TP.HCM cần có cơ chế đặc thù để tạo động lực phát triển

Theo ông Nguyễn Thành Phong, đến năm 2020, TP.HCM phải di dời, tái định cư cho 20.000 người dân đang sống ven kênh rạch, cải tạo, xây dựng mới ít nhất 50% để thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp.

Ngày 7/10, Bộ Xây dựng kết hợp cùng UBND TP.HCM tổ chức hội thảo “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM”. Tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, thành phố cần được áp dụng cơ chế đặc thù, chủ động huy động các nguồn lực, đặc biệt là cơ chế tài chính để tạo nguồn vốn thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị.

Phát triển đô thị phải được nhìn nhận với tư duy mới

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ Xây dựng luôn ủng hộ TP.HCM và cam kết phối hợp chặt chẽ với thành phố để hoàn thành tốt nhất chương trình “chỉnh trang và phát triển đô thị” trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng lưu ý vấn đề phát triển, chỉnh trang đô thị phải được nhìn nhận với tư duy mới. Thành phố cần ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, người dân và cộng đồng xã hội; đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ, ngành và thành phố để thực hiện việc chỉnh trang, phát triển đô thị đạt hiệu quả tích cực.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà

Cũng theo Bộ Trưởng Phạm Hồng Hà, dù thành phố có nhiều thành tựu trong quy hoạch phát triển đô thị, nhưng TP.HCM cũng đang phải đối mặt với việc mất kiểm soát trong việc phát triển dân số cơ học, phát triển đô thị không theo kịp phát triển dân số, vấn đề ô nhiễm lấn chiếm kênh rạch, biến đổi khí hậu,... dẫn tới việc ngập lụt đang diễn ra nhanh. Do đó, việc chỉnh trang đô thị của TP.HCM không phải là vấn đề mới nhưng cần nhìn nhận trong tư duy mới, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân.

TP.HCM cần có cơ chế đặc thù để tạo động lực phát triển

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X có chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị”, trong đó, thành phố phấn đấu đến năm 2020, di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 người dân; cải tạo, xây dựng mới ít nhất 50% để thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp…

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: " TP.HCM cần có cơ chế đặc thù để tạo động lực phát triển"

Ông Phong nhấn mạnh, để hoàn thành mục tiêu, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp, trong đó thành phố cần được áp dụng cơ chế đặc thù, chủ động huy động các nguồn lực, đặc biệt là cơ chế tài chính để tạo nguồn vốn thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị…

Tập trung các giải pháp đẩy mạnh việc phân cấp ủy quyền, cần kiến nghị với Trung ương phân cấp ủy quyền cho thành phố trên cơ sở đảm bảo các nguồn lực và điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quyền đã được phân cấp xuyên suốt các nhiệm kỳ.

Phối hợp đồng bộ các tầng lớp nhân dân, bộ ngành từ địa phương tới Trung ương tạo sự đồng thuận trong việc đột phá chỉnh trang đô thị, tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản, tăng cường công tác quản lý nhà nước đảm bảo cho thị trường bất động sản thành phố phát triển lành mạnh, công khai lành mạnh minh bạch giúp thành phố phát triển kinh tế xã hội và tạo ra kênh đầu tư thu hút vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển đô thị bền vững theo hướng hiện đại hóa.

“Mảng xanh” đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của TP.HCM

PGS.TS.KTS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, thách thức của TP.HCM là việc sử dụng đất cho phát triển đô thị ở nhiều khu vực kém hiệu quả. Thành phố đã giao gần như toàn bộ quỹ đất trong các khu vực định hướng phát triển đô thị nhưng tỷ lệ đất được thực sự đưa vào đầu tư phát triển đô thị không nhiều, tạo nên hiện tượng đầu cơ đất đai.

TP.HCM cần khuyến khích phát triển đô thị nén, hạn chế phát triển đô thị phân tán, mật độ thấp và cần phải giữ lại được vành đai xanh

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang Corporation phân tích, chỉnh trang và phát triển là chương trình mới trong bảy đột phá mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM đưa ra. Mục tiêu của chương trình là tổ chức lại cuộc sống của người dân, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của người dân với dịch vụ công, “mảng xanh” đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của TP.HCM.

“Môi trường xanh, giải pháp kiến trúc xanh, kiên trúc bền vững phải là sự lựa chọn tất yếu để ứng phó với hiện trạng bê tông hóa đô thị như hiện nay. Đây cũng là giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu khí thải nhà kính và giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến môi trường sống của cư dân” - bà Mẫu nói.

Cùng đưa ra giải pháp, TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, TP.HCM cần khuyến khích phát triển đô thị nén, hạn chế phát triển đô thị phân tán, mật độ thấp và cần phải giữ lại được vành đai xanh. Thành phố nên tập trung phát triển theo hướng vận tải công cộng. Việc phát triển các tòa nhà mật độ cao dọc theo các tuyến vận tải công cộng làm cho việc sử dụng cơ sở hạ tầng hiệu quả và bền vững hơn.

Đức Mỹ

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tphcm-can-co-co-che-dac-thu-de-tao-dong-luc-phat-trien-a301816.html