhà cao tầng còn tạo nên hiệu ứng gió đường hầm khiến hướng gió, sức gió thay đổi và gia tăng đột ngột khi có giông, lốc là một trong những nguyên nhân làm cây xanh ngã đổ. Bên cạnh đó đa phần cây nhóm 3, cây cổ thụ tồn tại từ lâu, già cỗi không đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, tình trạng xâm hại cây xanh diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức từ chủ động phá hoại (vướng mặt tiền, phong thủy) hay sự thiếu ý thức trong quá trình thi công các công trình hạ tầng khiến cây xanh luôn đối mặt những rủi ro bất ngờ, cũng như nguy cơ mất an toàn trong tương lai.

TS. Đinh Quang Diệp, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM nhận định, TP.HCM là đô thị đặc biệt có cây xanh phát triển lâu đời. Nhưng những năm gần đây cây xanh bị ngã đổ nhiều, chủ yếu là các cây lim sét, sọ khỉ, phượng vỹ, sò đa cam, bàng… Nguyên nhân là do quy hoạch hạ tầng đô thị chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường luôn bị đào xới làm cho hệ thống cây xanh bị xâm hại; rễ của một số loại cây không phát triển trong điều kiện đất đai đô thị hiện nay; một số cây xanh già cỗi, bị mục rễ…

Để đảm bảo an toàn cho cây, TS. Diệp cho rằng thành phố cần xây dựng các vành đai xanh chung quanh thành phố; nên chọn các cây trồng không quá cao (dưới 15 m), thân thẳng tự nhiên, gỗ tốt không giòn, cành dẻo dai, có sức chịu đựng tốt, rễ khỏe…

Theo ông, thành phố không nên có quá nhiều chủng loại cây xanh, chỉ từ 40 - 50 loại là được. Còn việc trồng cây xanh phải được thực hiện sau khi các công trình hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng xong để tránh trường hợp vỉa hè thường xuyên bị đào bới gây ảnh hưởng đến rễ cây.

Một cây xanh bị gãy đổ ở TP.HCM.

Ông Nguyễn Trịnh Kiểm, chuyên viên cây xanh thuộc Hiệp hội công viên cây xanh Việt Nam, cho rằng tại thành phố có nhiều cây từ 80 - 100 tuổi. Nhìn chung mức độ không an toàn các cây không cao và cần phải thay thế. Tuy nhiên việc thay thế cần có kế hoạch phù hợp, trong đó cần tập trung đầu tiên là loài lim sét, sọ khỉ. Nguyên tắc là đốn hạ đến đâu thì trồng ngay đến đó vì thế cần có nhiều cây cỡ tuổi khác nhau tại vườn ươm để khi trồng trên đường phố đảm bảo cây đồng đều, tạo mỹ quan đô thị.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng thành phố cần có quy hoạch cây xanh đến năm 2030, sớm ban hành danh mục cây cần bảo tồn trên địa bàn. Bên cạnh đó thành phố cần cần xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm đến cây xanh, có biện pháp bảo vệ cây khi xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật…

Theo Sở GTVT TP.HCM, nếu năm 2013 có 158 vụ cây ngã đổ thì năm 2014 tăng thành 193 vụ, còn năm 2015 là 184 vụ. Riêng đầu năm 2016 đến nay đã có 216 vụ cây ngã đổ khiến 2 người chết, 9 người bị thương, thiệt hại 19 ô tô và 11 xe máy… Ngoài ra mỗi năm còn có hơn 500 gánh cây bị gãy nhánh.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/tphcm-cay-xanh-dang-bi-buc-tu-726632.html