TP.HCM cần hơn 73.000 tỷ đồng để chống ngập

Giai đoạn từ năm 2016 - 2020 Thành phố cần tới hơn 73.000 tỷ đồng để thực hiện chống ngập bằng giải pháp công trình, chủ yếu từ vốn vay ODA để xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống điều khiển, radar, dự báo mưa, hệ thống quan trắc kênh rạch.

Đáp ứng nhu cầu phát triển về xây dựng hạ tầng đến năm 2020, TP.HCM cần khoảng 500.000 tỷ đồng (chưa bao gồm chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch). Tuy nhiên, ngân sách của thành phố chỉ lo được 34%... Như vậy, TP.HCM phần còn lại 66%, tương đương 330.000 tỷ đồng Thành phố phải huy động từ nguồn vốn xã hội.

Chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhu cầu vốn về hạ tầng của TP.HCM là lĩnh vực hạ tầng giao thông. Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải,dù đầu tư hạ tầng giao thông luôn được coi trọng, nhưng do nguồn vốn ngân sách còn eo hẹp nên kết quả đầu tư chưa được hoàn tất theo quy hoạch.

Đối với hệ thống giao thông tĩnh (bến bãi), hiện chỉ có 70,36ha (đạt 6,14% so với chỉ tiêu quy hoạch). Quỹ đất dành cho giao thông trên đất xây dựng chỉ đạt 8,5% (theo quy hoạch là 22,3%), trong khi số phương tiện mà thành phố đang quản lý vượt hơn 8 triệu phương tiện (chưa tính phương tiện vãng lai hàng ngày).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố cần hơn 318.000 tỷ đồng để đầu tư 189 dự án bao gồm dự án cầu đường bộ (kết nối liên vùng, sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, tuyến vành đai và các trục đường lớn), bãi đậu ô tô và vận tải hành khách công cộng...

Một lĩnh vực khác mà TP.HCM đang kêu gọi đầu tư là dự án chống ngập. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, từ năm 2016 - 2020 Thành phố cần tới hơn 73.000 tỷ đồng để thực hiện chống ngập bằng giải pháp công trình (thực hiện Quy hoạch 752 và Quy hoạch 1547).

Nguồn vốn này chủ yếu từ vốn vay ODA để xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống điều khiển, radar, dự báo mưa, hệ thống quan trắc kênh rạch...

Về lĩnh vực đầu tư nhà ở, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện Thành phố có khoảng 935 chung cư cũ, trong đó có 577 chung cư được xây dựng trước năm 1975, phần lớn bị xuống cấp. Đến năm 2020 Thành phố phấn đấu cơ bản hoàn thành tháo dỡ và đầu tư xây dựng mới ít nhất 50% chung cư cũ hư hỏng nặng.

Đối với chương trình chỉnh trang phát triển đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch, hiện Thành phố cần phải di dời khoảng 20.000 căn hộ, trong đó chiếm hơn một nửa thuộc địa bàn quận 8. Đây là hai nhiệm vụ khó khăn, rất cần nguồn vốn từ doanh nghiệp.

Về lĩnh vực tài nguyên môi trường, giai đoạn 2006 - 2016, mỗi ngày Thành phố xử lý 8.300 tấn rác/ngày, trong đó chiếm đến 76% là công nghệ chôn lấp. Dự báo đến năm 2020, Thành phố sẽ phải xử lý 10.080 tấn/ngày rác thải sinh hoạt, bình quân mỗi năm tăng 5%.

Thành phố đang kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2020 bằng công nghệ đốt - phát điện (công suất 1.000 - 2.000 tấn/ngày), dự án xử lý chất thải công nghiệp nguy hại với công nghệ đốt plasma (công suất 200 - 500 tấn/ngày) và dự án xử lý chất thải y tế nguy hại bằng công nghệ đốt plasma (công suất 50 tấn/ngày).

Chủ tịch UBND TP.HCM ông Nguyễn Thành Phong cho biết, không gian ngầm là tài nguyên và mong muốn doanh nghiệp cùng với thành phố khai thác tài nguyên này trong điều kiện diện tích bề mặt thành phố không thể mở rộng trong khi tốc độ phát triển dân số liên tục tăng.

Cùng với đó, thành phố chủ trương phát triển đa cực, nhiều vệ tinh như phát triển về khu Nam (Khu đô thị Cảng Hiệp Phước), phía Tây Bắc (Khu đô thị Tây Bắc, Củ Chi), Đông Bắc (Khu đô thị Thanh Đa), phía Đông (Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao và làng đại học).

Về quỹ đất để trả cho nhà đầu tư thực hiện các dự án BT, ông Phong cho biết, hiện tại đất ở khu trung tâm và Thủ Thiêm đã hết nên các nhà đầu tư muốn tìm hiểu thì chỉ còn ở các quận khác.

Cũng theo ông Phong, đối với thông tin về các khu đất mà nhà đầu tư muốn tìm hiểu thì sắp tới Thành phố sẽ thành lập 2 tổ công tác về đầu tư và xây dựng để trả lời nhanh các vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm chứ không thể mất vài tháng lấy ý kiến của sở ngành rồi mới trả lời.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị thành phố cần đẩy mạnh hợp tác công - tư; hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo nguồn vốn để phát triển. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý UBND TP.HCM cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư, xem lại chi phí cho doanh nghiệp thuê đất.

Ông Nhân cũng nhấn mạnh, Thành phố phải thực hiện một cửa cấp phép đầu tư, một cửa cấp chứng nhận kinh doanh, sẵn sàng về quỹ đất cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Danh Phú

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/du-an/tphcm-can-hon-73000-ty-dong-de-chong-ngap-2883804.html