TP.HCM: Bệnh tay chân miệng tăng mạnh

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng, TP.HCM tính đến ngày 13-10 trên địa bàn thành phố đã có 4.284 trường hợp mắc tay chân miệng phải nhập viện điều trị, không có trường hợp tử vong. Chỉ tính riêng trong tuần 41, các bệnh viện tiếp nhận 175 trẻ nhiễm bệnh. Dịch tay chân miệng tăng 22% so với trung bình của 4 tuần trước đó.

Bệnh nhi điều trị tay chân miệng tại bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. Ảnh: M.Đức

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trong hai tuần qua, lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng đột biến so với tháng trước. Nếu tháng trước mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 30 ca bệnh này thì nay lượng trẻ nhập viện lên đến 70-80 ca/ngày.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ nhập viện điều trị trong những tuần cuối tháng 9 tăng 10% so với tháng trước và 500 ca được chẩn đoán mắc tay chân miệng tại phòng khám.

Đáng lo ngại hơn, từ sau khai giảng năm học mới đến nay, nhiều ổ bệnh tay chân miệng đã được ghi nhận tại các trường mầm non trên địa bàn gồm: Mầm non Họa Mi 3 (quận 5); Mầm non Tân Hòa và Mầm non Hướng Dương (đều thuộc huyện Hóc Môn). Tổng số trẻ mắc bệnh được ghi nhận tại 3 trường trên là 25 trường hợp.

Theo các chuyên gia y tế, nhiều chùm ca bệnh xuất hiện và sự gia tăng của tay chân miệng một phần là do thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho vi rút gây bệnh phát triển theo tính chu kỳ. Tuy nhiên, sự chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh là nguyên nhân trực tiếp khiến tay chân miệng diến biến theo chiều hướng nguy hiểm, đe dọa phát tán trên diện rộng.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Theo đó, để chủ động phòng chống dịch tay chân miệng, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo: nên vệ sinh sạch sẽ cho trẻ hằng ngày như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Khi trẻ có bệnh nên cho nghỉ học để tránh lây bệnh cho trẻ khác.

Ngoài ra, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã yêu cầu các Trung tâm Y tế dự phòng quận huyện tăng cường hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học. Khi các trường phát hiện ca bệnh hoặc nghi ngờ trẻ mắc bệnh phải thông báo ngay cho trạm y tế địa phương để có giải pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời tránh nguy cơ bệnh phát tán.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tp-hcm-benh-tay-chan-mieng-tang-manh.aspx