TP HCM: 'Bật đèn xanh' cho phép học thêm dạy thêm trở lại!?

Văn phòng Thành ủy TP HCM vừa có thông báo kết luận xung quanh chủ trương dạy thêm, học thêm (DTHT), trong đó có điểm đáng lưu ý là “Cho phép DTHT trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh”. Kết luận này theo đánh giá không khác gì TP đã “bật đèn xanh”, cho phép DTHT quay trở lại, thay vì trước đó là ban hành nhiều quy định quyết liệt chấm dứt dạy thêm.

Ngày 28/6/2016, UBND TP ra quyết định 3265 thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, nội dung “Kể từ năm học 2016-2017, chấm dứt việc tổ chức DTHT tại các trường trên địa bàn TP, chỉ cho phép tổ chức DTHT tại các trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ”.

Tuy nhiên, quy định có phần vội vã này vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của xã hội, trong đội ngũ thầy cô giáo và cả ngay trong đội ngũ lãnh đạo TP cũng có nhiều ý kiến trái chiều.

Theo đó bên cạnh tình trạng dạy thêm tiêu cực nhằm mục đích o ép học sinh, giáo viên dạy chỉ để thu tiền thì nhiều ý kiến cho rằng DTHT là nhu cầu chính đáng và có thật.

Chính vì vậy, Văn phòng Thành ủy TP HCM vừa ra thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về nội dung này. Kết luận cho biết, chủ trương chấm dứt tình trạng DTHT tràn lan, tiêu cực của Thường trực Thành ủy là đúng với Nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với mong muốn của người dân TP.

Trong điều kiện hiện nay, nội dung chương trình, phương pháp giáo dục còn chậm đổi mới; thi cử còn thiên về kiểm tra kiến thức, nhu cầu học thêm vẫn còn trong một bộ phận học sinh và phụ huynh.

Vì vậy, triển khai thực hiện chủ trương trên cần quyết liệt nhưng phải có lộ trình, cách làm phù hợp, cụ thể, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến phụ huynh, học sinh và đội ngũ thầy cô giáo. Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP khẩn trương trình Ban Thường vụ Thành ủy lộ trình chấm dứt DTHT tràn lan, tiêu cực.

Để chấn chỉnh công tác quản lý DTHT tràn lan hiện nay, thông báo nêu: Không tổ chức DTHT tại các trường mà học sinh đã học 2 buổi/ngày và đối với học sinh tiểu học, trừ các hoạt động bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội.

Một điểm dạy thêm buổi tối tại TP HCM, giáo viên thuê Trường Trung cấp dạy nghề để dạy thêm khi TP có quy định cấm DTHT trong nhà trường trước đây.

Theo kết luận trên, việc DTHT tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh. Các trường phải tổ chức khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ học sinh.

Danh sách lớp học thêm, nội dung, chương trình giảng dạy do hiệu trưởng quyết định. Nhà trường tạo điều kiện cho học sinh được chọn giáo viên theo học… Có nghĩa là, chung quy lại TP đã cho phép các trường được tổ chức DTHT trong nhà trường, thay vì công văn trước đây là cấm.

Ngoài ra, khái niệm “nhà trường tổ chức DTHT trên cơ sở tự nguyện của học sinh”, theo đánh giá của các chuyên gia thì đây chỉ là một cách nói, chứ thật ra rất khó để phân biệt đâu là “tự nguyện” và đâu là “ép tự nguyện” trong trường hợp này.

Bên cạnh đó, Thành ủy chỉ đạo các trường cần phải quan tâm, chú trọng vào việc phụ đạo, bổ sung kiến thức cho học sinh chưa theo kịp chương trình, bồi dưỡng cho học sinh giỏi (bằng ngân sách của TP, không thu phí của học sinh).

Các cơ quan quản lý, ban ngành có liên quan cần quản lý chặt chẽ việc DTHT bên ngoài nhà trường theo Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT và Quyết định 21 của UBND TP về quản lý DTHT.

Nghiên cứu nâng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số lớp học để đảm bảo chất lượng, tạo điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi, tăng cường các hoạt động thí nghiệm, thực hành, văn - thể - mỹ, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học… Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến, nắm tình hình dư luận.

Có thể thấy, với việc ban hành quy định chấm dứt DTHT khá vội vã khi chưa tìm hiểu thực tế tình hình nên chỉ vài tháng sau đó TP đã phải điều chỉnh quy định này, từ việc quyết liệt cấm đến nay là gần như cho phép trở lại.

Việc “nói đi nói lại” của TP đã khiến dư luận không khỏi thất vọng, cho rằng lãnh đạo TP chưa sâu sát tình hình, nắm bắt thực tế trước khi đưa ra quyết định mà làm ngược lại.

Trong khi đó, tại nhiều trường học vừa mới đăng ký dạy 2 buổi/ngày sau khi thực hiện quy định cấm DTHT cho rằng họ “trở tay không kịp”, vì trong kết luận mới này vẫn là cấm các trường đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày thì không được DTHT, trong khi thực tế nếu tổ chức dạy 2 buổi/ngày thì các trường vừa cực, vừa thu nhập ít hơn nhiều so với được dạy thêm.

Thùy Trang (Theo Báo Văn Hóa)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/tp-hcm-bat-den-xanh-cho-phep-hoc-them-day-them-tro-lai-d26596.html