Tour Nhà hát Lớn chưa hấp dẫn

Nhà hát Lớn chính thức mở tua (tour) tìm hiểu lịch sử, kiến trúc công trình trăm tuổi và xem nghệ thuật truyền thống sáng 6/9, tuy nhiên nội dung chưa cải thiện là bao so với những góp ý từ đợt khảo sát hồi tháng 5.

Phần xem biểu diễn nghệ thuật kém hấp dẫn hơn phần tìm hiểu kiến trúc Nhà hát Lớn. Ảnh: Như Ý.

Phần xem biểu diễn nghệ thuật kém hấp dẫn hơn phần tìm hiểu kiến trúc Nhà hát Lớn. Ảnh: Như Ý.

Tham quan nhà hát, xem nghệ thuật

Khách bỏ ra 400 nghìn đồng để mua vé đi một vòng tham quan, nghe thuyết minh lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật truyền thống trước khi xem biểu diễn nghệ thuật. Chương trình tổng hợp này gói trong một tiếng rưỡi, bắt đầu từ 10h30. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn cho biết từ nay tới hết tháng 12 vẫn là giai đoạn thử nghiệm. Nhà hát bố trí khung giờ cho tua này cố định thứ Hai, Sáu hàng tuần.

Từ sảnh đón khách, hướng dẫn viên dẫn khách đi một vòng để giới thiệu về kiến trúc đặc biệt của Nhà hát Lớn có tuổi đời trăm năm nay: Từ chiếc đèn được chăm chút phục dựng cho đúng loại như ban đầu, bậc cầu thang nguyên bản từ thời Pháp đến nay cho tới các bản thiết kế gốc vẽ bằng tay của các kiến trúc sư người Pháp. Khách được đón tiếp tại phòng Gương-nơi vốn để tiếp khách trang trọng, nguyên thủ quốc gia. Đây cũng là một trong những điểm nhấn có câu chuyện thu hút người xem-vết đạn bắn trúng tấm gương ở đây còn nguyên dấu vết. Khách cũng được mời ngồi lô VIP dành cho nguyên thủ khi xem biểu diễn. Tầng 3 dành cho không gian trưng bày tư liệu, ảnh cổ chụp nhà hát.

So với tua khảo sát hồi tháng 5, nội dung tua chính thức không thay đổi nhiều, nhất là chương trình biểu diễn mang tên Hồn Việt. Tiết mục được thêm vào và mở màn chính là Việt Nam quê hương tôi cả phần ca lẫn múa minh họa không mấy ấn tượng, nhạt nhòa như diễn trong chương trình kỷ niệm mỗi dịp lễ lạt. Đạo diễn Hoàng Xuân Bình, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam phụ trách chương trình nghệ thuật nói rằng không có kịch bản xuyên suốt, chỉ xâu chuỗi các loại hình nghệ thuật như tuồng với trích đoạn Ông già cõng vợ đi xem hội, độc tấu đàn bầu, chầu văn Cô bé Đông Cuông, hòa tấu nhạc cụ dân tộc và múa rối vũ điệu chim công. Lời giới thiệu chương trình ngắn gọn được dịch sang tiếng Anh chưa chắc cung cấp đủ thông tin tới khách nước ngoài, muốn khán giả tiếp thu tốt hơn ắt phải có tài liệu hướng dẫn nhất định.

Chỉ đến một lần rồi thôi?

“Chương trình này tôi chỉ xem một lần thôi, lần sau không đến nữa đâu”, bà Trương Thị Bình (31, Kim Mã, Ba Đình) nói. Bà nêu ý kiến nên tách riêng tua tham quan kiến trúc và xem nghệ thuật. Dù mê nghệ thuật truyền thống nhưng bà Bình cho rằng gộp vào tua tham quan để bán vé 400 nghìn đồng hơi cao, hơn nữa với tiết mục Cô bé Đông Cuông bị sân khấu hóa “không có thần” như xem lên đồng ở điện thờ. Vốn nhiều dịp lui tới Nhà hát Lớn xem chương trình, cơ quan bà thời những năm 90 từng thẩm định việc trùng tu Nhà hát Lớn nên bà Bình rất hứng thú tìm hiểu tổng quan kiến trúc nhà hát. Bà Nguyễn Thị Bích Hồng mới chuyển về Hà Nội không lâu lại cho rằng phần tìm hiểu về nhà hát hợp với người đam mê kiến trúc hơn cả. Một số người dân có tuổi ít lui tới Nhà hát Lớn có vẻ chịu chi, cho rằng mức giá 400 nghìn đồng chấp nhận được.

“Đây là sản phẩm tương đối mới. Những người thực hiện lồng ghép màn trình diễn các loại hình nghệ thuật cũng thú vị. Khách nước ngoài muốn khám phá tất cả loại hình nghệ thuật Việt Nam như tuồng, chèo, nghệ thuật đặc trưng nên tua này khá có sức hút”, ông Trịnh Thế Ninh, Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Du lịch Kỷ Nguyên nói. Tuy nhiên, ông Ninh kiến nghị muốn hấp dẫn du khách cần có chiến lược quảng bá rộng, giá vé hợp lý. Vé 400 nghìn đồng theo đại diện lữ hành hơi cao so với một số màn trình diễn khác như múa rối nước, đồng thời ông Ninh đề xuất kết hợp thêm khung giờ khác, nhất là cuối tuần thêm trải nghiệm.

Ông Trịnh Minh Tú, Cty Du lịch Dịch vụ Hà Nội (Hanoi Toserco) cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá sâu để đề xuất khung giờ hợp lý. Hơn nữa, muốn thu hút du khách thì nội dung phải đủ hấp dẫn, chi phí hợp lý. Bà Đặng Bích Thọ, Phó TGĐ Hanoi Red Tour cho rằng trước mắt tua này dễ thu hút khách Việt hơn, với khách Tây, có lẽ phải thiết kế lại.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu đoàn khách đầu tiên tham gia tua Nhà hát Lớn nói, đây là di sản văn hóa lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, điểm đến quan trọng nên Bộ quan tâm tới giá trị và quảng bá giá trị đó đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Thứ trưởng Liên cho biết, Bộ cũng hướng đến xây dựng tua giới thiệu di tích lịch sử, văn hóa tầm cỡ ở Hà Nội và cả nước như Bảo tàng lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hồ Gươm.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn cho biết từ nay tới hết năm vẫn trong quá trình thử nghiệm tua, nhà hát chưa có kế hoạch dài hơi hơn. “Hết 2017 chúng tôi sẽ xem xét lượng khách để cân nhắc việc mở riêng tua tham quan Nhà hát Lớn, tách riêng với xem nghệ thuật truyền thống”, bà Nguyệt nói. So với tua khảo sát, tua thực tế sinh động hơn nhờ áp dụng công nghệ 3D để thưởng thức trọn vẹn mọi góc độ, khung cảnh Nhà hát Lớn.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/tour-nha-hat-lon-chua-hap-dan-1184447.tpo